Tuyên án cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và đồng phạm vào ngày 29.4

Vũ Hân
Vũ Hân
27/04/2021 07:12 GMT+7

'Cái gì làm sai tôi xin chịu trách nhiệm, còn cái làm đúng thì tôi phải bảo vệ danh dự của mình', bị cáo, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói và đề nghị HĐXX tuyên án đúng người, đúng tội.

Ngày 26.4, phiên xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo trong vụ biến lô “đất vàng” 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân tiếp tục với phần tranh tụng. Vào cuối ngày, các bị cáo đã nói lời sau cùng.

Viện KSND: Bị cáo Vũ Huy Hoàng có vai trò chính, chỉ đạo xuyên suốt

Đại diện VKS nhấn mạnh bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị truy tố về 2 hành vi chính là ký Công văn 2493 chấp nhận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án và ký Công văn 3186 cho Sabeco Pearl thuê hơn 6.000 m2 đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng với thời gian 50 năm. Để ký được văn bản này, bị cáo Tín phải có tham mưu của Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và Văn phòng UBND TP.HCM.
Các ý kiến của luật sư (LS) và nhóm bị cáo tại Văn phòng UBND TP và Sở TN-MT cho rằng mình chỉ thực hiện nhiệm vụ tham mưu và thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên (bị cáo Nguyễn Hữu Tín - PV) chứ không cho trách nhiệm biết việc chuyển nhượng là sai pháp luật, được đại diện VKS cho là “ngụy biện”.
“Nếu chỉ cần tổng hợp, không cần kiểm tra, thẩm định, thì chỉ cần mình bị cáo Nguyễn Hữu Tín và một nhóm học sinh cấp 3 là thực hiện được hết trách nhiệm của Sở TN-MT và UBND TP, không cần công chức, viên chức, cũng không cần ngân sách để trả phụ cấp chức vụ cho các bị cáo”, đại diện VKS nói và nhấn mạnh, việc cho rằng vì bị cáo Tín chỉ đạo xuống nên các bị cáo bắt buộc phải làm là không đúng.

“Nếu chỉ cần tổng hợp, không cần kiểm tra, thẩm định, thì chỉ cần mình bị cáo Nguyễn Hữu Tín và một nhóm học sinh cấp 3 là thực hiện được hết trách nhiệm của Sở TN-MT và UBND TP, không cần công chức, viên chức, cũng không cần ngân sách để trả phụ cấp chức vụ cho các bị cáo”

Đại diện Viện KSND

Về việc tại sao cáo trạng quy kết bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, có vai trò chính, thực hiện xuyên suốt trong quá trình chuyển lô đất từ quyền quản lý của nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, đại diện VKS cho rằng, với tư cách thành viên Chính phủ, bị cáo Hoàng nhận thức rất rõ Nghị quyết 94 (2011) và Nghị quyết 26 (2012) của Chính phủ không cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Năm 2011, khi Sabeco không bố trí được hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án, Bộ Công thương (cụ thể là cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đang bỏ trốn - PV), lại có văn bản yêu cầu Sabeco tìm đối tác để liên doanh thực hiện dự án. Bị cáo Hoàng có bút tích yêu cầu Sabeco báo cáo đối tác lên để Bộ Công thương quyết định.
Hành vi tiếp theo của bị cáo Hoàng mang tính chất quyết định là duyệt giá thoái vốn khỏi Sabeco Pearl thấp hơn giá thực tế. Bị cáo Hoàng chủ trì cuộc họp quyết định giá sàn để thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phiếu khi chỉ còn 10 ngày nữa là bị cáo nghỉ hưu, trong khi mức giá được Hội đồng thẩm định T.Ư đánh giá là 31.000 đồng/cổ phiếu.
“Bị cáo có vai trò xuyên suốt từ khi yêu cầu góp vốn, buộc Sabeco phải tìm nhà đầu tư mới, rồi sau khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl xong là yêu cầu thoái vốn. Đây rõ ràng là hành vi chỉ đạo trực tiếp chứ không có gì gián tiếp cả, có bút tích hẳn hoi”, theo đại diện VKS.

Ông Vũ Huy Hoàng: “Tôi phải bảo vệ danh dự của mình”

Phản bác quan điểm của VKS, LS Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng) một lần nữa cho rằng 4 nội dung ông đưa ra để đặt câu hỏi về vai trò của bị cáo Hoàng đều không được giải đáp, như căn cứ nào để cho thấy ông Hoàng chỉ đạo cấp dưới dùng quyền sử dụng đất góp vốn; rồi việc thoái vốn được thực hiện khi ông Hoàng đã nghỉ hưu; việc chuyển từ người nộp tiền, người đứng tên sổ đỏ là Sabeco sang Sabeco Pearl thì ông Hoàng không được biết…
Bị cáo Vũ Huy Hoàng nói lời sau cùng trước tòa rằng, nhiều phân tích, kết luận của VKS không phù hợp với hoàn cảnh khách quan. Ông Hoàng 3 lần nhắc lại mình không phải chủ mưu, không chỉ đạo xuyên suốt việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl, gây thiệt hại cho nhà nước.
Bị cáo Vũ Huy Hoàng nói, với chức trách là Bộ trưởng, phụ trách công tác chiến lược, bị cáo đã chủ trì cuộc họp cuối tháng 3.2016, nhưng không chỉ bàn về thoái vốn của Sabeco, mà còn có chiến lược, quy hoạch thay đổi trụ sở, vấn đề thoái vốn xuất phát từ nguyện vọng của Sabeco, chứ bị cáo không chỉ đạo và “hoàn toàn không tư lợi”.
“Cái gì làm sai tôi xin chịu trách nhiệm, còn cái làm đúng thì tôi phải bảo vệ danh dự của mình”, bị cáo Vũ Huy Hoàng nói và đề nghị HĐXX tuyên án đúng người, đúng tội.
Nói lời sau cùng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) Phan Chí Dũng cho hay đã gửi một số tờ trình để lãnh đạo bộ phê duyệt dự án ở Sabeco, nhưng đó không phải quan điểm cá nhân mà là ý kiến thống nhất của các cơ quan ngang bộ hoặc thống nhất chung của lãnh đạo bộ. Thời điểm đó, các đề xuất của bị cáo cũng không có cơ quan nào phản bác, nên mong HĐXX xem xét cho khách quan.
Ngoài cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt, 7 nguyên lãnh đạo, cán bộ của Văn phòng UBND TP, Sở KH-ĐT, Sở TN-MT TP.HCM, khi nói lời sau cùng, đều xin được hưởng khoan hồng.

Tháng 7.2020, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng bị khởi tố do "bán rẻ" đất vàng Sabeco

HĐXX sẽ tuyên án vào 14 giờ 30 ngày 29.4 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.