Vụ cho nạo vét khoáng sản ở công trình ngàn tỉ: UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo kiểm tra khẩn

03/07/2020 06:49 GMT+7

Khi thiết kế hồ thủy lợi, người ta đã tính kỹ tuổi thọ, mức độ bồi lắng của công trình. Khi tác động vào phần đáy hồ sẽ làm sạt lở, thay đổi dòng chảy...

Ngày 2.7, ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Lo ngại tận thu cát ở công trình ngàn tỉ, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn gửi Sở NN-PTNT, Sở TN-MT và UBND H.Tánh Linh yêu cầu tổ chức đoàn kiểm tra thực tế, rà soát lại các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc cấp phép nạo vét.
Cũng trong chiều 2.7, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Trần Hữu Thành đã có văn bản trả lời các câu hỏi của PV Thanh Niên xung quanh việc cho nạo vét cát ở lòng hồ Tà Pao (H.Tánh Linh).

“Nếu ảnh hưởng hồ La Ngà 3 thì sẽ thu hồi giấy phép”

Về vấn đề giám sát quá trình nạo vét đối với Công ty CP khoáng sản Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, trụ sở Q.9, TP.HCM - PV), ông Trần Hữu Thành cho biết trong giấy phép của UBND tỉnh Bình Thuận có giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và H.Tánh Linh thực hiện. “Trong trường hợp, nếu hoạt động nạo vét, tận thu khoáng sản (trong lòng hồ Tà Pao - PV) ảnh hưởng đến việc triển khai hồ La Ngà 3 (dự án thủy lợi cũng chặn sông La Ngà, có tác dụng cung cấp nước cho vùng hạ du, gồm 2 huyện: Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận), một phần Đồng Nai và một phần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - PV) thì Sở NN-PTNT phải báo cáo tỉnh Bình Thuận để thu hồi giấy phép này”.

Không được tác động gây ô nhiễm nguồn nước của dân

Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Bình Thuận (nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT, Sở KH-CN Bình Thuận), cho rằng về nguyên tắc không được tác động vào phần nền của hồ đập Tà Pao và hồ Sông Dinh 3. Vì khi thiết kế hồ thủy lợi, người ta đã tính kỹ tuổi thọ, mức độ bồi lắng của công trình. Khi tác động vào phần đáy hồ sẽ làm sạt lở, thay đổi dòng chảy... “Các công trình thủy lợi nhà nước làm là để cho người dân hưởng thụ. Không được tác động vào công trình hồ đập vì nó sẽ ô nhiễm nguồn nước hạ du. Mặt khác, người dân mới là chủ đầu tư công trình thủy lợi. Do vậy trước khi cấp phép, UBND tỉnh Bình Thuận phải hỏi ý kiến người dân”, ông Quý nói.
Về câu hỏi vì sao không đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau nạo vét mà giao cho Công ty Thuận Phong, ông Trần Hữu Thành cho rằng Sở NN-PTNT áp dụng Nghị định 67 ngày 14.5.2018 của Chính phủ (quy định một số điều của luật Thủy lợi) nên không đấu giá mà “giao thẳng” cho doanh nghiệp thực hiện nạo vét, tận thu khoáng sản.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tám, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở TN-MT Bình Thuận), khẳng định việc áp dụng Nghị định 67 trong trường hợp trên là không đúng quy định. “Nghị định 67 không hề có từ ngữ nào nói về “nạo vét, tận thu” mà dùng từ “khai thác khoáng sản”. Mà đã khai thác thì phải áp dụng việc đấu giá khoáng sản theo luật Khoáng sản”, ông Tám phân tích.

Hoạt động khai thác tận thu khoáng sản của Công ty Thuận Phong ở khu vực sông La Ngà

Ảnh: H.Linh

Tiếp tục cho phép nạo vét, tận thu 200 ha ở hồ sông Dinh 3 ?

Trong khi việc cấp phép cho Công ty Thuận Phong nạo vét trong lòng hồ Tà Pao gây nhiều lo ngại bởi sự sạt lở thì tại Công văn 4608/UBND-ĐTQH ngày 4.12.2019, UBND tỉnh Bình Thuận cũng thống nhất về mặt chủ trương cho phép doanh nghiệp này nghiên cứu, lập hồ sơ thực hiện việc khảo sát, thăm dò và lập phương án nạo vét, kết hợp tận dụng cát bồi trong lòng hồ Sông Dinh 3 (H.Hàm Tân).
Theo Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Đỗ Văn Thái, hiện Công ty Thuận Phong đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường cho việc nạo vét 200 ha trong lòng hồ Sông Dinh 3, chờ hội đồng của tỉnh phê duyệt. "Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn (ngày 3.6.2020) giao cho Sở
TN-MT xem xét, nghiên cứu vận dụng Nghị định 23 ngày 24.2.2020 (quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát sỏi lòng sông, lòng hồ, cửa sông…) đối với trường hợp của Công ty Thuận Phong nạo vét tận thu khoáng sản ở Sông Dinh 3 có thuộc trường hợp phải đấu giá quyền khai thác và khoáng sản tận thu hay không", ông Thái nói và cho biết hiện Sở TN-MT đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) về việc này, trước khi tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép Công ty Thuận Phong triển khai việc nạo vét tận thu khoáng sản trong lòng hồ Sông Dinh 3.

Nước sinh hoạt vùng hạ du sẽ bị ảnh hưởng

Liên quan chủ trương nạo vét lòng hồ Sông Dinh 3, tại Tờ trình số 191 ngày 14.4.2019 gửi UBND tỉnh Bình Thuận, Sở TN-MT khẳng định khu vực dự án là khu vực cấm khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2897 ngày 5.10.2016. Tuy nhiên, ngày 24.4.2020, UBND tỉnh Bình Thuận lại có văn bản (số 1551) yêu cầu Sở TN-MT làm rõ tác động của việc nạo vét này có ảnh hưởng gì đến nguồn nước và việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân hạ du (toàn bộ TX.La Gi) hay không. Theo Sở TN-MT, cho đến thời điểm này, đánh giá tác động môi trường của Công ty Thuận Phong vẫn chưa được phê duyệt, nên việc nạo vét tận thu khoáng sản tại Sông Dinh 3 vẫn chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tám, việc cho Công ty Thuận Phong thực hiện khai thác khoáng sản trong lòng hồ Sông Dinh 3 sẽ phát sinh xả thải trong quá trình nạo vét. “Vì nước hồ Sông Dinh 3 chảy về TX.La Gi và là nguồn chính cung cấp nước sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân ở đây nên việc xả thải này ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân hạ du”, ông Tám nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.