'Tuyên chiến' với karaoke dạo!

18/05/2019 06:23 GMT+7

UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở ngành, quận huyện tham mưu trong việc xử lý vi phạm tiếng ồn, nhất là độ ồn từ việc hát karaoke tự phát, từ “loa kẹo kéo dạo” vốn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

“Đã hát dai, lại còn hát dở!”

Khoảng 14 giờ 30 ngày 16.5, khu vực Q.1 mưa tầm tã, lúc này chiếc loa của một siêu thị điện máy trên đường Trần Hưng Đạo, P.Cầu Ông Lãnh (Q.1) vẫn hoạt động không ngừng nghỉ. Tại vị trí cách chiếc loa khoảng 10 m, PV Thanh Niên cảm nhận rõ âm thanh “đinh tai nhức óc” đang tác động khiến mọi người xung quanh vô cùng khó chịu.
Số loa mà người vi phạm bỏ lại tại UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Số loa mà người vi phạm bỏ lại tại UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trong khi đó, trên đường Hồng Bàng (P.11, Q.5), một cửa hàng bán loa cũng “vui nhộn” không kém. Âm thanh “Em sẽ yêu anh mãi...” được remix phát ra liên tục khiến nhiều người đi đường không khỏi bực bội. Còn tại đường Kinh Dương Vương, P.An Lạc (Q.Bình Tân), mới xế chiều nhưng một nhóm bạn nhậu đã “lưng lưng”. Ai nấy tranh thủ cụng ly và say sưa bên tiếng nhạc karaoke loa kẹo kéo. Tiếng nhạc vang lên, một bạn nhậu cứ thế tuôn lời ca tiếng hát “Thành phố buồn, nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm...”.
Để xử phạt được cần phải trao quyền cho cơ sở và đơn giản thủ tục hành chính, như trang bị máy đo độ ồn và cho phép phòng TN-MT của quận, huyện được đo, từ đó làm cơ sở xử phạt hành vi gây ồn
Ông Nguyễn Đông Tùng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận
Tại hẻm 181 Âu Dương Lân (P.2, Q.8), dường như chiều tối nào cũng có một vài gia đình “mở tiệc” karaoke. Theo ghi nhận của chúng tôi, cứ vài chục mét lại có một nhóm người ngồi trước nhà ăn uống, hát hò liên tục. Những “khán giả” bất đắc dĩ như muốn điên đầu vì đủ thứ âm thanh dội vào tai. “Mỗi ngày đi làm về tôi phải đóng cửa nhà suốt. Họ hát dai mà lại còn… dở! Ai mà chịu nổi!”, người dân ở khu vực này bức xúc.

100 loa kẹo kéo dạo “vô thừa nhận”

Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), cho hay hát karaoke dạo đang là nỗi ám ảnh của người dân ở phường. Thời gian qua phường xử lý rất nhiều trường hợp dùng loa kẹo kéo để hát karaoke kinh doanh gây ồn ào, mất trật tự ở phường, đặc biệt là ở khu vực “phố Tây” đường Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện...
Chỉ riêng năm ngoái đến nay, phường xử lý 70 - 80 trường hợp hát karaoke qua loa kẹo kéo và đang tạm giữ chừng... 100 loa kẹo kéo là “tang vật”. Khi phát hiện vi phạm, phường xử phạt 2,5 triệu đồng nhưng người vi phạm không đóng phạt và bỏ luôn “tang vật”. Điều đáng nói là sau một thời gian ngắn, người vi phạm lại mua loa rẻ tiền khác và tiếp tục đưa đến khu vực phường “quấy rầy”.
“Đây là khó khăn lớn nhất mà phường đang gặp phải khi xử lý vi phạm tiếng ồn”, ông Đạt nói. Còn về vi phạm độ ồn do các hộ dân ở phường gây ra, ông Đạt cho hay cứ khoảng 2 tuần thì UBND phường nhận được 2 - 3 phản ánh về việc này; thường rơi vào tình huống hát karaoke làm ồn ở khu dân cư. Theo ông Đạt, đối với trường hợp hộ dân hát karaoke làm ồn, chính quyền địa phương chỉ được xử phạt nếu lỗi vi phạm xảy ra sau 22 giờ; trước thời điểm đó thì không thể xử phạt.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho hay quận cũng thường nhận được phản ánh về vi phạm tiếng ồn, nhiều nhất là tình trạng người dân mở hát karaoke quá to. Khi nhận được phản ánh, quận sẽ giao phòng văn hóa - thông tin, UBND phường phối hợp với công an xuống nhắc nhở. Thường thì sau khi nhắc nhở, phía gia chủ đều tuân thủ.
“Ít có xử phạt, chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chứ chế tài chưa cao. Khi có vi phạm, quận xuống vận động, nếu không chấp hành thì giao công an lập biên bản xử lý vi phạm, tịch thu tang vật...”, ông Thiện nói và cho hay cần sửa đổi quy định xử lý vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư theo hướng nghiêm khắc hơn để không xảy ra tình trạng vi phạm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Khó đo được độ ồn hát dạo

Ông Nguyễn Đông Tùng, Phó chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, cho hay theo quy định để xử phạt được vi phạm tiếng ồn phải có đơn vị thẩm quyền xuống đo độ ồn; còn quận, phường tự đo chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không thể dựa vào đó để xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên đối với những tiếng ồn, âm thanh từ loa kẹo kéo dạo hay hát karaoke gây ồn ào, huyên náo ở khu phố không phải lúc nào xảy ra sự việc, những đơn vị có thẩm quyền cũng có mặt ngay ở hiện trường để đo.
Chưa kể việc hát karaoke không xảy ra liên tục, lại di động; khi các đơn vị này xuống thì người vi phạm đã bỏ đi. Chính vì nguyên nhân này nên thời gian qua Q.Phú Nhuận chưa xử phạt trường hợp nào liên quan đến việc quấy rầy, làm ồn từ hát karaoke dạo. “Để xử phạt được cần phải trao quyền cho cơ sở và đơn giản thủ tục hành chính, như trang bị máy đo độ ồn và cho phép phòng TN-MT của quận, huyện được đo, từ đó làm cơ sở xử phạt hành vi gây ồn”, ông Tùng kiến nghị.
“Hiện nay việc hát karaoke hay làm ồn ào, huyên náo ở khu dân cư sau 22 giờ thì mức xử phạt chỉ có 200.000 đồng. Với hộ kinh doanh karaoke, sau khi phát hiện làm ồn, phường phải thuê một đơn vị có chức năng đến đo độ ồn. Nếu độ ồn vượt quy định mới được phạt”, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), cho biết. “Đây là một bất cập vì khi vi phạm xảy ra, làm sao có thể liên hệ với đơn vị có chức năng đến đo độ ồn ngay được. Chưa kể xử phạt vi phạm tiếng ồn còn quy định theo giờ, nghĩa là tùy theo từng giờ sẽ có quy định xử phạt khác nhau”, ông Đạt nói.
Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng TN-MT Q.9 cũng chia sẻ, các phường đều phản ảnh tình trạng hát karaoke dạo khá phổ biến nhưng không thể xử phạt. “Phải đo và độ ồn phải vượt quá số decibel (dB) cho phép mới có cơ sở xử lý. Nhưng vào thời điểm đo, người ta tắt âm thanh nên đâu làm được. Một phần nữa là có sự cộng hưởng của âm thanh bên ngoài (tiếng xe cộ, tiếng người nói…) nên người vi phạm sẽ có cớ, không chấp hành. Đó chính là vướng mắc lớn nhất”, bà Hoài khẳng định.
 
Nghị định 167 xử phạt... nhẹ hều!
Đại diện Thanh tra Sở TN-MT TP.HCM cho hay việc xử phạt tiếng ồn vẫn có thể tiến hành được nếu dựa theo Nghị định 167 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có việc gây ồn ở khu phố, khu dân cư. Điều 6 Nghị định 167 quy định xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền… Tuy nhiên mức xử phạt này được nhiều người đánh giá quá nhẹ và không đủ sức răn đe đối với nạn karaoke dạo.
Trung Hiếu
Trước tình trạng karaoke dạo hoành hành, mới đây Sở Tư pháp TP.HCM có công văn gửi Công an TP.HCM, Sở TN-MT và UBND các quận huyện về việc xử lý vi phạm tiếng ồn. Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp, người ký công văn nói trên, cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt nên phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý trật tự xã hội. Theo đó, có những sự việc mà pháp luật chưa có quy định ràng buộc hay có quy định nhưng chưa cụ thể. Vi phạm tiếng ồn, nhất là trong tình trạng hát karaoke ở khu dân cư gây ảnh hưởng người dân, cũng là một phát sinh mà TP cần có hướng xử lý, điều chỉnh cho phù hợp.
“Do đó Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan thực thi nêu những khó khăn, vướng mắc về quản lý tình trạng tiếng ồn và “đinh tặc”, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để xử lý hiệu quả các vi phạm”, bà Thuận nói và cho hay hiện Sở Tư pháp đang chờ công văn phản hồi từ các đơn vị trên để tổng hợp, báo cáo UBND TP.
T.Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.