'Ứng xử của các quốc gia thượng nguồn ảnh hưởng nguồn nước chảy vào Việt Nam'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/08/2020 16:31 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước sông quốc tế. Chưa kể, ứng xử của một số quốc gia thượng nguồn làm ảnh hưởng tới nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Sáng 17.8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường (KHCN-MT) tổ chức hội nghị giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập với phần giải trình chính của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà.

Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm 63%

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập do Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT Nguyễn Vinh Hà trình bày tại hội nghị cho biết, tuy Việt Nam có tới gần 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km, nhưng nguồn nước lại phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế.
“Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông, làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT Nguyễn Vinh Hà nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PT Nguyễn Xuân Cường giải trình tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Báo cáo sau đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, “đây là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia”.
Ông Cường thông tin, nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chiếm tới 63% (tương ứng sông Mê Kông có 90,1%, sông Hồng 38,5%, sông Cả 18,4% và sông Mã 27,1%). Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông.
Số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đưa ra, giai đoạn từ nay đến năm 2040, trên lưu vực sông Mê Kông, trong khi Việt Nam định hướng duy trì hoặc giảm diện tích tưới, thì diện tích tưới tại các quốc gia thượng nguồn sẽ tăng từ 2 - 3 lần.
“Nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế năm 2017 công bố khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040”, ông Cường cho biết.

"Hợp tác quốc tế về an ninh nguồn nước chưa được"

Trong phần chất vấn sau đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đặt câu hỏi với 2 bộ trưởng NN-PTNT và TN-MT: với gần 70% lượng nước sản sinh bên ngoài lãnh thổ, phụ thuộc quốc tế thì việc hợp tác quốc tế, tham gia các điều ước quốc tế như hiện nay đã đảm bảo an ninh nguồn nước hay chưa?
“Riêng việc hợp tác quốc tế về an ninh nguồn nước chưa được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
Theo ông Cường, các cơ chế hợp tác hiện có như Ủy hội sông Mê Kông hay Hợp tác Mê Kông - Lan Thương vẫn chưa giúp Việt Nam tiếp cận các số liệu cần thiết.
“Nay mai không có tệp số liệu, đại hồng thủy nó đến làm thế nào?”, ông Cường đặt vấn đề, và đề nghị phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, có giải pháp ngoại giao để làm sao có thông tin theo đúng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà giải trình tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

“Phải chia sẻ thông tin chứ ở thượng nguồn mà một mình mình biết thì làm sao được”, ông Cường nói và đề nghị các cơ quan phụ trách ngoại giao tập trung đấu tranh để có quyền lợi theo đúng quy định quốc tế.
Giải trình thêm, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, 2 cơ chế hợp tác hiện tại là 2 cơ chế tự nguyện, tính pháp lý hết sức lỏng lẻo. Do đó, ông Hà cho biết, hiện tại chúng ta xác định là tận dụng những thỏa thuận đã có và duy trì nó.
“Về lâu dài, chúng ta phải tiếp tục kiên trì, làm sao các nước hướng tới có sáng kiến, lộ trình từng bước để các nước có thỏa thuận chung và tính pháp lý cao hơn”, ông Hà nói.

"Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước"

Phát biểu chỉ đạo và định hướng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, việc phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước.
Chưa kể đến, việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam.
“Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế, tình trạng xâm ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có một phần nguyên nhân do thiếu nước thượng nguồn”, ông Hiển nhìn nhận, từ đó khẳng định quan điểm, phương châm chỉ đạo đối với an ninh nguồn nước là để chủ động nguồn nước, không phụ thuộc vào nước ngoài cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ tại chỗ, điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
Ông Hiển cũng cho rằng, cần tăng cường quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, ký kết và thực hiện các hiệp định để bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, phối hợp điều hòa nguồn nước hợp lý, hạn chế mức cáo nhất sự tác động của con người tự nhiên làm phá hoại môi trường tự nhiên, nhất là đối với lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng.
“Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, ông Hiển khẳng định.
Từ đó, ông Hiển đề nghị Ủy ban KHCN-MT cần kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ sớm xây dựng đề án phát triển và đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất.
Coi nước là hàng hóa đặc biệt
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt. Phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ, giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt.
Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, phương châm đối tác công tư, phân kỳ đầu tư, có trật tự ưu tiên, cấp bách làm trước, lâu dài làm từng bước, khó làm trước và phải có đột phá để xử lý các vấn đề khó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.