Tuyển lãnh đạo, tránh tình trạng ‘sống lâu lên lão làng’

27/07/2013 01:48 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về công tác nhân sự hiện nay khi ông chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức diễn ra ngày 26.7.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 115 thủ tục hành chính, nâng tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa lên 3.396 thủ tục. Tuy nhiên, theo phê duyệt của Thủ tướng, đến nay vẫn còn 1.375 thủ tục hành chính cần tiếp tục được đơn giản hóa.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng cho rằng, công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm và mang tính hình thức; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách chế độ công chức, công vụ...

Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan hành chính tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tuyển chọn những người đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng các yêu cầu công việc được giao; thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng. Về phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng cần được nghiên cứu đổi mới bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả. “Đặc biệt phải tránh tình trạng sống lâu lên lão làng” - ông Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, trách nhiệm thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong công tác cải cách hành chính, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần được xác định rõ. Bộ Nội vụ khẩn trương triển khai, hoàn thành kế hoạch xác định và công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; triển khai thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Học tập “kinh nghiệm Đà Nẵng”

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng “phê” một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng, chất lượng tuyển dụng nhân sự chưa được đảm bảo. Bộ Nội vụ đã có văn bản nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương nhưng một số vẫn không tiếp thu, chấp hành, làm trái quy định gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Liên quan đến con số 30% cán bộ công chức, viên chức hiện không làm được việc, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng chỉ rõ bất cập này do biên chế theo cách cũ đã tồn tại lâu. Nhưng việc tinh giản biên chế, với phần lớn cán bộ không làm được việc, lại không thể giải quyết được vì “họ không sai phạm gì, cấp trên cũng không có quyền đánh giá”.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ báo cáo thành phố này đang áp dụng biện pháp đánh giá công chức theo mô hình mới, lấy kết quả làm thước đo. Từ đó, cơ quan chức năng đã “nhận diện được số 30% công chức không làm được việc, chỉ ra đó là những ai”. Cách thức cụ thể, theo ông Ngữ, đó là tất cả công chức đều phải thực hiện ghi chép nhật ký làm việc, thống kê công việc hằng tháng. Sau đó nhìn vào bản kê khai này sẽ biết vị trí nào không làm việc hết thời gian, làm được việc gì.

Đánh giá cao mô hình của Đà Nẵng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khác cần làm được việc tương tự để có thể xác định số công chức “có cũng được, không có cũng không sao” tồn tại trong suốt những năm qua.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.