Tưng bừng Xuân mới Đinh Hợi

17/02/2007 11:44 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Tết Vậy là thời khắc mọi người mong chờ đã đến. Pháo hoa đã bừng sáng trên bầu trời cả nước. Một mùa xuân mới với nhiều vận hội mới... đã mở ra. Xuân đã tràn ngập khắp mọi nơi. >>Kiều bào khắp nơi xông... mạng Thanh Niên Online

  

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao từ năm cũ Bính Tuất sang năm mới Đinh Hợi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lời chúc mọi người, mọi nhà ấm no hạnh phúc; chúc đất nước phồn thịnh, thanh bình…

Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước!

Thời khắc giao thừa đã điểm, năm Đinh Hợi bắt đầu, tôi thân ái gởi đến toàn thể đồng bào và chiến sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mọi người, mọi nhà ấm no hạnh phúc. Chúc đất nước ta phồn thịnh, thanh bình. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi tới các dân tộc trên thế giới, các bạn người nước ngoài đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, lời chúc hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh gây ra, do tác động của nhiều yếu tốt bất ổn định trên thế giới; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua, giành thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội và đối ngoại, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển những năm tiếp theo. Chúng ta rất vui mừng trước những biến đổi tích cực của đất nước, của từng gia đình từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước việc nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, từ đó thế và lực của đất nước ta được tăng lên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng hướng tới mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bước sang năm mới, với khí thế phấn khởi của toàn dân và toàn quân ta, với những thắng lợi to lớn toàn diện trong năm 2006, kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến tới bầu cử Quốc hội khóa XII; tôi kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ truyền thống Đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; kiên quyết đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí và thực hành tiết kiệm; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước lập nhiều thành tích nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng đất nước phát triển!
Năm mới tiến bộ mới!
Chúc Đinh Hợi một năm thắng lợi.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Tại TP.HCM, sáng 29 Tết, chỉ mới 7h sáng, đường phố đã chật ních xe cộ và tại các chợ thì người đông đến nỗi chen chân không lọt. Mọi người dường như hối hả hơn, tất bật hơn trong ngày cuối năm.

Đến chiều 29 Tết thì đường phố ở TP.HCM đã trở nên vắng hơn, có lẽ mọi người đang ở nhà chuẩn bị buổi cơm tất niên trước khi đổ ra đường để thưởng thức những lễ hội đường phố sẽ được tổ chức tại các con đường ở khu trung tâm quận 1 (tiêu điểm là đường hoa Nguyễn Huệ - nơi tập trung nhiều hoạt động vui chơi giải trí và cũng sẽ là nơi mà nhiều người chọn để chứng kiến thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ ở bến Nhà Rồng). Đường phố dường như thoáng hơn, rộng hơn...

Bạn đọc ở nước ngoài có thể chia sẻ không khí đón giao thừa tại nơi mình sinh sống với bạn đọc khắp nơi trên thế giới, có thể gửi bài về địa chỉ mail online_tv@thanhnien.com.vn.

Từ 16h30, thỉnh thoảng trên đường phố Sài Gòn, người đi đường bắt gặp những chiếc xe máy, xe xích lô chất đầy những chậu hoa kiểng như mai, tắc, cẩm chướng... phóng hối hả. Tại các điểm bán hoa kiểng trên các lề đường, người mua rất đông, họ đang cố gắng tìm chọn mua một chậu hoa kiểng về chưng trong mấy ngày Tết. Một số siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm đã đóng cửa từ đầu giờ trưa. Tuy nhiên tại một số nơi vẫn mở cửa đến tối. Gần 18h, tại siêu thị Hà Nội nằm trên đường Cống Quỳnh, quận 1, người dân đi mua sắm vẫn rất đông.

Nhìn chung, không khí mua sắm cho Tết mỗi nơi mỗi khác. Nếu như lúc 18h20, các điểm bán hoa, dưa hấu... trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) thật vắng vẻ người mua, người bán ngồi ngáp dài, thì cách đó không xa, lúc 18h30, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn phường 17, quận Bình Thạnh, vẫn tấp nập cảnh mua bán tại các điểm bán hoa, trái cây... Người mua hối hả và người bán cũng hối hả. Giao thừa đang đến rất gần!

Trong khi đó, tại Hà Nội, phóng viên Yên Khuê đã có tường thuật ngắn về không khí chiều cuối năm.

Hà Nội vốn lặng lẽ, chiều 29 Tết càng lặng lẽ hơn, có lẽ mọi người đang tập trung chuẩn bị cho ngày bữa cơm tất niên nên ít ra đường. Người xe qua lại trên đường thưa thớt. Thỉnh thoảng vài chiếc xe máy chở chậu quất kiểng chạy hối hả trên đường. Một số người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ trước khi đón giao thừa. Chiều 29 tết, giá rửa xe leo thang chóng mặt, nhiều cửa hàng rửa xe đã tăng giá tới 15 - 20.000/chiếc mà khách vẫn cứ nườm nượp!

Chiều 29 Tết ở Hà Nội, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh người cưỡi xe máy đèo phía sau chậu kiểng chạy băng băng trên đường

Từ vài năm nay, phong tục xin chữ ngày xuân đã trở lại với người Hà Nội. Những ngày giáp Tết, trên vỉa hè phố Văn Miếu xuất hiện hàng loạt cửa hàng bán chữ. Mặc dù giá viết thuê khá cao (thấp nhất là 50.000 đồng/bức) nhưng vẫn thu hút được khá nhiều khách đến mua chữ.

Xin chữ ngày xuân

Tại chợ hoa họp trên đường u Cơ và khu vực phố Hàng Lược, chiều 29 Tết vẫn tấp nập khách mua bán. Trong khi đó, ở khu “phố Tây” đoạn Mã Mây, Tạ Hiền, Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) - nơi khách du lịch quốc tế thường tập trung đông đảo - nhưng chiều 29 Tết khá yên tĩnh. Thỉnh thoảng mới thấy một vài người qua lại.

Khu “phố Tây” đoạn Mã Mây, Tạ Hiền, Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) ở Hà Nội rất vắng vẻ

Từ chiều 29 Tết, khu vực khai quật đàn Xã Tắc (ngã tư Ô Chợ Dừa, Đống Đa) đã được mở cửa cho nhân dân tới tham quan và cầu chúc cho một năm mới an lành! Tuy nhiên, khách đến vẫn còn lác đác. Tại khu vực Hồ Gươm, công tác chuẩn bị phục vụ cho việc bắn pháo hoa đã hoàn tất. Mọi thứ đã sẵn sàng chờ đón thời khắc giao thừa.

Các cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS quận Hoàn Kiếm đang kiểm tra lại các thiết bị phục cho việc bắn pháo hoa vào đêm giao thừa

Từ Cần Thơ, phóng viên Tiến Trình cho biết: Cần Thơ - được mệnh danh là "Sài Gòn của miền Tây sông nước” - đang bước vào Năm mới với những sắc màu rực rỡ. Chiều 29 Tết, trên phố hối hả người đi mua sắm. Còn trên các sông tấp nập thuyền ghe đầy ắp những chuyến hàng từ khắp các tỉnh đổ về. Tại các bến xe, những chuyến xe cuối cùng cũng chuẩn bị xuất bến đưa những người khách cuối cùng về sum họp với gia đình.

Chọn mua hoa cho ngày Tết

Phóng viên Lâm Viên tại Đà Lạt thông báo: "Khác với giao thừa mọi năm, năm nay UBND TP Đà Lạt phối hợp với Trung tâm Lễ hội Văn hóa Du lịch Lâm Đồng (LHVHDL) tổ chức đón giao thừa tại Công viên Yersin, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng. Chương trình bắt đầu từ 21h30, tiếp đó Trung tâm LHVHDL sẽ có chương trình ca nhạc Xuân, biểu diễn hiphop, tấu hài “Tết con heo”. Lúc 23h45 sẽ tổng kết phát giải Hội thi múa lân và chương trình biểu diễn múa lân chào mừng năm mới. Đúng giờ giao thừa, lãnh đạo TP Đà Lạt chúc tết nhân dân và sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới Đinh Hợi trong 15 phút.

Được biết, chi phí bắn pháo hoa do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Đà Lạt đóng góp (khoảng 300 triệu đồng).

Cùng lúc tại thị xã Bảo Lộc cũng diễn ra nhiều hoạt động mừng Đảng và mừng Xuân. Bảo Lộc là địa phương thứ hai của tỉnh Lâm Đồng có tổ chức bắn pháo hoa lúc giao thừa.

Địa điểm diễn ra Hội tết Đinh Hợi

Trước đó, vào lúc 17h chiều nay (16/2 - 29 Tết), tại Trung tâm LHVHDL đã khai mạc Hội tết Đinh Hợi. Đến dự có lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt. Hội tết Đinh Hợi với 200 gian hàng tổ chức nhiều hoạt động phong phú như các trò chơi thiếu nhi, trò chơi dân gian, trò chơi có thưởng...

Tại Lễ khai mạc Hội tết Đinh Hợi, Ban giám đốc Trung tâm LHVHDL đã trao tặng Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP Đà Lạt 30 triệu đồng để xây dựng 3 căn nhà tình thương cho người nghèo.

Trước đó, tỉnh Lâm Đồng đã cấp phát cho đồng bào dân tộc trên 220 tấn muối i-ốt và 70 ngàn lít dầu hỏa để có điều kiện vui xuân đón tết.

Đà Nẵng, lúc 19h15. "Tiết trời se se lạnh vừa đủ khoác lên mình một chiếc áo len mỏng. Trong gian bếp, các thành viên trong gia đình đang quây quần bên mâm cơm cuối năm. Ngoài đường người và xe vẫn tấp nập", phóng viên Đặng Ngọc Khoa và P.Thi cho biết.

Khu vực tập trung đông người nhất hiện giờ có lẽ là khu chợ hoa nằm trên đường 2.9. Như đã thành thông lệ, người dân Đà Nẵng cứ chờ đến cận giờ giao thừa mới đi mua hoa vì như thế sẽ mua được với giá rẻ. Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng hoa vẫn còn rất nhiều. Các nhà vườn đang thấp thỏm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, cả khu chợ hoa rộng lớn tấp nập kẻ bán người mua này sẽ biến mất, thay vào đó là một quảng trường sạch đẹp. Một bác 50 tuổi, quê ở Hòa Vang, có một cây mai đang rao bán cho biết: "Nếu bán được cây mai này, gia đình tôi sẽ có tiền ăn Tết lớn, bằng không thì chở về chưng Tết cũng chẳng sao".

Tranh thủ chở quất về chưng tết. Ảnh Đ.N.Khoa

Đến 19h40, các con đường dẫn về các chợ hoa gần như chen chân không lọt, người và xe máy, xích lô, taxi, xe con chen nhau từng đoạn để mua hoa, bê hoa, chuyển hoa, cột hoa, chở hoa.

Năm nay, Đà Nẵng vẫn bán hàng ngàn ống pháo hoa tại hai bờ Đông Tây sông Hàn. Ở góc đường Bạch Đằng - Trần Phú (gần Cổ Viện Chàm) hiện cũng đang đông người tụ tập vì đúng vào lúc 0h00 tại đây sẽ có chương trình bắn pháo hoa đón chào Năm mới. Người dân Đà Nẵng háo hức chờ xem! Trời rực rỡ hoa, đất cũng thắm tươi hoa.

Hải Phòng chiều 29 Tết: Mưa đã tạnh!

Suốt cả ngày 28 và 29 tháng Chạp, mưa phùn không ngớt giăng mờ đất trời TP cảng. Nhưng khoảng 17 giờ chiều nay 29 Tết, mưa đã dứt, phố đã rộn ràng người đi ngắm cảnh, các hiệu rửa xe tha hồ đông khách. 20.000 nghìn đồng một lần rửa cũng "chơi", cả năm chỉ có một cái Tết!


Những tháp hoa được dựng ở khu vực trung tâm thành phố


Tháp hoa hình búa liềm

Trung tâm TP Hải Phòng chiều nay có vẻ phong quang hơn mọi chiều cuối năm khác. Không giống mọi khi, năm nay Công ty Công viên dựng lên trên quảng trường nhà hát thành phố ba tháp hoa lớn, trong đó có hình ngôi sao, tượng trưng cho Tổ quốc và một hình búa liềm, tượng trưng cho sức sống của Đảng. Hai hàng phượng vĩ trước cửa nhà hát thành phố đã được lắp những chiếc đèn soi hiện đại thay cho những dàn đèn treo lơ lửng như năm trước, chỉ tiếc đó là loại đèn hắt màu xanh lạnh lẽo mà không phải là màu vàng ấm áp.

Năm nay, chợ hoa Hải Phòng tan sớm hơn mọi năm. Khi TNO viết những dòng này thì các quầy bán hoa ven 2 con đường Trần Phú, Trần Hưng Đạo đã thu dọn hầu hết. Hoa có vẻ bán chạy, cho dù giá


Khách du lịch đi thăm khu quán hoa

không cao lắm. Năm nay, người Hải Phòng chơi nhiều chủng loại hoa hơn năm ngoái, có cả hoa nhập khẩu, hoa mang ra từ Đà Lạt... Ở làng hoa Đằng Hải, một làng hoa nổi tiếng toàn miền Bắc vì giống hoa lay ơn độc quyền, giá hoa đã tụt xuống một cách bất ngờ, từ 7-8 chục nghìn, chiều nay, hoa lay ơn chỉ còn 20 nghìn/chục, các loại hoa khác cũng mất giá theo. Lúc 3 giờ chiều 29 Tết, ở Đằng Hải, chợ hoa vẫn còn rất nhiều nhưng ít người mua. Có lẽ, người dân làng hoa này lại tiếp tục một năm khó khăn.

Năm nay, rút kinh nghiệm so với mọi năm, các phường nội thành đã tổ chức cho nhân dân ký cam kết không đốt pháo. Khi chúng tôi viết bài này (18h ngày 29 Tết), không gian khu vực trung tâm thành phố vẫn im ắng. Hy


Chiều 29 Tết, hoa lay ơn vẫn còn nhiều ở
chợ hoa Đằng Hải, Hải Phòng

vọng giao thừa này, những cam kết mà người dân đã ký sẽ được thực hiện nghiêm chỉnh.

Lưu Quang Phổ

Tại Bình Dương, PV Bảo Thiên cho biết: Từ 17h, các quán xá, các cửa hàng dịch vụ bắt đầu đóng cửa, người qua đường cũng thưa thớt dần. Nhiều gia đình đang quây quần bên mâm cơm tất niên.

18h30, tại những tụ điểm bắn pháo hoa bắt đầu nhộn nhịp. Những công nhân ở lại ăn Tết xúng xính trong những bộ quần áo mới tỏa ra đường chờ đợi phút giao hòa giữa trời, đất và con người trong khoảnh khắc giao thừa. Sân vận động Gò Đậu (Bình Dương), một trong những địa điểm bắn pháo hoa, tưng bừng, rực rỡ với các đoàn Lân, Sư, Rồng đủ màu sắc.

Cầu Ông Bố (Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) đã náo nhiệt mấy ngày hôm nay. Đây là địa điểm bắn pháo hoa thứ 2 của Bình Dương. Vì thế, mới 20h nhưng người dân của huyện Thuận An, Dĩ An và một số huyện lân cận đã tràn về “chiếm chỗ” để được tận mắt chứng kiến những chùm pháo hoa sẽ được bắn lên không trung. Dù phải chen lấn nhưng trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ.

Con đường Nguyễn Trãi vẫn còn đầy các chậu hoa. Năm nay hoa bán chẳng được bao nhiêu nên những người bán hoa Tết đang mong chờ cú “lội ngược dòng” sau màn bắn pháo hoa. Anh Út, một chủ vườn hoa đến từ Đồng Tháp thổ lộ: “Không thể về nhà đón giao thừa. Năm ngoái, bắn pháo hoa xong, bán được rất nhiều”.

Còn tại bờ sông Bạch Đằng, người dân đã ra đứng kín mít. Hằng năm, điểm bắn pháo hoa này thu hút nhiều người đến xem nhất. Người dân đi chùa Bà hái lộc xuân và sau đó ghé qua sông Bạch Đằng để cùng xem bắn pháo hoa và đón giao thừa.

Đứng giữa đường hoa Nguyễn Huệ, phóng viên Thành Trung và Ngọc Thọ cho biết: Không cần phải đợi đến sát giờ giao thừa người dân mới đổ đi chơi, ngay từ 17h, các ngã đường đổ ra trung tâm thành phố đã bắt đầu đông đúc. Đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Q.1), càng ngày càng đông đúc, sôi động hẳn lên.

Đường hoa Nguyễn Huệ chật ních người du xuân

Đường hoa Nguyễn Huệ càng ngày càng chật cứng người. Người già, con nít, khách Tây lẫn ta hòa lẫn trong dòng người tấp nập và tiếng nhạc xuân rộn ràng. Gia đình cô Hòa (ở Phú Nhuận) có tổng cộng 6 người đã cùng nhau đi du xuân từ lúc 16h30. "Đi sớm để tham quan rồi còn tranh thủ về cúng giao thừa!" - cô Hòa cho biết. Đây là năm thứ hai liên tiếp gia đình cô Hòa có mặt ở đường hoa Nguyễn Huệ để vui xuân. "So với năm ngoái, không gian năm nay được bày trí rực rỡ hơn và khoa học hơn. Vì là năm Hợi nên những bức tượng heo đất trông khá ngộ nghĩnh khiến không khí vui tươi hẳn ra" - anh Thái - con cô Hòa - nhận xét.

Cả nhà cùng du xuân

Khi những tia nắng cuối cùng của năm Bính Tuất tắt hẳn cũng là lúc đường hoa trở nên rực rỡ. Những ngọn đèn neon vàng, trắng rực rỡ càng khiến con đường như khoác lên chiếc áo mới, sặc sỡ và lộng lẫy hơn. Ánh đèn flash liên tục nhấp nháy, ai ai cũng tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới. Những cô bé, cậu bé trong chiếc áo dài khăn đóng đứng làm duyên một cách hồn nhiên. Anh Minh (ở Tân Bình) sau khi kêu gọi 2 đứa con là bé Ti và bé Mi chỉnh sửa lại tư thế, anh liền bấm vội hai pô hình ghi lại bức ảnh hai cô công chúa của mình đang cười tươi bên chậu cúc vàng tươi thắm. "Kể từ khi có đường hoa, năm nào cha con tôi cũng ra đây để chụp hình. Đi tới tối rồi về phụ bà xã cúng giao thừa là vừa", anh Minh cho biết.

"Cười lên nào 2 công chúa"

19h45, đường phố trung tâm trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Hai con đường phụ song song với đường hoa trở nên chật cứng, người và xe nhích từng chút một. Những ngã đường xung quanh đường hoa như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng biến thành những bãi giữ xe khổng lồ. Mặt tiền khách sạn Duxton trở nên nhộn nhịp hẳn với màn đánh trống múa lân tưng bừng. Các cô bé, cậu bé được ba mẹ cõng trên vai cứ chăm chú theo dõi một cách say sưa thích thú. Tiếng trống, tiếng chiêng múa lân càng làm cho không khí thêm rộn ràng, lòng người ngày càng náo nức. Dòng người cứ tuần tự du xuân trong trật tự, an toàn.

Du khách Tây cũng hòa vào dòng người du xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ

Bên ngoài đường hoa, các chiến sĩ công an, CSGT, lực lượng thanh niên xung phong đã làm khá tốt công tác bảo vệ, giữa gìn trật tự. Ngay góc Pasteur - Lê Lợi, tám chiến sĩ CSGT của Đoàn 1 đã túc trực sẵn để điều hòa giao thông. Theo một CSGT, toàn bộ lực lượng Đoàn 1 được phân công túc trực làm nhiệm vụ từ chiều đến tận 2h sáng ngày mùng 1 Tết... Các máy quay của các bạn đồng nghiệp VTV và HTV đã dựng sẵn ở nhiều góc đường nhằm chuyển tải những thông tin nóng hổi về thời khắc giao thừa cho khán thính giả khắp cả nước. Trước Dinh Thống Nhất trên đường Lê Duẩn, một sân khấu lớn chào mừng xuân mới 2007 đã sẵn sàng, tuy nhiên vẫn có khá ít người dân đến đây để thưởng thức chương trình.  

Hơn 20h, trên các ngã đường khác của TP.HCM, dòng người đang bắt đầu hối hả đổ về khu trung tâm.

NHỮNG NGƯỜI LÀM NHIỆM VỤ ĐÊM GIAO THỪA

21h30, khi mà giờ phút giao thừa đang cận kề, giữa dòng người vui xuân, đang nóng lòng chờ đợi giây phút thiêng liêng thì có những người vẫn phải đang làm nhiệm vụ trong ngày cuối năm này.

Hòa trong dòng người ngược xuôi ở đường hoa, đại úy Nguyễn Văn Năm - Công an phường Cô Giang (Q.1) - đang tất bật cùng các đồng đội giữ gìn trật tự cho bà con vui chơi. Vào ngành năm 1990, đã 17 năm nay, anh Năm chưa được một lần được ăn Tết cùng gia đình. "Công việc mà, riết rồi cũng quen và chấp nhận thôi" - anh Năm bộc bạch. Năm nay đơn vị anh được phân công hỗ trợ tại đường hoa Nguyễn Huệ nên ngay từ chiều anh đã có mặt.

Đại úy Nguyễn Văn Năm và gia đình nhỏ của mình

Khoảng 18h, bà xã và cậu quý tử của anh cũng diện đồ thật đẹp để ra đây sum họp cả gia đình. Anh Năm cho biết: "Dù đơn vị anh chỉ nhận nhiệm vụ hỗ trợ đến 21h nhưng sau khi rút quân thì mỗi người sẽ tỏa xuống địa bàn rồi trực chiến ở cơ quan đến tận sáng hôm sau". Tranh thủ chút thời gian,  anh Năm nhờ chúng tôi chụp giúp một bức ảnh thật đẹp cho cả gia đình làm kỷ niệm.

Cùng làm nhiệm vụ như anh Năm còn có hàng chục chiến sĩ CSGT trực thuộc Đoàn 1 cũng đang đổ mồ hôi để giữ gìn trật tự giao thông cho bà con vui Tết. Tương đương với số lượng ấy là các thanh niên xung phong thành phố. Tất cả đều thầm lặng, không muốn nói về mình vì tất cả chỉ là "công việc phải làm", nhưng với chúng tôi và nhiều người dân thành phố, công việc của các anh thật đầy ý nghĩa.

Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ

Khác với anh Năm và các chiến sĩ công an, hai cô sinh viên trường đại học HUFLIT đứng kế bên cũng đang làm "nhiệm vụ" nhưng lại là một cách... tự nguyện. Cả hai có mặt từ 17h chiều với hai thùng bánh ngọt AFC rồi cùng hăng hái đứng phát bánh ngọt cho bà con vui xuân.

Cả hai đều là dân Sài Gòn chính gốc nhưng vì muốn tự lập sớm nên tranh thủ làm thời vụ trong mùa Tết. Với Thanh Thảo đây là năm thứ 4 cô SV ngành Trung văn này đi làm thêm mùa Tết nhưng là lần đầu tiên cô phải "chinh chiến" vào đúng ngày giao thừa. Thảo cho biết: "Nhìn người ta đi chơi Tết cũng vui rồi anh à, nhất là được phát bánh cho các em bé!". Nếu việc phát bánh xong sớm, cả hai sẽ được về sớm để cùng đón giao thừa cùng gia đình. Theo Thảo, dọc đường hoa Nguyễn Huệ này không chỉ có hai bạn mà có đến 10 sinh viên khác cũng đang làm thêm trong ngày cuối cùng của năm. Cả nhóm sẽ làm việc từ hôm nay đến mùng 3 Tết, để vừa tích lũy kinh nghiệm và có thêm kỷ niệm đáng nhớ ở thời cắp sách tới trường.

Bình Định: Sẽ bắn pháo hoa trong 15 phút, tại 2 điểm

Năm Bính Tuất đã khép lại với người dân đất võ trong nhiều niềm vui lớn: Cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam - đã khánh thành, trở thành niềm tự hào của người Bình Định; Khu kinh tế Nhơn Hội đã khởi động với hàng loạt dự án được khởi công xây dựng với số vốn đăng ký đầu tư gần 4 tỉ USD; và cả nỗi buồn không nhỏ: cháy chợ Quy Nhơn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng…


Chợ hoa Quy Nhơn rực vàng hoa cúc

Giữa những niềm vui và nỗi buồn đó, người Bình Định vẫn náo nức chuẩn bị cho mình một cái Tết ấm cúng như mọi năm. Tại chợ hoa Quy Nhơn trên đường Nguyễn Tất Thành (khai chợ từ 23 tháng Chạp), tuy lượng hoa không nhiều bằng mọi năm nhưng vẫn đầy đủ các sắc hoa rực rỡ, nhất là cúc đại đóa với màu vàng rực như nhuộm vàng cả con đường đẹp nhất Quy Nhơn. Giá cúc năm nay cũng mềm, khoảng 50-100 ngàn đồng chậu. Đáng chú ý, từ tối 28 Tết, người mua kẻ bán đã tấp nập và đến chiều 29 Tết, chợ hoa đã vãn dần (không như mọi năm, sát đến giờ giao thừa người Quy Nhơn mới đổ xô đi mua hoa cho… rẻ). Đến giờ này (20 giờ 30 phút), chợ hoa Quy Nhơn đã gần "bãi thị". Có lẽ đây là năm chợ hoa Quy Nhơn kết thúc sớm nhất trong nhiều năm trở lại đây.


Các chiến sĩ quân đội đang chuẩn bị cho việc bắn pháo hoa (ảnh: H.T.G)

Trong khi đó, người trồng mai tại huyện An Nhơn năm nay lại trúng lớn do nhiều nơi mất mùa loại hoa mang nét đặc trưng của phương Nam này. Từ giữa tháng Chạp, dọc theo quốc lộ 1A và quốc lộ 19, đoạn chạy qua địa phận huyện An Nhơn, hàng chục ngàn chậu mai các loại đã được bày bán và đã có hàng ngàn chậu mai được xuất bán vào Nam ra Bắc, giá mỗi chậu mai từ 200 ngàn đến vài triệu đồng. Ông Bùi Văn Cư, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn An (huyện An Nhơn), cho hay: Mấy ngày qua, những người trồng mai của xã đã thu về trên 4 tỉ đồng từ tiền bán mai, trong đó riêng ở thôn Háo Đức - một trong những vựa mai lớn nhất tỉnh - đã thu trên 3 tỉ đồng.

Sau một năm ngưng bắn pháo hoa để dành tiền ủng hộ người nghèo, Tết năm nay tỉnh Bình Định lại tổ chức bắn pháo hoa thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân nhằm mừng cầu Thị Nại khánh thành, xua tan nỗi buồn năm cũ đồng thời tạo khí thế bước vào năm mới với niềm tin mới. Đáng mừng là chủ trương này của tỉnh đã được các doanh nghiệp Bình Định ủng hộ và tài trợ kinh phí (khoảng 600 triệu đồng).

Nét khác biệt ở giao thừa năm nay là tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tại 2 địa điểm: Tại trung tâm TP Quy Nhơn (đường Nguyễn Tất Thành) và tại cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Việc bắn pháo hoa đón chào năm mới Đinh Hợi bắt đầu từ 23 giờ 40 phút đến 23 giờ 55.

Sau nhiều ngày trở lạnh, ba bốn ngày trở lại đây, miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng trở nên ấm áp. Nhìn chung trời rất đẹp. Vì thế, lượng người đổ ra đường, nhất là đường Nguyễn Tất Thành và đường dẫn ra cầu Thị Nại mỗi lúc một đông.

Huỳnh Thúc Giáp

Từ Cần Thơ, nhà báo Hồng Hạnh chuyển về một chút hồn quê ngày Tết quanh lễ hội bánh tét. Vào thời khắc này thì hầu như gia đình nào trên đất nước Việt Nam cũng đều sửa soạn một vài đòn bánh tét, bánh chưng để đón Xuân như một tập tục không thể nào thiếu được. Và bánh tét đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực thu hút du khách nước ngoài và nỗi nhớ nhà da diết của kiều bào không kịp về quê ăn Tết.

Trao đổi với chúng tôi tại Nhà lồng Chợ cổ Cần Thơ - nơi vừa diễn ra lễ hội bánh tét Nam Bộ - ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty Thương nghiệp Cần Thơ cho biết: “Với nỗ lực của cộng đồng người Việt ở Mỹ, Thống đốc California Arnold Shcwarzenegger đã phê chuẩn Dự luật AB 2214 về các loại thực phẩm truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam trong đó có bánh chưng, bánh tét. Theo tôi, hai loại bánh này không chỉ là thực phẩm đơn thuần mà thực sự là ngôn sứ của nền văn hóa ẩm thực Việt”.

Du khách nước ngoài tham gia học gói bánh tét...

Thế nên, không lạ khi không chỉ kiều bào về quê ăn Tết mà cả du khách nước ngoài cũng đã tham gia rất nhiệt tình lễ hội bánh tét do công ty của ông Hồng đứng ra tổ chức. Có đến 4 lò bánh tét danh tiếng của Cần Thơ tham gia lễ hội. Nào là bánh tét lá cẩm, bánh tét lá dứa, nhân bánh thì ôi thôi: nào là đậu xanh, đậu đỏ, thịt mỡ, thịt nạc lưng, nào là lòng đỏ hột vịt muối. Cắn nhẹ miếng bánh, nhìn bếp lửa bập bùng đang chờ thêm một nồi bánh mới lại như thấy Xuân đang về thật gần.

Cũng trong thời khắc này, nhà báo Hồng Hạnh đã nối máy với ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, Phó tổng giám đốc khách sạn Sài Gòn Yasaka Nha Trang. Vốn là người dân Cần Thơ, cách đây hơn 5, 6 năm gì đấy, Phi theo chân ông Đống Lương Sơn về Nha Trang (ông Sơn là Tổng giám đốc khách sạn Sài Gòn Yasaka). Hai thầy trò quê gốc Cần Thơ cứ nghĩ rằng phải làm một cái gì đó vừa để quảng bá thương hiệu khách sạn, nhưng trên hết vẫn là tạo ra một không khí lễ hội Tết nhất. Vậy là ý tưởng cho một đòn bánh tét đạt kỷ lục Việt Nam ra đời.

....và cùng thưởng thức bánh tét

Ban đầu làm thử bánh dài 2m, thành công rồi làm “thiệt” 28m, 29m, 30m, 31m. Và Tết năm nay, khách sạn đã thực hiện thành công chiếc bánh dài 32m. Chiếc bánh được nấu suốt ngày 28 Tết với cái nồi thật đặc biệt. Và ngay lúc này khi lễ hội giao thừa đang rộn rã, chiếc bánh dài nhất Việt Nam đang được cắt ra từng lát để du khách thưởng lãm.

Trước đó, khách sạn đã thực hiện đắp con heo đất cũng đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam - cao 1,5m, bề ngang 2m, dài 3m. Toàn bộ tiền bán chiếc bánh kỷ lục và tiền du khách bỏ ống heo đất kỷ lục sẽ được khách sạn trao cho các quỹ từ thiện của địa phương.

Biểu diễn nghệ thuật mừng xuân tại nhà hát thành phố

Hải Phòng: Pháo lại nổ vang! 21h. Khi phóng viên TNO ngồi ở khu vực trung tâm thành phố để viết những dòng này thì tiếng pháo đã nổ đì đùng đây đó. Lúc này thì mới là những tiếng pháo nhỏ, thi thoảng một quả pháo lệnh mới nổ vang trời.

Khi phóng viên TNO ngồi ở khu vực trung tâm thành phố để viết những dòng này thì tiếng pháo đã nổ đì đùng đây đó. Lúc này thì mới là những tiếng pháo nhỏ, thi thoảng một quả pháo lệnh mới nổ vang trời.

Lúc này thì không gian trước cửa nhà hát thành phố, đang chuẩn bị có chương trình ca nhạc chào giao thừa và truyền hình trực tiếp bởi đài PTTH Hải Phòng, không khí đã rất nhộn nhịp, các vỉa hè đã bị chiếm bởi các hộ dân để giữ xe, hàng quán bạt ngàn, các loại cành me, khế, trứng gà (lê-ki-ma) được treo đầy khắp nơi để bán cho người ta lấy lộc. Lưu Quang Phổ

Quảng Ninh: Cầu Bãi Cháy thành nơi hò hẹn! 21h30, cộng tác viên Trương Thiếu Huyền từ Quảng Ninh rất vui vẻ thông báo với TNO: Cầu Bãi Cháy đang trở thành nơi hò hẹn và ngắm TP Hạ Long từ trên cao. Trên cầu lúc này đã có khoảng 3.000 người. Từ đây, có thể nhìn thấy một phần TP Hạ Long, cảng Cái Lân cũng như vịnh Hạ Long đang có rất nhiều du thuyền đang xuất bến.

Năm nay, tỉnh Quảng Ninh ăn tết to hơn mọi năm vì thợ mỏ được thưởng lớn. Tối thiểu là 1,8 triệu đồng và tối đa lên tới 60 triệu đồng, không khí phấn khởi của thợ mỏ lan ra toàn tỉnh. TP Hạ Long sẽ bắn pháo hoa ở Cung thiếu nhi. Tại Vân Đồn, nơi vừa ra đời một khu kinh tế cũng sẽ có pháo hoa.

Cũng như mọi năm, Sở Du lịch lại tổ chức cho du khách đón Tết Việt Nam tại khu du lịch Hoàng Gia, trong khi đó, tại các hang động, Ban quản lý Vịnh Hạ Long vẫn mở cửa đón khách và trực qua giao thừa để sáng mai đón những vị khách đầu tiên của năm mới.

Gần sát đến giờ giao thừa, tại Quy Nhơn phóng viên Huỳnh Thúc Giáp cho biết: Dòng người đổ ra đường mỗi lúc một đông. Đang chen chúc giữa dòng người cuồn cuộn trên đường Nguyễn Tất Thành, PV Thanh Niên gặp nhà sưu tập gốm cổ Nguyễn Vĩnh Hảo.

Sau khi cười rộ, ông Hảo khoe: "Đêm đối tửu ba miền của tôi (mà Thanh Niên đã có bài giới thiệu) đã gần như hoàn tất. Rượu Làng Vân và Gò Đen tôi đã đưa về. Bàu Đá cũng đã chuẩn bị sẵn. Toàn là những danh tửu. Đáng mừng là rất nhiều người ủng hộ ý tưởng này của tôi. Chỉ còn chờ mỗi nhà báo Đặng Ngọc Khoa đúng hẹn từ Đà Nẵng vào làm MC là trọn vẹn".

Chia tay ông Hảo, PV Thanh Niên tiếp tục chen giữa dòng người để đến quảng trường trung tâm thành phố, nơi ít phút nữa sẽ diễn ra Dạ hội mừng đón giao thừa. Ở một số vỉa hè bên đường Nguyễn Tất Thành, nhiều chủ bán hoa kiểng đã dọn hàng về vì hoa đã bán hết. Chỉ còn lại vài người bán hoa cúc cũng đang "thanh lý" nốt những chậu hoa cuối cùng. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, chợ hoa Quy Nhơn gần như đã kết thúc trước 22h30. Riêng những người bán mai đã dọn hàng về từ buổi chiều.

Vài người bán hoa cúc đang "thanh lý" nốt những chậu hoa cuối cùng

Bây giờ, trên đường phố chỉ thấy người và xe máy. Tiếng xe rì rầm, tiếng người nói cười rộn rã, kêu gọi nhau tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn, rền vang. Mọi người đang náo nức chờ đón thời khắc giao thừa. Đâu đó, bên đường, vẫn còn những bà mẹ, người chị đang thắc thỏm chờ bán hết số bánh tét để kịp về nhà trước lúc đất trời chuyển từ năm cũ sang năm mới.

Đường phố chỉ thấy người và xe máy

Phú Yên, ngày tất niên đầy đặn

Cách giao thừa mấy ngày, tiết trời Phú Yên bừng nắng rực rỡ như bù lại mấy tháng dài mưa gió kéo dài và liên tục thấp thỏm bão lũ. Tuy nhiên, năm qua có thể nói là năm “mưa thuận gió hòa” của vùng đất nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Cả này; năng suất, sản lượng các “mũi” sản xuất nông nghiệp như cá ngừ đại dương, tôm sú, lúa, mía và các loại hoa màu khác đều đem lại thu nhập ổn định cho nông ngư dân, không có cảnh thất bát như các năm bị bão lũ nặng.


Đường phố Tuy Hòa chiều 29 Tết

Một vùng đất còn đậm đặc chất đồng quê nên Phú Yên vẫn còn giữ lối đón Tết theo kiểu truyền thống. Dọc đường về huyện Tuy An, những luống hoa vạn thọ, cúc vàng, thược dược,… đủ màu rực rỡ trước từng ngôi nhà rộn ràng trong khí xuân. Vào giờ chót, chính quyền tỉnh Phú Yên đã quyết định mời các nghệ nhân từ Thanh Oai (tỉnh Hà Tây) vào tổ chức đốt pháo hoa tại Quảng trường Một Tháng Tư (TP Tuy Hòa); vì thế, rất nhiều người dân đang ngóng đợi đến giờ phút giao thừa để xem, bởi việc bắn pháo hoa trên núi Nhạn (Tuy Hòa) đã 2 giao thừa vừa qua không được thực hiện vì lý do… tiết kiệm. Từ 21 giờ, cũng tại Quảng trường Một Tháng Tư, Dạ hội Mừng Xuân Đinh Hợi với trên 30 tiết mục ca múa nhạc chọn lọc đã diễn ra; cùng lúc đó, nhiều điểm biểu diễn văn nghệ cũng đang diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh… thu hút đông đảo người xem, nhất là các bạn trẻ tỏa ra đường đêm giao thừa...

Sau một năm làm ăn tất bật, từ khung cảnh đến thị trường Tết đều có những nét tiến triển. Trước giờ giao thừa, nhiều điểm bán hàng Tết cho biết: chưa bao giờ hàng hóa bán mạnh như năm nay, nhất là bia, rượu vang Đà Lạt, rượu gạo Quy Hậu (Phú Hòa, Phú


Bữa cơm cuối năm ở một gia đình nông dân tại Ninh Tịnh, TP Tuy Hòa (Phú Yên)

Yên) và các loại hoa xuân. Đến 17 giờ, chợ hoa tại trung tâm thành phố Tuy Hòa vẫn còn đông đúc người mua và nụ cười mãn nguyện đã nở trên môi nhiều nhà vườn sau một năm trăn trở truân chuyên với những chậu hoa Tết…

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Chi - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: qua tổng kiểm tra trước giao thừa, giá cả thị trường hàng Tết của tỉnh năm nay hết sức bình ổn; thịt heo trước ngày 28 tháng Chạp là 60.000 đồng/kg thì ngày 29 này còn khoảng 30.000 đồng/kg, thị bò 70.000 đồng/kg,… Sức mua mạnh nên các quầy hàng Tết đều đã cơ bản thắng lợi, lãi cao. Theo ông Chi, việc đóng điện thêm 8 thôn, buôn vùng xa của tỉnh trước ngày tất niên đã trở thành niềm vui lớn đối với bà con các dân tộc. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự cũng hết sức an toàn, bình yên vào Tết…

Niềm vui của một cái Tết cùng sẻ chia của cả cộng đồng đang tràn ngập trên mỗi nẻo đường của “xứ Nẫu” Phú Yên. Giờ này đường phố vào đêm giao thừa rộn ràng xe cộ trong ánh điện đường và đèn trang trí kết từng chùm lung linh thành phố cuối dòng sông Ba…

Hùng Phiên

Từ Thái Nguyên, cộng tác viên Bảo Ngọc của Thanh Niên Online gửi tin về:

Đón Tết Đinh Hợi trong những ngày chuẩn bị  khai mạc Năm Du lịch Quốc gia nên không khí tất niên ở Thái Nguyên tưng bừng hơn hẳn mọi năm trước. 21h, ở quảng trường 20 – 8 trung tâm thành phố, hàng ngàn người - chủ yếu là các bạn trẻ, được thưởng thức một chương trình nghệ thuật do Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao Thành phố Thái Nguyên biểu diễn. Đồng thời, tại Nhà Văn hóa Gang thép, chương trình văn nghệ với chủ đề “Tuổi trẻ - Tình yêu - Mùa xuân” của  học sinh 2 trường THPT Chu Văn An và Gang Thép cũng đang thu hút đông đảo người xem, tạo nên không khí sôi động ở 2 khu vực trung tâm của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu - Giám đốc Sở Văn hoá thông tin tỉnh Thái Nguyên cho biết, tối ba mươi và các ngày từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, ở tất cả 9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều có hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao mừng xuân.

Ngày Tết, việc đi lại cũng thận trọng hơn, nên tình hình giao thông khá… an toàn. Bộ phận trực cấp cứu chấn thương ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, từ sáng đến giờ có 22 bệnh nhân vào viện, chủ yếu là xây xát nhẹ do va quệt và đều không phải nhập viện để điều trị.

"Chưa đến 21h, nhưng mọi ngả đường của TP Phan Thiết đã chật cứng người. Chưa năm nào người dân Phan Thiết (Bình Thuận) lại đón tết với khí thế náo nhiệt như năm nay". Từ Phan Thiết PV Quế Hà đã cho biết như trên.

"Nhiều du khách đến Phan Thiết - Mũi Né trong những ngày này ngạc nhiên khi thấy bộ mặt đô thị thành phố khác hẳn, xinh đẹp hẳn lên nhờ sự chỉnh trang của chính quyền thành phố. Tất cả các con đường chính của thành phố đều được lát gạch. Bờ kè sông Cà Ty đã hoàn chỉnh giai đoạn cuối, có thể phục vụ cho hàng nghìn người đón xem cuộc đua thuyền truyền thống ngoạn mục vào ngày mùng 2 tết này.

Một lý do nữa làm hàng nghìn người dân Bình Thuận không thể về nhà vào thời khắc thiêng liêng này vì chỉ vài giờ nữa thôi, với kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ, tại TP Phan Thiết và thị xã Ma Lâm của huyện Hàm Thuận Bắc sẽ diễn ra các màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu và được truyền hình trực tiếp cho nhân dân trong tỉnh đón xem".

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Du lịch Bình Thuận, hiện giờ có gần một nghìn du khách quốc tế đang nghỉ và đón Tết cổ truyền của Việt Nam tại các khu du lịch ở Mũi Né - Phan Thiết.

22h15, đoàn viên Nguyễn Văn Hậu, Liên đội phó Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) thông báo cho Thanhnien Online một tin vui: Năm nay Tổng đội không phải đưa lợn từ đất liền ra cho TNXP đón Tết. Đơn giản là vì ngay tại hòn đảo vốn nổi tiếng là khắc nghiệt về thời tiết này, các bạn TNXP đã thuần hóa được một giống lợn có thể chịu được nắng gió trên đảo.

Tổng số đàn lợn của TNXP trên đảo đã lên đến gần 40 con, đàn gà vịt thì nhiều hơn số đó. Lúc này, 17 nam nữ TNXP đang có mặt xung quanh chiếc ti vi trên phòng họp Tổng đội để đón giao thừa và sau đó sẽ đi chúc mừng năm mới các gia đình, các cơ quan trên đảo. Họ nói rằng sẽ rất hân hạnh nếu nhận được điện thoại chia sẻ của bạn đọc Thanhnien Online gọi đến thông qua số điện thoại 0313889375! Lưu Quang Phổ

Từ Nha Trang PV Việt Lâm cho biết: Nha Trang dịp Xuân Đinh Hợi thật đẹp: trời xanh, biển xanh, nắng vàng nhạt, tiết trời mát mẻ. Năm nay, hoa nhiều, người mua cũng nhiều, sức mua tăng nhưng giá không tăng đột biến. Chiều 29 Tết, nhiều người vẫn còn hối hả đi mua hoa; trong số đó có nhiều du khách nước ngoài. Anh Seigfried cùng hai người bạn từ Áo đến Việt Nam du lịch đã rất vui khi mua hai chậu cúc nhỏ để đem về khách sạn.

Anh nói: “Trước khi đến đây tôi chưa hề biết về Tết của Việt Nam. Được đến Việt Nam vào đúng dịp Tết như thế này thật thú vị. Tôi đi mua hoa vì tôi cũng muốn hòa mình vào không khí đón Tết của các bạn và cũng muốn thử xem cảm giác mua hoa chuẩn bị cho ngày Tết của các bạn như thế nào”.

Khách nước ngoài cũng đi mua hoa kiểng về chưng tết như người Việt

Chiều tối, trên đường Trần Phú, Lê Thánh Tôn, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Biệt Thự, Trần Quang Khải... rực rỡ ánh đèn màu. Dường như tất cả các khách sạn đều trang hoàng đẹp để đón khách, đón Xuân.

Năm nào cũng vậy, trước lúc giao thừa, đường Trần Phú, con đường ven biển đẹp nhất Nha Trang, là nơi mọi người tụ hội. Tối nay, khu vực khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang trên đường Trần Phú là nơi tập trung đông nhất. Đúng 20h, khách sạn đã cắt chiếc bánh tét dài nhất Việt Nam: 32 mét. Đông đảo người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài nước đã thưởng thức chiếc bánh tét kỷ lục. Nhiều người mua bánh đem về coi như lộc đầu năm, để ăn lấy may.

Chiếc bánh tét dài nhất Việt Nam

Nguyên liệu nấu chiếc bánh tét gồm: 250kg nếp, 30kg đậu xanh, 10kg đậu đen, 10kg đậu phộng, 35kg thịt heo, 300 trái chuối, 20 trái gấc, 74kg dừa bào, 9kg lá cẩm. Để gói và nấu bánh cần 200kg lá chuối, 10kg dây buộc và 3m3 nước. Chiếc bánh có kích thước 32m x 0,20m; trọng lượng bánh khi gói là 698kg, nấu xong nặng khoảng 850kg, thời gian nấu 10 giờ. Nhiên liệu sử dụng gồm: 500 viên than tổ ong, 4m3 củi, 48kg gas, 60 kW điện (nấu nước châm).

Có 20 nhân viên gói bánh và 66 nhân viên đặt bánh vào chiếc nồi “đặc chủng”. Bánh được gói lúc 8 giờ ngày 28 Tết, bắt đầu nấu lúc 16h cùng ngày; bánh được nấu xong lúc 10h sáng 29 Tết. Nhân bánh tét có 6 loại, đặc trưng cho nhiều vùng trong cả nước: chuối, gấc, đậu phộng, đậu xanh - thịt mỡ, đậu đen nhân đậu xanh - thịt mỡ, lá cẩm nhân đậu xanh - thịt mỡ. Chiếc bánh tét có thể đủ cho hơn 1.000 người ăn một lúc. Tiền bán bánh sẽ được ủng hộ người nghèo.

Cùng thời điểm này, tại quảng trường Hai Tháng Tư ven biển Nha Trang đã diễn ra chương trình ca múa nhạc đặc sắc chào năm mới. Tại đây và nhiều tuyến đường lớn, hoa, mía lộc, bóng bay... được bán đầy đường. Còn tại khu du lịch Vinpearl Land trên đảo Hòn Tre có chương trình đón giao thừa đặc sắc cho du khách: biểu diễn tạp kỹ, múa lân... từ khu vui chơi ra bến phà. Khu phố mua sắm ở đây cũng được trang hoàng rất nhiều hoa để đón khách trong dịp Tết. Vinpearl Land cũng chuẩn bị pháo bông để bắn lúc giao thừa. Dự kiến sau Tết, tuyến cáp treo Vinpearl vượt biển dài nhất thế giới sẽ đi chính thức vào hoạt động.

Trước giao thừa ít phút, khoảng 400 khách mời cùng hàng ngàn người đã tập trung trước khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang để xem bắn pháo hoa từ sân thượng khách sạn cao 11 tầng.

Lúc này tại Bình Định, một chương trình Dạ hội giao thừa lộng lẫy, hoành tráng đã chính thức khai diễn trên sân khấu ngoài trời tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn (đường Nguyễn Tất Thành), thu hút hàng ngàn người dân theo dõi và tham gia.

Sau những âm thanh vang dội và giục giã của dàn trống chầu 50 chiếc, Dạ hội giao thừa mở màn bằng tiết mục hát múa Trống hội mùa xuân. Tiếp nối chương trình là các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như múa Chúc thọ đầu xuân do các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn biểu diễn; múa Chúc mừng năm mới - mừng Tết Đinh Hợi do học sinh Trường THCS Lê Lợi, TP Quy Nhơn thể hiện; múa Sắc bùa do các nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn; biểu diễn võ Tây Sơn do 50 võ sinh của Sở TDTT Bình Định thể hiện…

Cuối cùng là tiết mục hát múa Quy Nhơn thành phố biển xanh với 70 diễn viên múa tham gia biểu diễn, trong đó tiết mục khép lại chương trình dạ hội này là màn múa tái hiện hình ảnh cây cầu Thị Nại lộng lẫy trong đêm giao thừa - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, niềm tự hào của người Bình Định. Huỳnh Thúc Giáp

Tâm sự của bạn đọc xa quê

Kinh gui Bao Thanh Nien,
  
Toi ten la Phan Thanh hien la du hoc sinh dang hoc tap o Anh. Hom nay la ngay cuoi cung de moi nguoi co the "noi loi tam biet" nhung gi da qua o nam cu. Toi cu vao xem tin tuc online va cam nhan duoc khong khi don Tet o Viet Nam rat vui, hanh phuc. Ben toi hien gio moi thu van nhu im lang, khong co khong khi hao huc hay chuan bi gi cho cai Tet co truyen cua dan toc minh, nghi cung thay buon va nho ve
gia dinh nhieu lam.
  
Kinh mong Thanhnien online chia se voi toi nhung hinh anh ve thoi khac giao thua cua Sai Gon, toi rat nho nhung hinh anh cho hoa, hoi cho Tet va nhung duong pho tap nap nguoi. Khong khi am ap do toi da nho rat nhieu va khong the quen duoc.
  
Sau cung, toi xin kinh chuc qui bao va cac anh chi cong tac khong met moi de cho chung toi, nhung nguoi phai don cai Tet xa nha duoc nhung hinh anh qui bau va hanh phuc nay.

Xin tran trong kinh chao va chuc qui bao va cac anh chi nam moi an khang thinh vuong. Chuc can ban o trong hoan canh nhu toi cung don duoc cai khong khi am ap cua que huong minh.

Phan Thanh
(London)

Bạn đọc ở nước ngoài có thể chia sẻ không khí đón giao thừa tại nơi mình sinh sống với bạn đọc khắp nơi trên thế giới, có thể gửi bài về địa chỉ mail online_tv@thanhnien.com.vn.


 

Điện Biên: "Sắp có xòe rồi!"

Cộng tác viên Chu Thùy Liên, nhà thơ người Hà Nhì, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên nói với TNO như vậy qua điện thoại lúc 22h30. Chị đang ở sân Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Điện Biên. Tại đây đang có khoảng gần 1.000 đồng bào các dân tộc từ khắp nơi đi xe đạp, xe máy về để chứng kiến thời khắc thiêng liêng của đất trời. Lát nữa, tại quảng trường rộng lớn này, sẽ có chương trình ca nhạc 90 phút của đoàn ca múa Hoa Ban và các nghệ nhân. Chương trình sẽ được đài tỉnh truyền hình trực tiếp. Sau đó sẽ là một màn múa xòe, vì “tôi đã trông thấy một đống củi, lát nữa thế nào người ta cũng xòe quanh đó” chị nói. (Sĩ Phú)


TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.