Từ 1.8.2018, xe tải nào được chạy vào nội đô TP.HCM?

Đình Phú
Đình Phú
26/07/2018 18:26 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM thông tin về những trường hợp được xem xét giải quyết cho xe tải lưu thông vào nội đô sau khi có lệnh cấm lưu thông vào giờ cao điểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên vào ngày 25.7, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết căn cứ theo quy định mới mà UBND TP.HCM vừa ban hành, đối tượng được xem xét cấp giấy phép lưu thông vào giờ hạn chế lưu thông, gồm:

Thứ nhất, xe tải phục vụ cho việc sửa chữa công trình điện của các công ty điện lực, các doanh nghiệp có chức năng truyền tải, phân phối điện năng.

Thứ hai, xe tải phục vụ cho việc ứng cứu thông tin các công trình của bưu điện, viễn thông, sửa chữa các công trình thông tin liên lạc của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. Xe phục vụ vận chuyển phát hành thư, báo, bưu phẩm, bưu kiện của bưu điện. Xe thư viện số lưu động.

Thứ ba, xe tải phục vụ cho việc bảo trì chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông, sửa chữa cầu, đường, cấp nước, thoát nước, chăm sóc công viên cây xanh của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích.

Thứ tư là ô tô chuyên dùng phục vụ vận chuyển tiền, vàng bạc đá quý của Ngân hàng, Kho bạc nhà nước.
Thứ năm, xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng chuyển phát, phục vụ vận chuyển dịch vụ thư được Sở TT-TT hoặc Bộ TT-TT cấp giấy phép cung ứng dịch vụ chuyển phát thư hoặc giấy phép bưu chính.
Thứ sáu, xe tải nhẹ của doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (thực phẩm tươi sống, hoa tươi, con giống).
Thứ bảy là xe tải nhẹ vận chuyển ô xy, vắc-xin cung cấp cho bệnh viện, trung tâm y tế.
Thứ tám, xe tải nhẹ của doanh nghiệp có chức năng vận chuyển suất ăn công nghiệp hoặc thực phẩm tươi sống (thịt, thủy hải sản) phục vụ các trung tâm xã hội, trường học, bệnh viện, siêu thị, khu công nghiệp.
Thứ chín, xe tải của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân vận chuyển dụng cụ, thiết bị phục vụ các dịp lễ Tết, các ngày lễ hội, hội diễn văn hóa nghệ thuật tại thành phố. Xe vận chuyển đạo cụ các đoàn múa Lân Sư Rồng phục vụ Tết Nguyên đán hàng năm.
Thứ mười, ô tô cứu hộ của doanh nghiệp có chức năng cứu hộ giao thông (chức năng cứu hộ phải được thể hiện trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).
Thứ mười một, xe tải nhẹ của các doanh nghiệp vận chuyển thực phẩm tươi sống tham gia chương trình Bình ổn thị trường theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.
Và thứ mười hai, xe tải nặng vận chuyển nước sạch phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, có 4 đối tượng được xem xét cấp giấy phép lưu thông từ 9 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 22 giờ hàng ngày, gồm: Xe tải nặng vận chuyển các loại vật tư, thiết bị phục vụ thi công một số hạng mục thuộc các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố mà không thể thi công vào ban đêm (do công nghệ, biện pháp thi công đặc thù); Xe tải nặng vận chuyển chất thải nguy hại theo quy định của UBND TP.HCM; Xe tải nặng vận chuyển rác thải theo đề nghị của Sở TN-MT và Xe chuyên dùng vận chuyển xăng dầu phục vụ hoạt động của sân bay.
Một số trường hợp khác là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu thông vào giờ cấm, đường cấm trong khu vực nội đô thành phố; ô tô lưu thông vào đường cấm, dừng xe, đỗ xe tạm thời trên các tuyến đường cấm, đoạn đường cấm nhưng không gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông của thành phố.
Điều kiện về quản lý phương tiện, giấy phép
1. Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm gắn và truyền dữ liệu của thiết bị Giám sát hành trình của phương tiện liên tục, ổn định về Sở GT-VT để thực hiện việc quản lý phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô thành phố theo giấy phép.
2. Sở GT-VT có quyền từ chối cấp phép. Việc xử lý hành vi vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý hành vi vi phạm hành chính.
Trình tự cấp giấy phép:
a) Cá nhân, tổ chức có nhu cầu nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lưu thông vào nội đô thành phố tại trụ sở Sở GT-VT.
b) Trong vòng không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở GT-VT xem xét hồ sơ, kiểm tra thực địa (nếu cần thiết) và cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức; trường hợp từ chối không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Đối với các trường hợp phải có ý kiến của UBND TP.HCM, thời gian giải quyết cấp phép được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.
Thời hạn của giấy phép: giấy phép có hiệu lực ngay khi ban hành, thời hạn hiệu lực không quá 6 tháng.

Khung giờ cấm xe tải vào nội đô TP.HCM

Ngày 23.7, UBND TP.HCM ban hành quy định mới về hạn chế và cấp phép cho ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô TP.HCM, có hiệu lực áp dụng từ 1.8.2018.

Theo đó, giới hạn khu vực nội đô TP.HCM được xác định cụ thể: hướng bắc và hướng tây: đường Quốc lộ 1 (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến giao lộ Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh); hướng đông: xa lộ Hà Nội (đoạn từ giao lộ Quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái) - đường Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công); hướng nam: đường Võ Chí Công (từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường trên cao (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1); xe tải nhẹ và xe tải nặng được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến vành đai giới hạn trên.

Về lưu thông vào khu vực nội đô, cấm xe tải nhẹ (dưới 2,5 tấn) lưu thông từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ hàng ngày (thay vì chỉ cấm từ 6 giờ đến 8 giờ như quy định trước đây); cấm xe tải nặng (trên 2,5 tấn) lưu thông từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày (quy định trước đây khung giờ cấm là từ 6 giờ đến 24 giờ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.