Từ câu chuyện 'Cậu bé nghi bị bỏ rơi...': Làm sao xin nhận con nuôi?

11/08/2017 10:02 GMT+7

Sau bài viết ' Cậu bé 2 tuổi nghi bị bỏ rơi trước cổng Bệnh viện Từ Dũ ' trên Báo Thanh Niên , nhiều bạn đọc đã email, điện thoại hỏi về thủ tục xin con nuôi.

Người nhận nuôi phải hơn người được nhận nuôi 20 tuổi
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc thực hiện các thủ tục pháp lý như khai sinh và nhận nuôi được quy định tại Luật hộ tịch năm 2014 và Luật nuôi con nuôi năm 2010 phải được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ.
Muốn nhận con nuôi thì theo Điều 17 và 18 Luật nuôi con nuôi năm 2010 người có nhu cầu phải đáp ứng nhiều yếu tố về lý lịch, tình trạng sức khỏe và chứng minh được kinh tế để có thể nuôi trẻ tốt hơn.
‘Bên cạnh đó, theo Điều 14 của Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người nhận con nuôi phải đảm bảo có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi và đặc biệt là có đạo đức tốt”, luật sư Học cho hay.
Thời hạn giải quyết việc xin nhận con nuôi là 30 ngày
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), thủ tục nhận nuôi trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010 và Nghị định 19/2011/NĐ-CP.
Về thủ tục, thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi được quy định tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi 2010 và khoản 1 Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi thì UBND cấp xã/phường/thị trấn, nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Người muốn nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
Thời hạn giải quyết việc xin nhận con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày UBND cấp xã/phường/thị trấn nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bé Bin hiện được chăm sóc tại Làng Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ) Ảnh: Đức Tiến
Theo LS Chánh, hồ sơ của người nhận con nuôi được quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010 và khoản 1 Điều 5, Điều 7 NĐ 19/2011/NĐ-CP gồm có: 
1. Đơn xin nhận con nuôi;
2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
3. Phiếu lý lịch tư pháp;
4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp phường/xã/thị trấn nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
Lưu ý:
- Các giấy tờ có thời hạn không quá 06 tháng.
- Trường hợp người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không thuộc diện cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi và không cùng thường trú tại một địa bàn xã, thì việc xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi được thực hiện như sau:
- Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.
- Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp – hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
Về phần hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước được quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010 gồm có:
1. Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh;
2. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
3. Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
4. Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi
5. Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng (nếu có)
Bé Bin hiện được chăm sóc tại Làng Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ) Ảnh: Đức Tiến
Trên đây là các thông tin về thủ tục nhận nuôi con nuôi theo luật định, người dân có ý định nhận nuôi con nuôi cần liên hệ cán bộ tư pháp của UBND cấp xã/phường/thị trấn có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể, LS Chánh cho biết.
LS Nguyễn Đức Chánh cũng cho biết thêm đối với cơ sở nuôi dưỡng trẻ, thì theo điểm a khoản 2 Điều 15 Luật nuôi con nuôi năm 2010 về việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em thì: “Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã/phường/thị trấn, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã/phường/thị trấn, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.