U Minh giữa Sài Gòn: Trong 'rừng' Thủ Thiêm

26/06/2020 09:00 GMT+7

Từ khu đất đang chờ đền bù giải tỏa, Thủ Thiêm đã biến thành “rừng” và trở thành nơi mưu sinh của dân lao động.

Do bị bỏ hoang lâu ngày, các con rạch quanh những bụi dừa nước trong khu Thủ Thiêm ngập đầy bùn sình. Tuy vậy, điều này lại kích thích dân mê câu cá. “Muốn câu được cá to, cá ngon thì phải vào sâu giữa những bụp dừa nước. Mấy khu bên ngoài, người ta câu nhiều rồi nên ít cá. Giờ chúng tôi nhờ anh em địa phương chặt lá dừa nước lót đường để vào trong câu”, một thợ câu thạo nghề cho hay.

Làm... du lịch

Người dân địa phương mà anh thợ câu nhắc đến chính là hai anh em ruột dân Thủ Thiêm gốc: Lê Văn Tiến, 36 tuổi và Lê Văn Nhanh, 32 tuổi. Một tay cầm dao chặt phăng phăng những tàu dừa nước, tay kia nhấn mạnh xuống sình, anh Nhanh cho biết: “Nay là ngày thứ hai đi chặt lá dừa nước mà nhìn chưa ra con đường. Muốn vào được chỗ câu phải đi qua rất nhiều con rạch. Khi nước lớn, có những con rạch sâu ngang cổ hoặc tới hông. Khách câu thường là dân phố không quen lội bùn, đi “rừng” nên mình phải lót đường”.
Những người thường tới Thủ Thiêm câu cá đến từ khắp nơi, nhưng nhiều nhất là ở Bình Dương. Từ một, hai người phát hiện khu dừa nước ở Thủ Thiêm rồi rỉ tai nhau, hiện nay, cứ tới những ngày cuối tuần rất nhiều người tay cần, tay mồi vào câu. Từ ngày nhiều người biết đến thú vui câu cá ở Thủ Thiêm, anh Nhanh cùng anh Tiến có thêm nghề tay trái (ngoài nghề làm công nhân vườn ươm ở khu Sala) là dẫn khách đi câu. Mỗi buổi như thế, hai anh cũng bỏ túi được vài trăm ngàn tiền bồi dưỡng.
Từ khu đất đang chờ đền bù giải tỏa, Thủ Thiêm đã biến thành “rừng” và trở thành nơi mưu sinh của dân lao động.1

Căn nhà của cụ Nguyễn Thị Giáp ở giữa đồng không buộc cụ phải ngụy trang để chống trộm

ẢNH: TRUNG DU

Cuộc sống tạm ở khu tái định cư, để có tiền cho con cái đi học và phòng lúc bệnh đau thì cứ có việc ra tiền là làm, không phân biệt sang hèn, làm thuê hay khuân vác miễn là lương thiện”, anh Tiến nói.
Do bản tính nhiệt tình, chất phác nên anh Tiến, anh Nhanh được khách câu rất quý. Ngoài tiền công làm đường cho khách thuận lợi khi vào câu, bắt được con cá, con cua bán cho khách họ cũng luôn trả giá cao. Nhờ vậy mà dù sống ở khu tạm cư thiếu thốn nhưng gia đình anh vẫn có tích lũy. Anh Tiến bảo: “Giờ chịu khó kiếm tiền, vài năm nữa nếu việc đền bù giải tỏa vẫn chưa xong thì dành vốn mở cái tiệm sửa xe. Mình vẫn phải làm để sống thôi”.
Anh Nguyễn Văn Dân (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng là dân mê câu cá. Lúc đầu nghe bạn bè rủ qua Thủ Thiêm đi câu, anh không mường tượng ra ngay cạnh khu đô thị hiện đại như Sala mà lại có “rừng”. Đến nơi, anh mới choáng ngợp bởi một vùng cây cối um tùm, nơi trước đây anh từng có lần đến thăm nhà bà con giờ đây không còn thấy bóng cư dân.
Anh Trần Văn Khôi (trú Q.7), một khách câu trung thành với vùng đất Thủ Thiêm, cho hay: “Ban đầu nghe nói Thủ Thiêm giải tỏa, tôi thường tới lui xem cuộc sống bà con ở đây thế nào. Về sau, được anh Nhanh dẫn đi câu thành ghiền nên tuần nào tôi cũng rủ bạn bè qua câu cá. Cá trê, cá rô phi câu một buổi cả xô, rồi mượn than, mượn bếp nhà anh Nhanh nướng cá làm mồi nhậu”. Dù không giúp được về vật chất nhưng anh Khôi luôn động viên gia đình anh Nhanh kiên trì chờ đợi kết quả thanh tra từ T.Ư.

Nơm nớp giữa “rừng”

Hầu hết những người sống dựa vào “rừng” Thủ Thiêm hôm nay đều là dân Thủ Thiêm gốc. Họ bám “rừng”, bám đất để chờ đợi một quyết định đền bù thỏa đáng. Nhiều năm nay, nhà cửa bị giải tỏa phục vụ việc xây dựng dự án biến họ thành những người tứ cố vô thân. Thay vì rời bỏ, họ vẫn bám trụ. Lê Văn Hơn, cư dân khu tạm cư Thủ Thiêm, cho hay: “Còn người là còn cơ hội, ra khỏi đất của mình là coi như mất. Còn ở lại ngày nào là còn cơ hội đòi được công lý ngày đó nên bám “rừng” để sống cũng là một cách bám đất chân chính”.

Anh Lê Văn Tiến tranh thủ bắt cá làm thức ăn cho bữa tối để tiết kiệm tiền sinh hoạt hằng ngày

ẢNH: TRUNG DU

Từ một khu dân cư đông đúc, an ninh, sau giải tỏa Thủ Thiêm trở nên điêu tàn với số ít người dân trụ lại được. Xung quanh những ngôi nhà bê tông nham nhở trơ trọi, lau sậy mọc cao hơn đầu người. Chiều tối, muỗi cũng như ong và rắn rết ra vào nhà như khách.
Tìm tới ngôi nhà bị đập nham nhở của cụ Nguyễn Thị Giáp (83 tuổi, P.Bình An, Q.2), thấy gần chục đôi dép đủ cỡ trước cửa nhưng gọi mãi không ai mở, chúng tôi toan về thì có tiếng gọi ngược: “Cô tìm ai?”. Sau khi hỏi rõ, cụ mở cửa cho chúng tôi vào. Ngôi nhà vắng tanh không có bóng khách nào. Cụ Giáp thở dài: “Nhà chỉ có hai thân già, sợ trộm, cướp vào thăm nên phải ngụy trang như vậy”. Mỗi ngày một lần cụ Giáp đảo lại vị trí mấy đôi dép để người ta có nhìn vào tưởng nhà có nhiều người ở. Các ô gió trong nhà cụ cũng nhờ người lấy lưới thép rào chắn cẩn thận.
Mấy năm nay, chỉ còn cụ và cụ ông sống giữa đồng không mông quạnh. Căn nhà chẳng có gì đáng giá. Dù vậy, nghĩ nhà cụ có tiền nên thỉnh thoảng người nghiện, trộm cướp lại “vào thăm”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Hoàng (42 tuổi, KP.1, P.Bình An, Q.2) vì an toàn phải sơ tán vợ con đi ở nhờ nhà người thân nhiều năm, riêng anh ở lại “cố thủ”. Mỗi đêm, anh kéo giường nằm sát cửa, kế bên là bình gas để sẵn sàng liều chết nếu có người đột nhập.
Kéo cặp kính lão sát mắt, anh Hoàng chia sẻ: “Khu Thủ Thiêm giải tỏa tới nay đã 23 năm, từ khi tôi mới mười tám đôi mươi, nay đầu đã lấm tấm bạc nhưng vẫn chỉ thấy phân lô bán nền, tuyệt nhiên không thấy công trình phúc lợi xã hội nào mọc lên. Trước đây làng xóm vui vầy mà giờ chỉ còn mình ở giữa rừng cỏ lau. Thà sống giữa rừng U Minh còn an toàn chứ sống ở “rừng” Thủ Thiêm bây giờ ngoài rắn rết, còn sợ trộm cướp...”.
Anh Hoàng cũng như hầu hết người dân Thủ Thiêm đều chấp nhận chờ chính sách đền bù giải tỏa, nhưng gần 1/4 thế kỷ đã trôi qua mà câu chuyện Thủ Thiêm vẫn chưa có hồi kết...
Bữa ăn của người nghèo
Không chỉ tạo việc làm, “rừng” Thủ Thiêm còn cung cấp nguồn rau và cá đồng phong phú cho dân nghèo không bị đứt bữa. Những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát, “rừng” Thủ Thiêm trở nên tấp nập hơn bởi công nhân khu vực Q.2 và các quận lân cận bị mất việc, mất thu nhập nên rỉ tai rủ nhau qua đây săn cá.
Anh Tôn Văn Lý (công nhân xây dựng) từ Q.7 nhưng chiều nào cũng mang theo tay lưới chạy qua Thủ Thiêm giăng bắt cá. Anh Lý cho hay: “Tôi mất việc, cả gia đình bốn miệng ăn chỉ dựa vào đồng lương của đứa con gái phụ bán tạp hóa để trang trải. Cũng may, mỗi ngày qua đây thả vài tay lưới cũng kiếm được mớ cá đổi gạo ăn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.