Tường trình của các thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan

16/08/2013 03:00 GMT+7

Sáng 15.8, hai thuyền viên Trần Văn Dũng (22 tuổi) và Hoàng Văn Hậu (26 tuổi) khẳng định họ đã bị ngược đãi trên tàu Hsieh Ta nên phải nhảy xuống biển để trở về nhà.

Bị đánh đập dã man ?

 

Chúng tôi đã thông báo lại với công ty môi giới về thông tin các thuyền viên tố thuyền trưởng đánh đập họ. Tuy nhiên, phía đối tác cũng khăng khăng không chịu nhận mình sai

Ông Nguyễn Hữu Phong

Trở về nhà vào trưa 15.8, thuyền viên Hoàng Văn Hậu (ngụ xã Châu Hạnh, H.Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết tàu cá Hsieh Ta gồm 23 thuyền viên, trong đó có 10 người VN, 8 người Indonesia, 3 người Philippines, 2 người Myanmar rời cảng ở Hồng Kông vào ngày 21.12.2012. “Chúng tôi bị thuyền trưởng, máy trưởng nhiều lần đánh đập rất dã man. Đáng sợ nhất là ông máy trưởng người Đài Loan, gần 60 tuổi. Ông này rất hung tợn, hễ nổi điên lên là ông đánh, bằng bất cứ thứ gì có sẵn trong tay”, anh Hậu kể.

Thuyền viên Trần Văn Dũng (ngụ xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu) cho biết anh được phân công làm lái tàu. Mỗi ngày, các thuyền viên trên tàu chỉ được ngủ 5 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại đều phải làm việc liên tục, trừ những lúc ăn cơm. “Tôi bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh rất nhiều lần. Có ngày họ đánh đến hai, ba lần. Tôi bị đánh đau nhất là lần bị thuyền trưởng và máy trưởng giẫm đạp lên người, đánh chảy máu mũi, ngất xỉu. Chúng tôi rất bất bình vì bị hành hạ vô cớ nhưng phải cắn răng chịu vì sợ phản ứng sẽ bị họ ném xuống biển”, anh Dũng kể.

Thuyền viên Hậu cho biết lịch trình của tàu Hsieh Ta là hai năm mới vào bờ một lần nên anh và các thuyền viên VN khác rất lo lắng. Ngày 3.8, khi đang đánh cá, một tàu cá khác bị hỏng máy, tàu Hsieh Ta phải kéo về cảng để sửa chữa. “Chúng tôi thấy đây là cơ hội hiếm có để thoát khỏi con tàu này vì trước đó chúng tôi xin được về nước nhưng thuyền trưởng không đồng ý. Ngày 9.8, tàu Hsieh Ta kéo chiếc tàu gặp nạn vào cảng Tahiti (quần đảo Polynesia thuộc Pháp ở nam Thái Bình Dương), chúng tôi lấy bao ni lông gói quần áo lại làm phao rồi quyết định nhảy tàu. Khi tàu Hsieh Ta còn cách cảng khoảng 1 hải lý thì bàn giao tàu bị nạn cho cảng rồi chuẩn bị quay ra tiếp tục đánh cá, chúng tôi đã nhảy xuống biển để bơi vào bờ”, anh Hậu kể.

Tường trình của các thuyền viên nhảy khỏi tàu cá Đài Loan
Thuyền viên Trần Văn Dũng (trái) và thuyền viên Hoàng Văn Hậu một mực khẳng định bị đánh đập - Ảnh: Khánh Hoan

Tranh cãi

Ngày 15.8, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) - đơn vị đưa thuyền viên Trần Văn Dũng (Nghệ An) đi cho hay, chiều 15.8, chủ tàu cá Hsieh Ta tiếp tục gửi văn bản tái khẳng định có 4 LĐ vô cớ bỏ trốn và đổ trách nhiệm cho thuyền trưởng. “Chúng tôi tôn trọng ý kiến chủ tàu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến và ủng hộ người lao động để kịp thời điều chỉnh. Vì uy tín, trách nhiệm của mình trước người lao động, chúng tôi tập trung cùng ngồi lại với nhau để tìm ra sự thật”, ông Tường cho biết.

Khi hỏi về việc các lao động sẵn sàng đối chất với chủ tàu và các bên liên quan, Phó tổng giám đốc Công ty CP XKLĐ thương mại và dịch vụ (TTLC) Nguyễn Hữu Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã thông báo lại với công ty môi giới về thông tin các thuyền viên tố thuyền trưởng đánh đập họ. Tuy nhiên, phía đối tác cũng khăng khăng không chịu nhận mình sai. Hai bên trao đi đổi lại rất căng thẳng, gần như là cãi nhau. Quan điểm của chúng tôi, nếu đúng như lao động phản ánh, sẽ bảo vệ lao động giảm bớt thiệt thòi cho họ”.

Trước thông tin trái chiều, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: “Cần phải kiểm tra lại thông tin cho xác thực. Chúng tôi yêu cầu công ty đưa ra chứng cứ khẳng định chủ sử dụng lao động đúng. Ngược lại, người lao động cũng phải chứng minh lời khai của mình là xác thực. Ngoài thông tin từ 4 thuyền viên đã về nước, Cục cũng yêu cầu các công ty phải có giải trình của 6 thuyền viên vẫn ở trên tàu”.

Sẵn sàng đối chất

Trước sự khẳng định của đại diện một doanh nghiệp đưa các thuyền viên này sang Đài Loan làm việc, rằng không có chuyện các thuyền viên bị đánh đập, anh Dũng và anh Hậu cho rằng khẳng định này là sai. “Ngày tôi nhảy tàu, chỉ còn một ngày nữa là được nhận lương nhưng tôi vẫn quyết định nhảy để được về nhà vì không chịu đựng nổi sự hành hạ của máy trưởng và thuyền trưởng nữa. Chữ ký của các thuyền viên VN còn ở lại trên tàu nói "không bị đánh đập" là không đáng tin vì có thể họ bị thuyền trưởng ép phải ký. Còn nếu nói chúng tôi nhảy tàu để trốn ở lại Pháp thì càng không đúng vì chúng tôi biết nhảy tàu ban ngày, trước sự chứng kiến của thuyền trưởng thì chúng tôi cũng sẽ bị cảnh sát bắt lại. Nếu có đối chất, chúng tôi sẽ sẵn sàng và khẳng định chúng tôi nhảy tàu chỉ với mục đích được về nhà vì sợ bị đánh tiếp”, anh Hậu nói.

K.Hoan

Khánh Hoan - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.