Từ vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cần di dời chợ họp ven đường

14/06/2020 06:18 GMT+7

Cơ quan chức năng cần quyết liệt chấn chỉnh hình thức họp chợ ven đường vì không những phá vỡ quy hoạch mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường và cả những người dân đến chợ mua sắm.

Bạn đọc Thanh Niên đều chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình 5 nạn nhân tử vong trong vụ xe tải lao vào chợ họp ven đường Hồ Chí Minh (Đắk Nông). Cũng từ đây, bạn đọc đặt ra vấn đề về an toàn của những chợ họp ven đường.
Như Thanh Niên thông tin, khoảng hơn 7 giờ ngày 13.6, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua chợ 312, xã Đắk R’la, H.Đắk Mil (Đắk Nông) xảy ra vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng khiến 5 người tử vong, 5 người bị thương.

Chợ sát quốc lộ vô cùng nguy hiểm

Theo đó, vào thời điểm này, ô tô tải BS 69C - 051.59 do tài xế Ngô Văn Bền (28 tuổi, quê Cà Mau) điều khiển theo hướng Đắk Nông - Đắk Lắk khi lưu thông qua chợ 312 (trên đường Hồ Chí Minh), xe Bền đã tông vào xe container BS 51D - 498.44 kéo theo rơ moóc BS 51R - 229.09 lưu thông cùng chiều phía trước; sau đó tông vào nhiều ô tô và xe máy khác trước khi lật bên lề đường.
Hậu quả vụ tai nạn giao thông thảm khốc này khiến 5 nạn nhân tử vong.
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các chợ được lập ven đường rất nguy hiểm. Cơ quan chức năng cần quyết liệt chấn chỉnh hình thức họp chợ này vì không những phá vỡ quy hoạch mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường và cả những người dân đến chợ mua sắm. “Nếu chợ không chiếm lòng lề đường thì không có tai nạn đau lòng như thế! Cứ có đường là có nhà, có cửa hàng, chợ lấn chiếm lòng, lề đường; không tuân thủ quy hoạch...”, BĐ Bảo Kỳ nhận xét.
BĐ Đoàn Hải cũng cho rằng, chợ sát quốc lộ, như trong vụ tai nạn kể trên, vô cùng nguy hiểm. Do vậy, cơ quan chức năng nên có phương án khảo sát, di dời càng sớm càng tốt các chợ tương tự trên toàn quốc.
Từ vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cần di dời chợ họp ven đường1

Các nạn nhân trong vụ tai nạn tại địa điểm chợ 312 đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây nguyên

ẢNH: HOÀNG BÌNH

Không thể đổ tại “nghèo”

Tuy nhiên, nhiều BĐ cũng phân tích, để những hình thức chợ thế này không còn tồn tại, cần sự hợp tác, ý thức của những tiểu thương và người dân. BĐ Nguyễn Trung Tuyến dẫn chứng: Cơ quan chức năng đã cấm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, sắp xếp nơi buôn bán cho tiểu thương... nhưng ở một số nơi vẫn có tình trạng chống đối, chửi bới người thi hành công vụ. Không những thế, một số người lại đổ tại “vì nghèo” nên mới lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán làm kế mưu sinh...
BĐ Nguyễn Duy Phương chia sẻ: “Tôi làm nghề lái xe chở hàng đã đi khá nhiều tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Tôi nhận thấy một điều: ở những tuyến quốc lộ thường có những chợ họp ven đường như thế này; người buôn, người bán tràn ra cả lề đường. Đối với những người làm nghề tài xế như chúng tôi, ngoài việc xử lý những tình huống phức tạp trên đường còn phải rất cẩn trọng và rất khó khăn khi đi qua những đoạn đường có những chợ họp ven quốc lộ. Nhưng nói thật, không thể lường trước được mọi thứ. Do vậy, ngoài ý thức của tài xế thì cơ quan chức năng cũng phải chấn chỉnh lại tình trạng chợ lấn chiếm hành lang đường bộ để không xảy ra những vụ tai nạn giao thông thương tâm như thế này.
Tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng nên cần chờ CQĐT làm việc, xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, chợ ven đường, chợ tự phát luôn rình rập nguy cơ tai nạn giao thông. Các loại phương tiện buộc phải chú ý khi qua những chỗ này. Lại một hồi chuông cần cảnh báo?
Cường SNC
Thời gian trước, tôi thấy lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình trạng sử dụng rượu bia ma túy đối với tài xế, đặc biệt là tài xế đường dài, tài xế xe container, xe tải... Nhưng dạo gần đây tôi thấy đã vơi bớt. Lẽ nào chúng ta đang xử lý theo kiểu chạy theo “phong trào”? Cứ mỗi lần có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thì chúng ta lại “kiên quyết”, “ra quân”... để chấn chỉnh nhưng sau đó bẵng đi một thời gian, đâu lại vào đấy.
Phương Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.