Tùy tiện tăng giá vé tham quan

07/01/2015 09:00 GMT+7

Nhiều điểm đến ở VN liên tục tăng giá vé vào cổng, có trường hợp tăng giá vé gấp đôi. Điều này có thể khiến du khách trong nước đi du lịch nước ngoài còn khách quốc tế chọn điểm đến khác thay thế.

Nhiều điểm đến ở VN liên tục tăng giá vé vào cổng, có trường hợp tăng giá vé gấp đôi. Điều này có thể khiến du khách trong nước đi du lịch nước ngoài còn khách quốc tế chọn điểm đến khác thay thế.

Tùy tiện tăng giá vé tham quan               Cửa động Phong Nha - Ảnh: Phương An
UBND tỉnh Quảng Bình vừa gây bất ngờ cho các công ty du lịch khi quyết định tăng giá vé tham quan các hang động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kể từ ngày 1.1.2015. Cụ thể, vé thăm động Thiên Đường tăng lên gấp đôi, từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng; trẻ em cao từ 1,1 đến 1,3 m là 125.000 đồng (giá cũ 60.000 đồng). Vé vào động Phong Nha và Tiên Sơn lần lượt tăng lên 150.000 và 80.000 đồng (vé cũ 80.000 và 40.000 đồng).
Đẩy khách Việt ra nước ngoài
Hiện nay, giá tour ở VN là khá cao so với các
nước trong khu vực, khiến du lịch VN kém sức cạnh tranh. Thực tế, người Việt đi du lịch trong nước đắt hơn đi du lịch một số nước, nên sẽ đẩy khách Việt đi du lịch nước ngoài
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty du lịch Lửa Việt, cho biết công ty ông nhận được thông báo tăng giá vé vào các hang động trong ngày 31.12 bằng thư điện tử, trong khi mức giá mới có hiệu lực từ ngày 1.1. Thực tế, thông báo được ký cấp tập vào ngày 31.12.2014. “Đây là tiền lệ rất xấu vì nhiều hợp đồng du lịch chúng tôi đã ký trước đó mấy tháng với khách, giờ tăng giá đột biến và đột ngột thì cực kỳ khó trong dự toán tour. Đặc biệt các chương trình du lịch diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Mỹ than vãn. Ông cho biết thêm, với việc tăng giá vé tham quan của riêng động Thiên Đường, công ty ông thiệt hại mất 30 triệu đồng cho các tour đã ký để đưa khách đến đây.
Năm ngoái khu du lịch Trường An - Bái Đính tăng giá vé lên 60% với cách làm gấp gáp tương tự như ở Quảng Bình. Trong vòng chưa đầy một năm, điểm du lịch Tam Cốc (Ninh Bình) tăng giá vé tham quan từ 70.000 đồng lên 130.000 đồng, rồi tăng tiếp 195.000 đồng. Còn ở Đà Lạt, kể từ tháng 11.2014, tất cả các khu du lịch đều tăng giá gần gấp đôi. Lý do để các điểm tham quan tăng giá vé là nhằm có kinh phí hoạt động, bảo tồn và “xứng” với danh hiệu thế giới. Theo đó, từ ngày 1.4.2015, nhiều di tích lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên-Huế thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế sẽ tăng giá vé. Giá vé tham quan hiện nay đang áp dụng cho khách quốc tế chỉ từ 40.000 - 105.000 đồng; khách trong nước từ 30.000 - 75.000 đồng. Nhưng từ 1.4.2015, du khách trong nước và quốc tế đều có chung mức phí. Cụ thể, đối với Hoàng cung Huế giá vé người lớn là 210.000 đồng, trẻ em 60.000 đồng. Các khu di tích lăng mộ, cung điện khác, giá vé người lớn dao động từ 70.000 -150.000 đồng; trẻ em từ 20.000 - 40.000 đồng. Đầu năm 2014, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng tăng giá vé tham quan lên gấp đôi. Các điểm du lịch ở Lào Cai đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Các bảo tàng ở TP.HCM cũng đang tính chuyện nâng phí tham quan.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho rằng nhiều địa phương tăng giá vé tham quan nhưng không có thời gian để doanh nghiệp lữ hành chuẩn bị. Trong khi các chương trình inbound thường bán trước một năm. Các tour nội địa cho dịp Tết Nguyên đán cũng đã bán gần xong, nhưng điểm đến ở Quảng Bình đột ngột tăng giá vé tham quan gây khó cho cả công ty du lịch và du khách.
“Hiện nay, giá tour ở VN là khá cao so với các nước trong khu vực, khiến du lịch VN kém sức cạnh tranh. Thực tế, người Việt đi du lịch trong nước đắt hơn đi du lịch một số nước, nên sẽ đẩy khách Việt đi du lịch nước ngoài”, ông Kỳ khuyến cáo.
Giá tăng, chất lượng giảm
“Nhìn nhau mà tăng giá”
Theo Thông tư 02/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí, tăng giá vé thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng “các địa phương cứ nhìn nhau mà tăng giá vé tham quan”. Vì thế, xu hướng du khách trong nước đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều, trong đó chủ yếu do các điểm đến trong nước kém hấp dẫn và giá tour khá cao. Các công ty cũng không mặn mà làm tour nội địa vì nguy cơ thua lỗ rất lớn.
Theo ông Kỳ, ở nhiều nước, các danh thắng quan trọng nên được quản lý ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp địa phương như VN. Việc quản lý các danh thắng không giống như quản lý một cái chợ mà có thể tăng giá vô tội vạ. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nào, nhưng ông Kỳ cho rằng, con số khách tham quan sẽ giảm xuống một khi điểm đến tăng giá vé vào cửa ở mức cao gấp đôi như động Thiên Đường.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh nếu tăng giá vé tham quan cần phải có lộ trình. “Chỉ tăng giá vé vào cửa từ 21.000 lên 22.000 đồng vì chi phí bảo hiểm cho du khách, nhưng Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang gửi thông báo trước hai tháng để các công ty du lịch có thời gian chuẩn bị. Nhưng nhiều điểm tham quan ở Quảng Bình, Ninh Bình tăng giá vé 100%, 60% mà chỉ hôm trước và ngay hôm sau thực hiện. Tôi từng đi nhiều nước và biết rằng, giá vé tham quan ít khi thay đổi, không như ở VN một năm tăng giá vé 3 lần. Chẳng hạn, tôi đi Angkor Wat, Campuchia, từ năm 1999 đến nay và trong suốt quãng thời gian này chưa một lần họ tăng giá vé vào cổng. Chưa kể nhiều chính sách ưu đãi để thu hút người Campuchia vào tham quan các di sản trên đất nước họ, cụ thể là hoàn toàn miễn phí. Việc tăng vé vào cửa ở VN không dựa trên một biểu giá nào, tăng tùy tiện với các nguyên nhân như có kinh phí để tôn tạo, đảm bảo hoạt động và thấy còn thấp so với điểm đến khác...”, ông Mỹ nói.
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Du lịch Việt cũng cho rằng: “Tăng giá vé là hạ sách. Trong trường hợp nếu tăng giá vé nhưng chất lượng điểm đến được cải thiện, nâng cấp thì cũng có thể chấp nhận. Đằng này, nhiều điểm đến như Hạ Long, hang động ở Quảng Bình tăng giá vé liên tục nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Đặc biệt là môi trường ở vịnh Hạ Long xuống cấp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.