Từ 1.2021, khó 'lách' luật đóng BHXH cho NLĐ khi ký hợp đồng lao động

Bích Ngân
Bích Ngân
26/12/2020 13:00 GMT+7

Từ tháng 1.2021, trường hợp người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Từ ngày 1.1.2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực quy định một số tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ)... Đáng chú ý là Điều 13 bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp được coi là hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi có sự thỏa thuận về việc làm có trả công... giữa NLĐ và NSDLĐ.

Không ký HĐLĐ để "né" trách nhiệm đóng BHXH

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Trần Minh Cường (thuộc Đoàn LS TP.HCM) dẫn Điều 15 bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Quy định này không làm rõ được bản chất mối quan hệ lao động. Trong đó, bên thực hiện công việc phải làm theo thỏa thuận, được trả tiền (tiền lương, tiền công) và chịu sự quản lý, điều hành của bên trả tiền và giao công việc.
"Đồng thời, quy định hiện hành đối với NLĐ ký HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên theo Điều 124 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (trước 1.2.2018 là có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên) tỉ lệ đóng các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NSDLĐ là tới 21,5% tiền lương. Do đó, “nếu “lách” được khoản này, NSDLĐ sẽ tiết kiệm được một khoản tiền”, LS Cường phân tích.
LS Trần Minh Cường cũng cho biết thêm, trên thực tế, nhiều công ty không ký HĐLĐ mà ký bằng các hợp đồng khác, trong khi NLĐ vẫn làm việc thường xuyên cho NSDLĐ. Tình trạng này xuất hiện nhiều tại công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, bản chất của việc này là để "né" trách nhiệm với NLĐ, nhất là trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.
Mặt khác, một số ít trường hợp NLĐ trong khi thỏa thuận giao kết hợp đồng việc làm đã đồng thuận với NSDLĐ không ký HĐLĐ để không phải bỏ 10,5% tiền lương của mình đóng khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
“Thỏa thuận trên là trái luật và việc này là không có lợi cho NLĐ khi xảy ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe, thai sản, tai nạn lao động… thì NLĐ luôn là người phải chịu thiệt thòi. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lách luật không ký HĐLĐ là quy định hiện hành về khái niệm “Hợp đồng lao động” chưa bao phủ hết các tình huống trong thực tế”, LS Cường nhận định.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Để khắc phục những hạn chế của Bộ luật Lao động 2012, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, gồm 220 Điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Trong đó, Điều 13 bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Quy định mới này đã làm rõ được bản chất, sự khác biệt giữa HĐLĐ với các loại hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc. “Việc quy định rõ như trên, chắc chắn tình trạng “lách” luật không ký HĐLĐ sẽ giảm và quyền lợi của NLĐ sẽ được bảo đảm hơn, LS Cường cho biết.
Về bản chất, hợp đồng lao động trong quan hệ lao động là người lao động phải tự mình thực hiện công việc theo thỏa thuận, chịu sự điều hành, quản lý, được người sử dụng lao động trả lương. Và cả hai bên đều phải tuân thủ điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Còn đối với hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc, người thực hiện công việc không phải chịu sự quản lý, điều hành đó mà có thể tự tổ chức để thực hiện công việc và có thể nhờ, thuê, mướn người khác thực hiện công việc đó. Đồng thời, người lao động còn không bị phụ thuộc vào thời gian và điều kiện làm việc do người sử dụng lao động thỏa thuận, LS Cường phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.