Ưu tiên khu vực sử dụng nguồn lực hiệu quả

06/11/2020 06:53 GMT+7

Theo TS Nguyễn Bá Ân, dự thảo xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới... sử dụng nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường, ưu tiên khu vực sử dụng hiệu quả hơn mà không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Ngày 5.11, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên sâu về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030.
TS Nguyễn Bá Ân, chuyên gia cao cấp, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thông tin dự thảo xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới tiếp tục kế thừa 3 đột phá chiến lược của giai đoạn 2011 - 2020 về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, trong đó phải huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường, ưu tiên khu vực sử dụng hiệu quả hơn mà không phân biệt DN nhà nước hay tư nhân.
TS Nguyễn Bá Ân thông tin quan điểm chỉ đạo xác định phát triển KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Dự thảo chiến lược cũng đề ra giải pháp là cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết sự tăng trưởng dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào năng suất và khu vực KTTN đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất, nhưng Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức như lực lượng lao động giảm dần, năng suất lao động thấp. Dù khu vực KTTN nội địa có khoảng 750.000 DN nhưng chỉ đóng góp 10% cho nền kinh tế và thấp ổn định trong 20 năm qua.
Mặt khác, trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào DN đầu tư nước ngoài (FDI) khiến Việt Nam rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo, chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp. Đáng lo ngại hơn, sự phụ thuộc này không phải ngắn hạn mà có tính cơ cấu, sẽ phụ thuộc trong trung hạn và dài hạn vì các DN Việt Nam không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu. Các mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại, linh kiện, điện tử, giày da, túi xách nhưng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu.
TS Vũ Thành Tự Anh cũng chỉ ra bất cập trong bức tranh phân bổ nguồn lực, cụ thể là vùng kinh tế phía nam đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng mức tái đầu tư thấp. Điển hình là trong tổng số 1.300 km đường cao tốc ở Việt Nam hiện nay thì cả Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cộng lại chỉ khoảng 100 km, tương đương 7% dù đóng góp tới 45% GDP và 42% thu ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.