'Ứng xử' thế nào với đảo cát Hội An?

Hữu Trà
Hữu Trà
14/04/2019 09:00 GMT+7

Đảo cát bất ngờ xuất hiện ngoài biển Hội An (Quảng Nam) trong khi phía bờ lại bị xâm thực nghiêm trọng là tình huống thú vị, vừa đặt ra nhiều nghi vấn vừa thách thức các nhà khoa học.

Đảo cát rộng khoảng 15 ha, dài gần 1,5 km, “trữ” khoảng 60 triệu m3 cát ở vùng biển Cửa Đại (Hội An) đang là bí ẩn lớn về cách thức hình thành, kể cả khi đoàn công tác của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cùng UBND tỉnh Quảng Nam khảo sát hiện trường ngày 5.4. Theo người dân địa phương, cuối năm 2017 đã thấy đảo cát “lộ diện” từ từ.
[VIDEO] Đi tìm nguyên nhân Đảo cát xuất hiện giữa biển Hội An

Bất thường “trong lở ngoài bồi”

Th.S Nguyễn Ngọc Thế, Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường (Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung), dự đoán có thể do xói lở bờ bắc Cửa Đại và đợt mưa bão năm 2017 đã đưa cát từ thượng lưu sông Thu Bồn tạo thành đảo cát. Gió mùa đông bắc, sóng lớn gây xói lở bờ biển phía bắc Cửa Đại đã lấy đi lượng cát rất lớn từ đây. Khi xuất hiện gió mùa tây nam, đông nam, theo cơ chế sóng tác động lượng bùn cát bên ngoài sẽ đưa ngược lại vùng ven bờ; nhưng cơ chế này không đủ sức điều hòa lượng bùn cát cho khu vực bờ biển phía bắc Cửa Đại mà chỉ đủ sức tập trung bùn cát tại cửa sông Thu Bồn và tạo thành đảo cát…
Đảo cát nổi ở Hội An Ảnh: Minh Hải
Ở phía bờ, tình trạng sạt lở diễn biến nghiêm trọng và phức tạp trong vòng 5 năm trở lại đây. Cơ quan chức năng ước đoán mỗi năm bờ biển Cửa Đại mất đến 350.000 m3 cát. Chế độ dòng chảy ven bờ và chế độ sóng tại khu vực này cũng không đồng nhất, các vị trí sạt lở cứ “nhằm” vào bãi tắm du lịch.
Chính vì vậy, hàng loạt cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn, nhà hàng dọc hơn 7,5 km bờ biển Cửa Đại gặp nạn. Riêng đoạn hơn 3 km tính từ Cửa Đại kéo ra phía bắc đến khu vực resort Palm Garden chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Giai đoạn 2016 - 2017, khu vực này đoạn bị xâm thực nặng nhất sâu hơn 30 m vào phía bờ. TP.Hội An đã “làm hết sức” khi đầu tư kè mềm giữ bờ và rất xót ruột trước thực trạng biển ăn bờ, nhưng gặp khó do kinh phí quá lớn. Riêng chính quyền tỉnh Quảng Nam dự đoán nguồn kinh phí lên đến 2.100 tỉ đồng mới đủ để ổn định thềm bờ biển và hạn chế sạt lở biển Cửa Đại.
Khảo sát đảo cát hình thành ngoài Cửa Đại, Hội An ẢNH: HỮU TRÀ
Khảo sát đảo cát hình thành ngoài Cửa Đại, Hội An ẢNH: HỮU TRÀ
PGS-TS Mai Văn Công (Khoa Công trình, Trường ĐH Thủy lợi) cho rằng nếu cứ ngồi đợi cho tự nhiên bồi hoàn lại khu vực bãi biển phía bắc Cửa Đại, thì có lẽ khó thành hiện thực. Vì vậy, ông có lý do để đề xuất có thể sử dụng một phần lượng cát bồi tại “đảo cát” này để tôn tạo lại bãi cho khu vực biển Cửa Đại.

Nghiêm cấm tập trung vui chơi trên đảo cát

Sau chuyến kiểm tra đảo cát hình thành ở ngoài biển Cửa Đại - Hội An, ông Lê Trí Thanh yêu cầu UBND TP.Hội An cắm biển cấm lên khu vực đảo cát; thông báo cho các đơn vị lữ hành, chủ các phương tiện và người dân không tự ý tổ chức đưa người dân và khách du lịch ra khu vực đảo cát hoặc tổ chức các hoạt động tự phát trên đảo cát. Do đảo cát mới hình thành, các triền cát quá mềm, dòng chảy xung quanh không ổn định... rất dễ gây tai nạn đuối nước. Các sở, ngành liên quan cũng được giao quản lý chặt chẽ người và phương tiện đến đảo cát; làm việc với Cục Đường thủy nội địa để cắm lại phao và bố trí kinh phí nạo vét luồng, cảnh báo các vấn đề liên quan với ngư dân…
Hữu Trà
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ở vùng Cửa Đại đã từng hình thành đảo cát vào năm 1988 gần bờ hơn đảo cát có hình dạng giống “khủng long” bây giờ, nhưng kích thước lớn gấp 4 lần và lệch về hướng bắc. “Đảo này dịch chuyển dần và nhập dính vào bờ năm 1991 cùng lúc với một cửa sông mới hình thành do một trận lũ tại vị trí khu du lịch Victoria hiện nay”, ông Thanh nói. Đến năm 1998, xem như đảo cát này là đất liền, mũi của đảo cát chính là cồn dương liễu bây giờ.
Đáng chú ý, hồi tháng 11.2017 tại Quảng Nam có trận lũ rất mạnh, làm dòng chảy dịch chuyển mạnh về phía bắc và “cắt” doi cát mềm để mở một cửa sông mới. Lượng bùn cát đổ ra sông trong 4 ngày của trận lũ này tương đương 2,2 triệu tấn, bằng 56% tổng lượng bùn cát ra sông của cả năm.
Theo ông Thanh, do ảnh hưởng của sóng nên lượng bùn cát này không đi xa được mà đọng lại tại cồn cát ngầm ngoài Cửa Đại (được hình thành từ trước đó).

Giữ nguyên hay xúc đi?

Do chưa xác định được nguyên nhân hình thành đảo cát cũng như những tác động của nó đến môi trường, dòng chảy, ảnh hưởng đến luồng lạch của tàu thuyền ra vào Cửa Đại, nên các cơ quan quản lý đang lúng túng.
Sau chuyến khảo sát hôm 5.4, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), cho biết ngành chức năng vẫn đang xem xét cách thức tương tác của bãi bồi này với bờ như thế nào. Trước mắt, tổng cục hỗ trợ Quảng Nam quan trắc trong vòng 1 năm.
Ông Lê Trí Thanh gợi ý 2 phương án. “Thứ nhất, nếu chúng ta chấp nhận sự tồn tại của nó thì phải đánh giá, dự kiến sẽ tiếp biến như thế nào trong tương lai và sự hình thành đó ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thế nào đến môi trường, đến luồng tàu, đến quá trình sạt lở bờ biển Cửa Đại. Chấp nhận sự tồn tại của đảo cát đồng nghĩa phải đưa ra ngay giải pháp để nó tồn tại một cách bền vững. Thứ hai, nếu xử lý nó thì phải trả lời cho được là lấy đi lượng cát bao nhiêu là vừa, lấy để phục vụ việc gì?”.
Cơ quan chuyên môn hiện đang cắm mốc để đo vẽ bình đồ của đảo nổi nhằm xác định diễn biến và cách thức hình thành đảo cát lớn. Vì vậy, giữ nguyên hay sẽ xúc cát từ đảo, xúc bao nhiêu… đang là câu hỏi chưa thể trả lời. Quan điểm của chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn đặt vấn đề “bù” cát khi bàn đến phương án phục hồi bãi biển Cửa Đại.
“Bù cát thì chắc chắn phải sử dụng cát vốn từ Cửa Đại ra đi thì mới đảm bảo tính kết dính của bờ biển. Như vậy phải bù đắp bao nhiêu, việc lấy cát ở bãi bồi này ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực xung quanh, lấy hết hay lấy từng phần đảo cát? Đó là những câu hỏi cần các nhà khoa học vào cuộc giải đáp”, ông Thanh nói.

Phát hiện thêm doi cát ngầm mới

Sáng 12.4, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, sau khi đi thực địa quanh đảo cát đã báo tin cho PV Thanh Niên về một doi cát ngầm khác, hình vòng cung. Theo ông Sự, doi cát ngầm này nằm cách đảo cát hiện hữu khoảng 100 m về hướng ra phía Cù Lao Chàm; doi cát lớn khoảng 1/3 so với đảo cát. Ông Sự cũng chia sẻ thông tin này cho lãnh đạo Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội để các nhà nghiên cứu thẩm định, đánh giá.
Ông Nguyễn Sự cho rằng cần phải quan trắc kỹ để tìm nguyên nhân hình thành cồn cát và doi cát. Phải quan trắc kỹ để có cách ứng xử phù hợp, và trả lời câu hỏi vì sao đảo nổi, cát ở đâu ra. Nếu can thiệp không đúng sẽ phản tác dụng.
H.X.Huỳnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.