UBND các quận huyện tại TP.HCM cần công khai kết luận thanh tra cho người dân

17/01/2018 20:05 GMT+7

Đó là chỉ đạo của bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.

Chiều 17.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM.
Tại hội nghị, bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, trong thời gian sắp tới, phải tăng cường, phát huy vai trò của nhân dân để nhân dân tham gia ngày càng sâu hơn trong việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
 "Đặc biệt, người dân được kiến nghị góp ý, nêu ý kiến, nhận xét của mình về cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, để cấp ủy xử lý triệt để. Đối với các UBND quận huyện, cần phải quan tâm làm tốt hơn vấn đề công khai để nhân dân biết, ví dụ công khai cán bộ được quy hoạch và công khai kết luận thanh tra kiểm tra để dân nắm rõ", bà Dung nhấn mạnh tại cuộc họp.
Giải quyết triệt để cán bộ nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch với dân
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu, sau 10 năm thực hiện đã có những chuyển biển tích cực và rõ rệt. Tuy nhiên tác phong làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức về hành chính hóa, thủ tục hóa, cứng nhắc khi tiếp xúc với người dân trong thực thi công vụ. Tiến độ triển khai các công trình, dự án còn chậm, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư các dự án trên địa bàn TP đến nay cơ bản đã hoàn thành nhưng vẫn còn vướng mắc trong giải quyết chính sách để xảy ra một vài trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, bà Thu nhấn mạnh về việc triển khai thực hiện dân chủ cơ sở ở một số cơ quan, đơn vị còn nặng nề về hình thức, một số nội dung công khai để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa đầy đủ.
Đặc biệt, trình độ đội ngũ cán bộ công chức chưa đồng đều nên một số cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, còn nặng về mệnh lệnh hành chính, chưa tích cực giải thích, hướng dẫn cho nhân dân đặc biệt là ở lĩnh vực đất đai, xây dựng; chưa lắng nghe, sâu sát với ý kiến của dân, chưa phản ánh kịp thời kiến nghị của người dân cho lãnh đạo cấp trên, còn đùn đẩy giữa các cơ quan các cấp.
Theo bà Thu, cần mở rộng các kênh đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với người dân, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong các lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp quyền và lợi ích của người dân.
Bà Thu nhấn mạnh, cần phải lắng nghe và giải quyết triệt để tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch, xa rời nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.