Truy tố nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình

23/03/2018 05:45 GMT+7

Ngày 22.3, Viện KSND tối cao tống đạt cáo trạng truy tố 5 bị can về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến đại án Phạm Công Danh và đồng phạm thất thoát 9.000 tỉ đồng.

Các bị can gồm: Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); Hà Tấn Phước (Tổ trưởng tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc NHNN chi nhánh Long An), Phạm Thế Tuân (Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) và Ngô Văn Thanh (thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).
Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình Ảnh: Tiêu Phong
Theo cáo buộc, thực hiện chương trình cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, tháng 2.2012 NHNN có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát và đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại 6 NH TMCP có tình hình hoạt động yếu kém, trong đó có NH TMCP Đại Tín (TrustBank).
Theo đó, ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB). Tháng 3.2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015”.
Trên cơ sở đó, NHNN đã giao Cơ quan Thanh tra giám sát NH, NHNN chi nhánh Long An đặt Tổ giám sát của NHNN tại TrustBank; tiến hành thanh tra đột xuất và yêu cầu TrustBank thực hiện kiểm toán độc lập; triển khai phương án tái cơ cấu TrustBank bằng phương án chấp thuận để nhóm các nhà đầu tư mới, đại diện là ông Phạm Công Danh, mua lại cổ phần của nhóm Phú Mỹ và tham gia tái cơ cấu NH.
Điều đáng nói, ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.
Tuy nhiên, Tổ giám sát đặt tại TrustBank (sau đổi tên thành VNCB) đã không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó có 15.670 tỉ đồng không thể thu hồi được. Hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ giám sát là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB. Quá trình điều tra xác định còn có trách nhiệm của NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát NH, NHNN chi nhánh tỉnh Long An, ban chỉ đạo liên ngành trong quá trình chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu TrustBank trong việc xác định năng lực tài chính và chấp thuận để Phạm Công Danh trở thành chủ tịch HĐQT của NH này.
Trong số hơn 18.000 tỉ đồng mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút ra từ VNCB có hơn 9.000 tỉ đồng có xin ý kiến Tổ giám sát, số còn lại là ông Danh không xin ý kiến. Sau khi VNCB gửi tiền thì Tổ giám sát không giám sát mà để ông Danh dùng số tiền này bảo lãnh cho các công ty sân sau của ông Danh vay tiền tại các NH này, sử dụng tiền vay sử dụng riêng đến nay không thể thu hồi.
Cáo trạng xác định ông Bình không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB. Như vậy mới tạo điều kiện cho Phạm Công Danh dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại lớn cho VNCB.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.