Từ 1.3, người lao động ngành nghề nào được nghỉ hưu sớm?

Thu Hằng
Thu Hằng
27/02/2021 10:34 GMT+7

Từ ngày 1.3, người lao động (NLĐ) làm việc trong 1.838 nghề, công việc được nghỉ hưu sớm khi đủ điều kiện theo quy định.

Theo quy định của bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, thay vì tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi và lao động nữ là 55 tuổi, từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tuy nhiên, bộ luật Lao động 2019 và luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 cũng quy định NLĐ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được về hưu sớm nhưng không quá 5 năm.
Điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi là NLĐ phải đóng BHXH đủ 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 điều 55 luật BHXH năm 2014 và bộ luật Lao động 2019:
NLĐ bị suy giảm khả năng lao động đã có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
NLĐ không bị suy giảm khả năng lao động (lao động nam từ đủ 55 tuổi 3 tháng, nữ từ đủ 50 tuổi 4 tháng) và có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cụ thể, những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được Bộ LĐ-TB-XH quy định chi tiết tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1.3.2021.
Theo đó, danh mục này có 1.838 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân theo các nhóm ngành nghề.
Trong đó, một số ngành có hơn 100 công việc được nghỉ hưu sớm như:
Ngành khai thác khoáng sản có 108 nghề, công việc;
Ngành hóa chất có 159 nghề, công việc;
Ngành dầu khí 119 nghề, công việc;
Ngành sành sứ, thủy tinh, nhựa, gỗ, giấy có 118 nghề, công việc;
Ngành nghiệp và lâm nghiệp có 118 nghề, công việc;
Ngành điện có 100 nghề, công việc;
Ngành vận tải có 100 nghề, công việc.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực có một số nghề, công việc được nghỉ hưu sớm: dự trữ quốc gia 5 nghề; cơ yếu 15 nghề; thương mại 46 nghề; y tế 66 nghề; thể thao, văn hóa 47 nghề; ngân hàng 16 nghề; hải quan 9 nghề; du lịch 8 nghề; giáo dục 4 nghề, địa chính 6 nghề….
Bộ LĐ-TB-XH cũng lưu ý, thời gian người lao động làm nghề, công việc tại danh mục đã được ban hành trước đây vẫn được tính vào thời gian làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho đến ngày 1.3.2021.
Ngoài danh mục 1.833 công, việc ngành nghề được nghỉ hưu sớm, đầu năm 2021, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ bổ sung cho giáo viên mầm non, giáo viên thể chất và 12 ngành nghề trong quân đội vào danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm. 
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Dự thảo sẽ quy định các xã đặc biệt khó khăn mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn so với so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
Theo đó, danh mục này gồm 753 xã thuộc 23 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước và Kiên Giang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.