Tư vấn trực tuyến "Để đổi nghề thành công"

27/06/2007 11:13 GMT+7

Bạn đang có ý định thay đổi công việc? Bạn đang muốn đăng ký học một ngành nghề mới? Hay bạn đang muốn thử sức trong một lĩnh vực mà bạn hoàn toàn chưa có kinh nghiệm? Hãy cùng trao đổi với các chuyên gia tư vấn để hoạch định con đường nghề nghiệp tương lai trong chương trình tư vấn trực tuyến diễn ra lúc 14h30, thứ tư ngày 27/06/2007 do Thanhnien Online và VietnamWorks.com phối hợp thực hiện. Khách mời tham gia chương trình có: Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng, Công ty Unilever Vietnam; Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc Nhân sự, Công ty Sparttronics; Chị Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu, VietnamWorks.com & Navigos Group.


Hiện tại em đang làm công việc về lao động tiền lương của một Công ty TNHH. Nhưng sở thích của em thì thích nghiêng về tài chính chứng khoán, em đang có ý định học để lấy một bằng cử nhân nữa, liệu sau khi ra trường thì tuổi đời có lớn khi chuyển công việc không? anh (chị) có thể chỉ ra những định hướng nghề nghiệp trong tương lai giùm em với.
(Trần Ngọc Bảo, 27 tuổi, Nam, 84/8 Nguyễn Văn Lượng, P17, GV, Nhân sự)

Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc Nhân sự, Công ty Spartronics: Để lấy bằng ĐH thứ 2, bạn chỉ cần thêm 2 năm nên thời gian không đáng kể nếu bạn muốn chuyển đổi sang ngành tài chính chứng khoán. Điều quan trọng để bước sang một công việc mới là bạn phải thật sự yêu thích công việc đó và có quyết tâm theo đuổi đến cùng công việc mới.

Chào các anh( chị)! Hiện tại em đang làm công việc về lao động tiền lương của một Công ty TNHH. Nhưng sở thích của em thì nghiêng về tài chính chứng khoán, em đang có ý định học để lấy một bằng cử nhân nữa, liệu sau khi ra trường thì tuổi đời có lớn khi chuyển công việc không? Anh (chị) có thể chỉ ra những định hướng nghề nghiệp trong tương lai giùm em với.
(Trần Ngọc Bảo, 27 tuổi, Nam, 84/8 Nguyễn Văn Lượng, P17, GV, Nhân sự)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Để lấy bằng ĐH thứ 2, bạn chỉ cần thêm 2 năm nên thời gian không đáng kể nếu bạn muốn chuyển đổi sang ngành tài chính chứng khoán. Điều quan trọng để bước sang một công việc mới là bạn phải thật sự yêu thích công việc đó và có quyết tâm theo đuổi đến cùng công việc mới.

Xin hỏi chị Hoàn, nếu chị cần thay đổi công việc giám đốc hiện tại thì phải làm như thế nào? ĐK cần và đủ để thay đổi và hướng thực hiện ? Bằng cách nào để không cần nộp đơn xin việc mà người ta tự tìm đến "mời" chị làm việc cho họ?
(Vu, 27 tuổi, Nam, Binh Thanh, IT)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Bản thân tôi đã đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng / Giám đốc nhân sự hơn 12 năm rồi nên khi chuyển đổi công việc thì công việc mới cũng phải ít nhiều liên quan đến ngành nhân sự. Để không cần nộp đơn xin việc mà vẫn được các tổ chức / công ty săn đầu người mời làm việc thì điều kiện tiên quyết phải có là bề dày kinh nghiệm và uy tín trong giới chuyên môn.

Thưa anh Nguyễn Đình Toàn, để trở thành một Quản trị viên tập sự tại Cty UNILEVER VN cần phải đáp ứng yêu cầu gì, thời gian tuyển dụng của Công ty là khi nào. Và theo anh, em nên tập sự ngành Sales hay Marketing để em có thể thành công trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông (em vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành ĐTVT).
(Thu Huong, 23 tuổi, Nữ, HBT Hanoi, Kỹ sư điện tử viễn thông)

Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng, Công ty Unilever Vietnam: Để trở thành một quản trị viên tập sự tại Unilever yêu cầu lớn nhất là tiềm năng ở chính bản thân bạn. Điều đó đến từ quá trình học tập và những kinh nghiệm ngoại khóa mà bạn đã từng tham gia. Các tố chất mà Unilever thường tìm kiếm là:

  • Niềm đam mê và lý tưởng.
  • Khả năng lãnh đạo và làm việc theo nhóm.
  • Khả năng tư duy sáng tạo.
  • ... và trên hết bạn cần có cái tâm cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Thời gian tuyển dụng của chương trình quản trị viên tập sự tại Unilever thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 hằng năm. 

Tùy theo tố chất của bản thân sẽ giúp bạn quyết định nên theo đuổi lĩnh vực nào. Nếu bạn là người có tố chất sáng tạo, nhạy bén với thị trường và tìm kiếm những cơ hội tạo ra những cái mới, bạn nên chọn marketing.

Bạn nên thu thập ý kiến và nhận xét của những người bạn biết để hiểu hơn và khẳng định về những tố chất nổi bật của mình.

Chúc bạn thành công!



Thưa anh Nguyễn Đình Toàn, để trở thành một quản trị viên tập sự tại Công ty Unilever VN cần phải đáp ứng yêu cầu gì, thời gian tuyển dụng của công ty là khi nào? Và theo anh, em nên tập sự ngành Sales hay Marketing để em có thể thành công trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông (em vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành ĐTVT)? Em cảm ơn!
(Thu Huong, 23 tuổi, Nữ, HBT Hanoi, Kỹ sư điện tử viễn thông)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Để trở thành một quản trị viên tập sự tại Unilever, yêu cầu lớn nhất là tiềm năng của chính bản thân bạn. Điều đó đến từ quá trình học tập và những kinh nghiệm ngoại khoá mà bạn đã từng tham gia. Các tố chất mà Unilever thường tìm kiếm là:

- Niềm đam mê và lý tưởng.
- Khả năng lãnh đạo và làm việc theo nhóm.
- Khả năng tư duy sáng tạo.
- ... và trên hết bạn cần có cái tâm cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Thời gian tuyển dụng của chương trình quản trị viên tập sự tại Unilever thường bắt đầu vào khoảng tháng 3 hằng năm. Tùy theo tố chất của bản thân mà quyết định lĩnh vực nên theo đuổi. Nếu bạn là người có tố chất sáng tạo, nhạy bén với thị trường và tìm kiếm những cơ hội tạo ra những cái mới, bạn nên chọn marketing. Bạn nên thu thập ý kiến và nhận xét của những người bạn biết để hiểu hơn và khẳng định về những tố chất nổi bật của mình. Chúc bạn thành công!



Tôi đã tốt nghiệp khoa Thương mại tại Trường Đại học Kinh tế và đã làm công việc sales 2 năm. Mặc dù tôi khá hứng thú với công việc hiện tại, tuy nhiên, sở thích của tôi lại là thiết kế (thiết kế mọi thứ) và tôi đã quyết định chọn học một khóa thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. Điều tôi băn khoăn hiện nay là sau khi học xong (với thành tích học tập tốt) tôi có dễ dàng xin vào các công ty thiết kế hay không, vì hiện nay, tình trạng coi trọng bằng cấp khá phổ biến tại Việt Nam.
(Duygia, 24 tuổi, Nam, HCM, Sales)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Theo kinh nghiệm làm việc của tôi ở các công ty nước ngoài thì bằng cấp không phải là điều kiện tiên quyết. Khi tuyển dụng hoặc chuyển đổi nhân viên trong nội bộ thì điều chúng tôi quan tâm trước tiên là tính cách của ứng viên / nhân viên có phù hợp với công việc đó hay không và tiềm năng phát triển của nhân viên đó. Chúc bạn thành công trong công việc mới của mình.

Tôi tốt nghiệp đại học nghành Điện tử-Viễn thông năm 2002. Sau khi ra trường tôi lại làm việc trong lĩnh vực tin học cho một công ty tư nhân đến nay đã được 5 năm (sửa chữa và bảo trì các thiết bị tin học). Tuy nhiên gần đây tôi bị dao động về công việc hiện tại (về mức lương cũng như tính ổn định của công việc). Hiện tôi vẫn đang làm chỗ cũ, tuy nhiên tôi cũng đã thi đậu vào một chỗ làm mới. Đó là một tập đoàn viễn thông của nhà nước. Tôi đang rất phân vân về việc chọn chỗ làm nào: - Nếu làm chỗ cũ thì không cần phải lo lắng nhiều bởi công việc mình đã quen từ lâu. Tuy nhiên, tầm vóc của công ty cũng như tính ổn định của công việc thì không biết được. - Nếu làm chỗ mới thì phải phấn đấu rất nhiều (vì mình phải bắt đầu lại từ đầu) và trong 3 tháng thử việc mức lương chỉ bằng một nửa mức lương hiện tại đang làm. Tuy nhiên, tầm vóc công ty rất lớn và độ ổn định công việc chắc chắn được đảm bảo. Xin các anh chị và các bạn hãy cho tôi một lời khuyên!
(Nguyễn Hoài An, 33 tuổi, Nam, 465D1 Phan Van Hân,P17,Quận Bình Thạnh,TP.HCM, Kỹ sư Điện Tử-Viễn Thông)

- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu VietnamWorks.com & Navigos Group: Về vấn đề thay đổi việc của bạn, trước tiên bạn cần phải xem lại bạn có thật sự thích làm việc trong ngành viễn thông không? Bạn cũng nên xem xét điểm mạnh và điểm yếu của bạn cùng với những yêu cầu của công việc mới. Bắt đầu công việc mới bao giờ cũng rất nhiều thử thách, tuy nhiên nếu bạn thực sự yêu thích lĩnh vực mới cũng như công việc mới thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua những thử thách này. Theo Tâm, bạn hãy xem xét kỹ lại mục tiêu bạn muốn đạt được và niềm đam mê của bạn trước khi bạn có quyết định chuyển việc, không nên chỉ tập trung vào tầm vóc của công ty muốn chuyển đến hay sự ổn định công việc trong tương lai. Chúc bạn thành công!

Em hiện đang là nhân viên kế toán nhưng em muốn thử sức mình vào ngành quản lý nhân sự. Xin các anh các chị cho em biết bước đệm hay những tiền đề nào để khẳng định mình trong ngành mới mà mình chưa có nghiệm quản lý.
(nghiem xuan duc, 23 tuổi, Nam, duy tien -ha nam, ke toan)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Với kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, bạn có thể chuyển qua lĩnh vực nhân sự và phụ trách mảng tiền lương và đãi ngộ sẽ rất thích hợp. Ngoài ra, để có thể tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực nhân sự, bạn cần trang bị thêm kiến thức liên quan đến những mảng còn lại trong ngành nhân sự như tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, quan hệ lao động,...Chúc bạn thành công trong thử thách mới.

* Chào chị Kim Hòan, em hiện là 1 nhân viên hành chánh văn phòng trong 1 công ty nước ngoài. Trong 2 năm làm việc tại đây, em khám phá ra được mình rất yêu thích và quan tâm đến lĩnh vực HR. Em cũng theo dõi các quảng cáo đăng tuyển của các công ty khác nhưng họ đều tìm người có kinh nghiệm trong ngành nhân sự. Em phải chuẩn bị những gì để chuyển qua ngành nhân sự thành công?
(Thanh Phương, 26 tuổi, Nữ, 110 Nguyễn Trãi, Customer Care)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: 2 năm kinh nghiệm trong công việc hành chính văn phòng cũng là nền tảng thích hợp để chuyển sang lĩnh vực nhân sự vì công việc này cũng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và thường xuyên xử lý khối lượng giấy tờ, văn bản khá nhiều. Để có thể "ghi điểm" với các nhà tuyển dụng, bạn cần tự trang bị thêm những kiến thức về nhân sự bằng cách theo học các khóa đào tạo về nghề nhân sự. Nếu có thể thì bạn nên xin chuyển đổi sang phòng nhân sự của công ty hiện đang làm có lẽ sẽ thuận lợi hơn. Chúc bạn gặp nhiều may mắn.

* Chào anh Toàn. Em đang muốn theo ngành marketing sau 1 thời gian thành công với ngành dịch vụ khách hàng. Theo kinh nghiệm của anh, việc thay đổi một công việc khác ở tuổi 28 liệu có còn phù hợp không? Anh có lời khuyên gì cho em?
(Mai Khanh, 28 tuổi, Nữ, Tan Phu, TP. HCM, NhanVien)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Trước tiên bạn nên xác định lý do mà bạn muốn thay đổi công việc. Điều gì khiến bạn muốn thay đổi sang lĩnh vực marketing?Trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp bạn quyết định có nên thay đổi sang một lĩnh vực khác. Nếu bạn thực sự yêu thích lĩnh vực mới thì theo tôi, từ 28-33 tuổi là khoảng thời gian tốt nhất để bạn có thể đưa ra quyết định. Đó là vì: Đây là độ tuổi mà bạn có đầy đủ năng lực để đương đầu với những thử thách mới. Đây cũng là quãng thời gian không quá trễ để bạn bắt đầu lại từ đầu. Và cuối cùng, đây là độ tuổi mà hầu hết mỗi người đều thực sự trưởng thành về nhân cách cũng như là có những quyết định lớn cho cuộc đời.



* Em đã có ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. Hiện tại, em muốn thay đổi công việc và chuyển sang lĩnh vực Marketing. Em cũng đã học thêm một số khóa về marketing cũng như đọc các sách báo liên quan. Trong hồ sơ tìm việc, em không biết trình bày như thế nào để nổi bật định hướng marketing của mình. Nếu được gọi phỏng vấn, em sẽ rất lo lắng vì ngoài kiến thức thì em không có kinh nghiệm gì về Marketing. Xin chị Tâm cho em lời khuyên...
(Thanh Phương, 26 tuổi, Nữ, 110 Nguyễn Trãi, Customer Care)

- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu VietnamWorks.com & Navigos Group: Người làm trong lĩnh vực Marketing cần một số tố chất như: tính nhạy bén, sáng tạo, hiểu tâm lý khách hàng, thích giao tiếp, linh động, dễ thích ứng với những thay đổi... Thực tế thì kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng mà bạn đang có cũng có một số tương đồng với lĩnh vực Marketing. Nếu bạn đã nghiên cứu sách báo về Marketing cũng như đã tham gia một số khóa học về Marketing và bạn vẫn cảm thấy thích tham gia vào lĩnh vực mới này, bạn hãy tự tin tìm cơ hội cho mình. Bạn có thể bắt đầu với những công việc ở mức độ vừa phải trong lĩnh vực Marketing và cố gắng học hỏi để có thể tiến xa hơn. Trong hồ sơ tìm việc cũng như trong các buổi phỏng vấn bạn có thể nêu một số kinh nghiệm của bạn mà những kinh nghiệm này cũng rất cần cho những người làm trong lĩnh vực Marketing như:

+ Bạn rất hiểu tâm lý khách hàng vì bạn đã có 3 năm kinh nghiệm trong dịch vụ khách hàng.
+ Để giải quyết các vấn đề khách hàng và làm khách hàng hài lòng bạn cũng phải cần sáng tạo.
+ Ngoài ra bạn cũng phải rất nhạy bén và giao tiếp tốt khi phải đương đầu với những khiếu nại của khách hàng trong 3 năm qua...

Trên đây là một số gợi ý, chúc bạn sớm tìm được công việc vừa ý trong lĩnh vực Marketing.



* Tôi tốt nghiệp ngành luật, nhưng hiện làm cho cơ quan nhà nước. Tôi đang muốn chuyển sang làm quản trị nhân sự ở khối tư nhân. Xin hỏi các chuyên gia có cách nào có để có thể bù lấp điểm yếu của tôi là thiếu kinh nghiệm được không?
(Nguyễn Mạnh Vũ, 31 tuổi, Nam, Hà Nội, chuyen vien )

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Ngành luật mà bạn đã tốt nghiệp cũng khá phù hợp với ngành quản trị nhân sự, vì am hiểu Luật Lao động là một thuận lợi. Khi bạn bắt đầu một công việc mới chưa hề có kinh nghiệm thì phải chấp nhận làm lại từ đầu. Bạn có thể tự trang bị kiến thức bằng cách theo học các khóa học về nghề nhân sự và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Chúc bạn nhiều may mắn.

* Yếu tố cơ bản nào để có được một việt làm trong môi trường mới và nghề mới? Để chuyển đổi thành công thì trước tiên phải cần đến yếu tố nào?
(Nguyen Truong giang, 28 tuổi, Nam, Ha Noi, Kỹ sư xây dựng)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Theo nghĩa đen, trước tiên bạn yêu thích công ty nào, lĩnh vực nào, sếp nào thì cứ việc nộp đơn xin việc! Theo nghĩa bóng, muốn thay đổi việc làm trong môi trường mới và ngành nghề mới thì tùy theo định hướng phát triển bản thân của riêng bạn.

Theo tôi, có hai loại quyết định để bạn đưa ra thay đổi của mình:

+ Quyết định ngắn hạn: là khi bạn muốn chuyển sang một lĩnh vực khác để bổ sung và tích lũy kiến thức, từ đó giúp bạn có những kinh nghiệm sâu hơn, phong phú hơn cho lĩnh vực và mục tiêu mà bạn sẽ theo đuổi trong tương lai.
+ Quyết định dài hạn: Khi bạn muốn chuyển hẳn sang một công việc hoặc kỹ năng hoàn toàn mới mà bạn thực sự muốn phát triển.

Cho nên việc xác định mục tiêu thay đổi là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để bạn thành công trong công việc mới. Đơn giản, bởi vì tất cả mọi công việc đều cần sự đam mê và yêu thích.



* Tôi muốn chuyển sang lãnh vực Human resources nhưng chưa có kinh nghiệm, và cũng không co thời gian theo học các lớp chuyên môn, vậy nếu muốn thay đổi thì cần phải tự trau dồi những cách nào hiệu quả nhất, có khả năng thành công trong thời điểm hiện nay các nhà tuyển dụng đòi hỏi phải có kinh nghiệm?
(nhungnguyen, 32 tuổi, Nam, 177 ton that hiep, p.12, q.11, nhan vien hạnh chanh)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Nếu không có thời gian để theo học các lớp đào tạo về nhân sự thì cách tốt nhất là bạn xin thuyên chuyển qua phòng nhân sự ngay tại công ty đang làm và bắt đầu từ những công việc cơ bản nhất trong lĩnh vực này. Qua công việc thực tế hằng ngày cũng như tự tham khảo các tài liệu liên quan đến quản trị nguồn nhân lực, bạn có thể tự nâng cao kiến thức của mình trong lĩnh vực này và tích góp kinh nghiệm.

* Chào chị Tâm, rất mong chị dành chút thời gian tư vấn nghề nghiệp cho em. Hiện tại em đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại một công ty chuyên về giáo dục. Công việc em cũng liên quan nhiều tới tổ chức các sự kiện cũng như các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên. Bản thân em cũng rất thích những công việc sáng tạo và mang tính tổ chức cao. Vậy nên em đang muốn tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực PR và Maketing. Tuy nhiên em lại không học chuyên ngành này. Chị có thể cho em lời khuyên làm thế nào em có thể đổi nghề sang lĩnh vực PR & Maketing thành công?
(Phan Vang Anh, 24 tuổi, Nam, Quan 3-TPHCM, Nhân viên chăm sóc khách hàng)

- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu VietnamWorks.com & Navigos Group: Hiện nay, có 2 lĩnh vực thuộc Marketing mà các bạn trẻ cũng rất quan tâm đó là tổ chức sự kiện (Event) và quan hệ công chúng (PR). Một số công ty thường ghép chung 2 chức năng này lại gọi là Event & PR. Nếu bạn thực sự thích những công việc sáng tạo mang tính tổ chức cao đồng thời bạn cũng đã có một số kinh nghiệm về tổ chức sự kiện, bạn có thể tìm kiếm cơ hội mới ở 2 lĩnh vực này. Hiện có một số khóa học về 2 lĩnh vực này, bạn có thể vào www.edu.vietnamworks.com để tham khảo.



Tôi là dân tin học, hiện đang công tác tại một công ty phần mềm, công việc là testing, develop,…Sau một thời gian, tôi nhận thấy mình không phù hợp với công việc đòi hỏi tư duy logic cao và mất nhiều chất xám này, tôi muốn chuyển đổi công việc. Công ty đang cần một một trợ lý giám đốc, ban giám đốc đã yêu cầu tôi thử sức với công việc mới này nhưng tôi hơi lo khi chưa hề có chút kinh nghiệm với công việc mới mẻ này. Tôi phải chuẩn bị những gì để hoàn thành tốt công việc này? Xin giới thiệu giúp tôi một khoá học đào tạo tương đối đầy đủ kiến thức cho công việc trợ lý này. Tôi thật sự hoang mang không biết ở tuổi 25, bắt đầu thay đổi nghề nghiệp có muộn màng không?
(Kim Hà, 25 tuổi, Nữ, Quận 4 TP.HCM, Tester)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Bạn đừng lo lắng vì 25 là độ tuổi còn rất trẻ để thử sức mình trong một công việc mới. Để có thể trở thành một trợ lý giám đốc, bạn cần theo học một khóa thư ký văn phòng để có thể hỗ trợ hiệu quả cho giám đốc của mình. Ngoài ra, để làm tốt công việc trợ lý, bạn cần phải khéo léo trong cư xử cũng như tự trau dồi thêm các kỹ năng về xử lý tình huống, vì trong thực tế người trợ lý sẽ phải tiếp xúc với nhân viên ở những cấp bậc cao thấp khác nhau, khách hàng khó tính và những đối tác bên ngoài. Chúc bạn chuyển đổi công việc thành công và được đánh giá cao ở vị trí mới.

* Để kiếm được một công việc tốt chúng ta cần phải chuẩn bị những gì? Hiện tôi đang cần việc nhưng tôi không biết mình phải tìm thông tin ở đâu?
(Bích Vân, 26 tuổi, Nữ, 10 Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, Xuất nhập Khẩu)

- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu VietnamWorks.com & Navigos Group: Nếu đang có ý định tìm một công việc mới, bạn cần xác định mục tiêu của mình, từ đó xác định công việc mình muốn thay đổi. Khi đã xác định được công việc, bạn hãy tìm hiểu những yêu cầu của công việc này, đồng thời chuẩn bị cho mình hồ sơ xin việc hết sức thuyết phục. Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để có thể tự tin cho các buổi phỏng vấn. Để tìm thông tin việc làm, bạn có thể vào trang web www.vietnamworks.com hay đến trung tâm việc làm của vietnamworks ở số 130 Sương Nguyệt Ánh để được tư vấn thêm.

* Em học về thương mại quốc tế, hiện tại em đang làm trái nghề. Em mong muốn được làm trong lĩnh vực marketing. Em có đầy đủ các tố chất để làm marketing như anh Toàn nói. Hãy chỉ cho em cách để bắt đầu.
(Ngoc Khánh, 26 tuổi, Nữ, Hà Nội, Kỹ sư)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Bạn thật sự đã tạo được ấn tượng đối với tôi rồi đấy ! Nếu bạn đã xác định mình có đầy đủ các tố chất để làm marketing, đang làm trái nghề và muốn được thay đổi, bạn hãy cứ bắt đầu! Vì khi chuyển sang một lĩnh vực mà bạn yêu thích thì bạn sẽ chuyển hóa toàn bộ năng lượng bản thân để theo đuổi công việc đó, thay vì mất thời gian làm những việc mà bạn thực sự không muốn làm. 

Thứ hai, bất kỳ một quyết định cũng đều có  giá của nó. Nếu là công việc mà mình yêu thích thì điều bạn phải trả là thời gian và sự công hiến. Đã bao giờ bạn thấy ai không hạnh phúc khi làm những việc mình thực sự muốn làm, cho dù thời gian là bao lâu? Theo tôi, cách để bắt đầu một công việc mới là bạn hãy lường hết những điều tệ nhất có thể xảy ra với mình và: "Just do it!" (Hãy cứ bắt đầu!)



* Tôi đang thật sự chán nản trong môi trường làm việc hiện nay của mình. Tôi muốn thay đổi nhưng lại lo lắng vì chuyên ngành đào tạo của tôi là Quản trị kinh doanh du lịch. Tôi có nên đi học ngành nghề mới?
(lê hạ Tiến, 25 tuổi, Nữ, KonTum, Chuyên viên)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Theo tôi, bạn không cần đi học một ngành nghề mới nếu như chỉ phục vụ cho mục đích thay đổi môi trường làm việc. Điều mà các công ty cần là kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực - tố chất phát triển của bạn. Sự nhầm lẫn giữa hành vi và tính mục đích rất thường xảy ra, cho nên bạn đừng nên quyết định thay đổi công việc chỉ vì yếu tố môi trường. Vì nó là biểu hiện của hành vi và ở bất kỳ nơi đâu điều đó cũng có thể xảy ra ở những trạng thái khác nhau, dưới những hình thức khác nhau. Điều quan trọng nhất là bạn cần tìm hiểu bản thân bạn muốn làm việc trong môi trường như thế nào để có thể vừa cống hiến nhiều nhất và môi trường đó có thể giúp bạn phát triển một cách tốt nhất cả về kinh nghiệm lẫn thành công trên sự nghiệp. Hãy dũng cảm để có một bắt đầu mới!



* Chào chị Kim Hoàn,với 2 câu hỏi của nhà tuyển dụng: 1. Nếu được nhận vào công ty, điều đầu tiên bạn sẽ làm là gì? 2. Nếu bạn được nhận vào công ty, bạn nghĩ bạn sẽ ở lại công ty chúng tôi trong bao lâu?, Em nên trả lời 2 câu hỏi trên theo hướng nào? Xin chị cho em một lời khuyên.
(Cẩm Hằng, 22 tuổi, Nữ, Biên Hoà, Đồng Nai, Sinh viên mới tốt nghiệp)

Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics: Thật ra mỗi nhà tuyển dụng có quan điểm và cách đặt câu hỏi khác nhau. Với câu hỏi 1, tôi nghĩ rằng nhà tuyển dụng muốn thấy được quyết tâm đóng góp công sức của bạn vào sự thành công của công ty. Bạn nên trả lời thật cụ thể những công việc bạn có thể làm được ngay khi bắt tay vào công việc mới (ví dụ: đề xuất biện pháp giảm các sản phẩm bị lỗi trong sản xuất nếu bạn được nhận vào làm việc tại phòng sản xuất,...) chứ đừng trả lời chung chung mà nhà tuyển dụng sẽ khó đánh giá được mức độ hoàn thành công việc của bạn.

Đới với câu hỏi 2, tôi thường không đánh giá cao những ứng viên khăng khăng trả lời rằng sẽ làm việc với công ty lâu dài. Một trong những câu trả lời khôn ngoan mà tôi đã từng nhận được từ ứng viên là "ai đi làm cũng mong muốn có được một công việc ổn định lâu dài, nhưng thời gian gắn bó của nhân viên đối với công ty không chỉ được quyết định từ một phía, mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc thuận lợi, cơ hội phát triển, chế độ đãi ngộ,...".



* Xin hỏi chị Minh Tâm, em đang là nhân viên quản trị mạng cho một công ty. Nay em muốn đổi công việc khác, theo chị em nên đổi hay không khi em đã làm ở công ty này gần 2 năm và mọi người trong công ty đối xử với nhau rất tốt. (Xin nói thêm là công ty này hoạt động không mấy hiệu quả ) Xin cảm ơn.
(Trung, 25 tuổi, Nam, Tiền Giang, nhân viên tin học)

- Chị Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Truyền thông & Thương hiệu VietnamWorks.com & Navigos Group: Việc em có nên đổi công ty hay không sẽ tùy thuộc vào mục tiêu em muốn đạt được trong tương lai. Khi đã xác định được mục tiêu của mình em hãy xem xét những đóng góp của em ở công ty hiện nay có tạo điều kiện cho em đạt được mục tiêu này không. Em cũng cần phân tích thêm công việc em muốn thay đổi sẽ giúp em đạt được mục tiêu của em như thế nào?... Quyết định thay đổi công việc của em nên được dựa trên những yếu tố sẽ giúp em đạt được mục tiêu của mình trong tương lai. Em cũng nên chọn công việc và công ty mà em có thể đóng góp nhiều nhất và thành công chắc chắn sẽ đến với em sau khi em đã đóng góp hết sức mình cho công ty. 



* Chào anh Toàn, trong lĩnh vực Marketing điều gì anh đam mê nhất và điều gì là thách thức lớn nhất đối với anh?
(Cẩm Hằng, 22 tuổi, Nữ, Biên Hoà, Đồng Nai, Sinh viên mới tốt nghiệp)

- Anh Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Tiếp thị khách hàng Công ty Unilever Vietnam: Điều đam mê nhất với tôi khi làm công việc marketing là tạo nên ảnh hưởng và thay đổi lớn về hành vi cũng như suy nghĩ trên hàng triệu người thông qua những thông điệp mà các nhãn hàng mang đến cho người tiêu dùng. Điều đó cũng chính là thách thức lớn nhất vì nó đòi hỏi một trách nhiệm xã hội lớn để luôn luôn mang lại những thay đổi cũng như những ảnh hưởng tích cực. Một đam mê cũng không kém trong lĩnh vực marketing là giúp con người có một cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn bằng việc sáng tạo ra giải pháp qua những sản phẩm mới.



* Tôi đang làm việc ở một công ty cổ phần mà tiền thân là doanh nghiệp nhà nước nên "văn hóa bao cấp" vẫn còn. Nay tôi muốn tìm cho mình cơ hội làm việc tốt hơn ở công ty liên doanh hoặc nước ngoài, nhưng khi nộp hồ sơ thường bị loại từ vòng ngoài do "đang làm việc tại doanh nghiệp nhà nước". Mong các anh, chị tư vấn giúp!
(Phương Giang, 34 tuổi, Nữ, Quận 5, Tp. HCM, Thư ký)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc Nhân sự Công ty Spartronics: Rất thông cảm với hoàn cảnh hiện nay của bạn. Để hồ sơ của mình không bị loại ngay từ vòng đầu, bạn cần tìm hiểu và đầu tư thời gian để chuẩn bị được một bộ hồ sơ xin việc có sức thuyết phục. Hồ sơ xin việc nộp cho các công ty có yếu tố nước ngoài cần được thực hiện bằng tiếng Anh, chú ý không để mắc những lỗi chính tả và ngữ pháp. Hồ sơ cần được trình bày rõ ràng và cung cấp đầy đủ những thông tin về trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của mình.

* Tại sao những nhà tuyển dụng lại chỉ đòi hỏi tốt nghiệp đại học, trong khi đó giữa đại học và cao đẳng lại chẳng khác nhau là bao, nên rất khó cho những người học cao đẳng khi xin việc. Phải chăng các nhà tuyển dụng chạy theo phong trào đại học?
(vũ văn minh, 26 tuổi, Nam, dak lak, kỹ sư)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc Nhân sự Công ty Spartronics: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn là có một số nhà tuyển dụng quá chú trọng vào bằng cấp. Với kinh nghiệm làm việc của tôi tại một số công ty nước ngoài thì bằng cấp chỉ là một yếu tố trong vô số yếu tố để đánh giá xem ứng viên có phù hợp với công việc hay không. Sự thể hiện bản thân của ứng viên trước nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn cũng như qua các bài kiểm tra năng lực mới là yếu tố quyết định.

* Em đã làm việc cho một công ty du lịch đến nay là 6 năm, công việc của em là sales, văn phòng. Nhưng hiện tại em thấy công việc này không còn đem lại hứng thú nữa. Trong thời gian làm việc, nói chung là em hoàn thành nhiệm vụ nhưng không có thành tích nào xuất sắc. Em cũng có gặp một công ty chuyên về tuyển nhân sự để được tư vấn. Nhưng khi em bày tỏ ý muốn được thay đổi sang lĩnh vực khác thì người tư vấn bảo em hơi lớn tuổi rồi nên không thích hợp. Hiện tại em có mong muốn được làm về tài chính ngân hàng hoặc lĩnh vực sản xuất (em có 2 bằng đại học: Quản trị kinh doanh và Kinh tế đối ngoại, tiếng Anh khá) nhưng em đang rất băn khoăn, không biết nhà tuyển dụng có những yêu cầu gì và có chấp nhận 1 người lớn tuổi mà không có kinh nghiệm không? Mong được chị Kim Hoàn tư vấn!
(Nguyen Hung, 29 tuổi, Nam, 64/5C Truong Sa, P17, BT, sales, văn phòng)

- Chị Kiều Thị Kim Hoàn - Giám đốc Nhân sự Công ty Spartronics: Một khi đã không còn cảm thấy hứng thú với công việc hiện tại nữa thì điều tốt nhất là nên chuyển đổi công việc. Với trình độ và kinh nghiệm của bạn, tôi tin rằng bạn có thể làm tốt công việc Sales tại một ngân hàng hay một công ty sản xuất nào đấy với điều kiện bạn phải có quyết tâm cao, khả năng tự học hỏi và đáp ứng nhanh với những yêu cầu trong công việc mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.