Từ ngày mai, phạt nặng người vi phạm giao thông

19/05/2010 00:58 GMT+7

Bắt đầu từ 7 giờ sáng 20.5, lực lượng CSGT, công an xã và các lực lượng cảnh sát trên toàn quốc sẽ đồng loạt ra quân xử phạt người vi phạm trật tự an toàn giao thông, theo quy định tại Nghị định (NĐ) 34 của Thủ tướng Chính phủ. Nghe đọc bài

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 18.5, thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C26), Bộ Công an, cho biết ngay từ ngày đầu mọi trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, đặc biệt là những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Không đội MBH cho trẻ trên 6 tuổi, xử lý thế nào?

Theo NĐ34, người lớn chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm (MBH) sẽ bị phạt 100.000 đến 200.000 đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với người điều khiển không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách.

Theo thượng tá Trần Sơn, từ năm 2007, Nghị quyết 32 của Chính phủ đã nêu rõ tất cả những người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, gắn máy, xe đạp máy đều phải đội MBH và cài quai, nhưng thời điểm đó chưa có các quy định cụ thể nên chưa xử lý được. Còn NĐ34, quy định trẻ trên 6 tuổi phải đội MBH đã rõ ràng, điểm băn khoăn nhất là làm thế nào để phân biệt trẻ trên hay dưới 6 tuổi. Về vấn này, ông Sơn cho hay khi phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT bằng mắt thường xác định chiều cao, cân nặng của trẻ hoặc có thể hỏi trực tiếp các em. Trong trường hợp chưa xác định được tuổi của trẻ thì CSGT có thể lập biên bản vi phạm, tạm giữ giấy tờ xe và hẹn ngày người điều khiển phương tiện mang giấy khai sinh đến chứng minh độ tuổi của trẻ em, để quyết định việc xử phạt hay không.

Trước ý kiến cho rằng việc lập biên bản “tạm” sau đó yêu cầu người dân mang giấy tờ đến chứng minh có thể gây phiền hà cho dân, thậm chí dẫn đến những hệ lụy pháp lý, ông Sơn cho rằng: “Quy định đội MBH cho trẻ ngoài việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho các em, còn là việc giáo dục cho các em việc chấp hành pháp luật. Thay vì lăn tăn đối phó với việc xử phạt hay không thì tại sao những bậc phụ huynh không chấp hành để bảo vệ con em mình”.

Được chọn địa điểm học lại luật

Cũng theo NĐ34, một số hành vi vi phạm, ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) 30 ngày, 60 ngày hoặc không kỳ hạn. Người bị tước quyền sử dụng GPLX 60 ngày phải học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ do lực lượng CSGT địa phương tổ chức, trước khi nhận lại GPLX.

Theo thượng tá Trần Sơn, khi áp dụng các quy định để xử lý người vi phạm, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT phải tạo điều kiện thuận lợi để người vi phạm khắc phục, sửa sai. Đơn cử, trường hợp sống ở Hà Nội nhưng vi phạm ở Đồng Nai, thì khi lập biên bản, lực lượng CSGT Đồng Nai sẽ ghi thêm địa điểm học và thi ở đâu để người vi phạm lựa chọn. Tất cả những trường hợp này đều phải đóng học phí theo quy định.

Cũng theo thượng tá Trần Sơn, việc ra quân xử phạt theo NĐ34 đã được lực lượng CSGT các địa phương chuẩn bị đầy đủ về con người, phương tiện.

“Mỗi tổ CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ có một máy đo nồng độ cồn, các thiết bị này đã được kiểm định chất lượng đầy đủ nên người vi phạm có thể yên tâm để kiểm tra”.

Đối với trường hợp người đi bộ vi phạm, thượng tá Trần Sơn khẳng định từ ngày 20.5, lực lượng CSGT và các lực lượng khác trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện các trường hợp đi bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường... sẽ bị xử lý với mức phạt từ 60.000 - 80.000 đồng.  

Hà Nội: Cắm biển ranh giới nội, ngoại thành

Chiều 18.5, ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội, cho biết để thực hiện xử phạt tăng nặng theo NĐ34, Hà Nội cần cắm 20 biển để phân định ranh giới nội thành - ngoại thành, cắm 29 biển trên các tuyến đường. Theo ông Huy, công việc cắm biển sẽ được hoàn tất trước 16 giờ ngày 19.5. Ngoài việc cắm biển tại 10 quận cùng các tuyến đường giáp ranh giữa 10 quận nội thành với ngoại thành, Sở GTVT Hà Nội còn tiến hành sơn kẻ 17.312m2 đường trên địa bàn 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai; cắm 12 bộ biển 306 (tốc độ tối thiểu 20 km/giờ) cho xe khách hoạt động tại khu vực 3 bến xe Nước Ngầm, bến xe phía Nam, bến xe Lương Yên; chỉnh trang duy tu cột biển báo trên địa bàn 6 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Từ Liêm, Thanh Trì. 

TP.HCM: Thiếu máy đo nồng độ cồn, tốc độ

Chuẩn bị cho việc xử phạt theo NĐ34 từ 20.5, theo một lãnh đạo PC26 Công an TP.HCM, trong ngày 19.5, công tác lắp đặt khoảng 88 biển báo hướng dẫn “Phạm vi áp dụng xử phạt thí điểm theo NĐ34” tại ranh giới nội ngoại thành sẽ hoàn tất để người dân nhận biết, chấp hành.

Về trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, xử phạt, hiện PC26 có 10 máy đo nồng độ cồn, 6 máy đo tốc độ phương tiện. Số lượng này, theo đánh giá của nhiều CSGT, là quá thiếu so với một thành phố lớn như TP.HCM, không thể đáp ứng việc xử nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn và chạy quá tốc độ trên địa bàn. Trong khi đó, 2 lỗi vi phạm trên là những nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn giao thông. Lãnh đạo một đội CSGT thuộc PC26, cho biết: “Hiện đội chỉ có 1 máy đo nồng độ cồn, 2 máy đo tốc độ (một máy đo ban ngày, một máy đo ban đêm). Các máy đo nồng nộ cồn hiện nay chỉ hiện lên chỉ số nồng độ cồn mà không thể in ra giấy để kẹp vào hồ sơ xử lý, nên thường bị người say sau khi tỉnh lại phản ứng, không đồng tình kết quả. Theo tôi, mỗi đội CSGT cần được trang bị từ 5 - 6 máy đo nồng độ cồn, có thể in kết quả đo. Về máy đo tốc độ, nên trang bị thêm 2 - 3 máy đo ban đêm vì TP ban ngày đường đông đúc, lưu thông rất chậm, nhưng ban đêm xe thường chạy nhanh”.

Liên quan việc tổ chức cho người vi phạm bị tước quyền sử dụng GPLX 60 ngày học lại luật giao thông, PC26 cho biết địa điểm học tại 282 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, trong 1 ngày (buổi sáng học, chiều thi), người vi phạm không phải đóng lệ phí.  

Minh Sang - Đàm Huy

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.