Truy tìm tài sản vụ án

11/07/2016 06:40 GMT+7

“Nỗi khổ và khó nhất đối với những án trọng điểm là tài sản đảm bảo cho thi hành án không thấm thía gì so với nghĩa vụ thi hành được tòa tuyên”.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quỳnh Phượng, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM với Thanh Niên.
Tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản; đôn đốc thi hành án hành chính - gọi tắt là Phòng Nghiệp vụ 2, hiện đang phải thi hành 9 vụ việc thi hành án trọng điểm, được dư luận quan tâm và đây cũng là lượng án kéo dài nhất.
Riêng trong vụ ALCII, CHV Hoàng Tuấn Tú đã phát hiện bị cáo Vũ Quốc Hảo có 1 căn nhà tại Q.7, Phạm Minh Tuấn có 1 nhà, đất tại Q.10; 1 CHV khác phát hiện thêm 1 tài sản nhà, đất tại Q.Bình Thạnh là của người phải thi hành án Trần Văn Khanh (có nghĩa vụ liên đới với Công ty Phúc Long bồi thường cho ALCII 159,4 tỉ đồng), 1 tài sản nhà, đất tại Q.1 của người phải thi hành án Hoàng Ngọc Tuấn (có nghĩa vụ bồi thường cho ALCII trên 120 tỉ đồng).

Điển hình có thể nói đến là vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm, Nguyễn Gia Thiều (giai đoạn 2005), tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II (ALCII), EPCO - Minh Phụng, Trần Văn Hải và đồng phạm, án tham nhũng Huỳnh Ngọc Sỹ, Ngân hàng Việt Hoa...
Trong 9 vụ việc thi hành án trọng điểm nêu trên, có thể nói vụ Huỳnh Thị Huyền Như là vụ có số tiền phải thi hành nhiều nhất từ trước đến nay, với phần bản án đã có hiệu lực thi hành là gần 14.000 tỉ đồng, trong đó số tiền sung công quỹ nhà nước lên đến hơn 11.000 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổ thi hành án đã thu được hơn 3,4 tỉ đồng tiền án phí (còn lại 200.000 đồng); trên 163,7 tỉ đồng sung công quỹ nhà nước và hơn 39 tỉ đồng trả cho 2 ngân hàng.

tin liên quan

Chấp hành viên “giữa 2 làn đạn”
Để thi hành được một bản án, quyết định của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự mà trực tiếp là chấp hành viên phải ở “giữa 2 làn đạn”, vì thi hành được cho bên này thì thường là bên kia “quyết đấu”.
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 2 Nguyễn Thị Quỳnh Phượng cho biết: “Số tiền thi hành án theo tòa tuyên là lớn nhưng số tiền, tài sản để đảm bảo thi hành án không nhiều, chỉ khoảng 500 tỉ đồng. Chẳng hạn, riêng bị cáo Nguyễn Thị Lành tòa tuyên phải nộp trên 9.000 tỉ đồng sung công quỹ nhà nước nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án chỉ khoảng 9,3 tỉ đồng, bị cáo Phạm Văn Chí phải thi hành nghĩa vụ nộp sung công hơn 23,8 tỉ đồng nhưng không có một tài sản nào đảm bảo việc thi hành án.
Đối với 12 bất động sản mà tòa tuyên duy trì kê biên để đảm bảo thi hành án cho Huỳnh Thị Huyền Như (có nghĩa vụ bồi thường trên 4.000 tỉ đồng) thì đã có 4 căn hộ chung cư Như chỉ mới thanh toán được một phần tiền mua tài sản nên có thể sẽ phát sinh tranh chấp đề nghị hủy hợp đồng mua bán do Như không thanh toán tiền mua tài sản đúng thời hạn, các bất động sản còn lại thì đang liên quan đến phần bản án bị hủy điều tra, xét xử lại nên chưa thể đảm bảo cho việc thi hành án”.
Vì những tài sản đảm bảo thi hành án không thấm thía gì với nghĩa vụ phải thi hành án nên nhiệm vụ quan trọng của các chấp hành viên (CHV) chính là bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ nào đó phải tìm cho ra những tài sản khác mà có thể ở các giai đoạn tố tụng trước đó chưa được phát hiện. “Chính ở vụ Huỳnh Thị Huyền Như và ALCII, các CHV đã xác minh thêm được 5 tài sản là bất động sản khác để đảm bảo việc thi hành án, ngoài phần tòa tuyên. Đây được coi là thành quả nhất định, đáng ghi nhận”, bà Phượng chia sẻ.
Khi được hỏi về “kinh nghiệm truy tìm tài sản của người phải thi hành án”, CHV Hoàng Tuấn Tú kể: “Tôi nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tôi xem địa chỉ thường trú, tạm trú của đương sự, xác minh xem tại địa chỉ đó đương sự còn có tài sản nào không. Sau đó tiếp tục mời người thân của đương sự lên hỏi đang cư trú ở đâu, nếu ở một địa chỉ mới thì tiếp tục xuống địa phương xác minh căn nhà đang cư trú có liên quan đến người có nghĩa vụ thi hành. Nếu đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của người có nghĩa vụ thi hành thì tiếp tục kiểm tra tài sản có được cầm cố, thế chấp không. Nếu không thì làm một công văn đề nghị ngăn chặn chuyển dịch và làm các thủ tục cần thiết để cưỡng chế kê biên, xử lý”.
Đòi phạt mới khai
Khi được hỏi về cuộc truy tìm tài sản của bị cáo Phạm Văn Chí trong “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 2 Nguyễn Thị Quỳnh Phượng kể: “Qua nghiên cứu bản án sơ thẩm, tôi phát hiện tại phần nhận định, trang 56 liên quan đến hành vi phạm tội của Chí có nội dung “khoảng tháng 8.2008, Như đặt vấn đề vay tiền của Chí nhưng Chí không có tiền, Như đã mượn sổ đỏ căn nhà của Chí tại P.Tân Thuận, Q.7 mang thế chấp...”. Tôi mời Chí lên làm việc thì Chí nói không có tài sản nào hết, có mỗi căn nhà đang ở thì tòa đã hủy bỏ lệnh kê biên, hiện Chí đang hưởng án treo, không ai thuê làm việc nên chỉ có khả năng trả góp
từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng. CHV tiếp tục vào trại giam hỏi bị cáo Như thì bị cáo này cũng nói không nhớ. Tôi quay lại hỏi Chí tại sao nhận định của tòa lại bảo bị cáo có căn nhà ở P.Tân Thuận, Q.7 thì Chí “hớ” khi nói rằng căn nhà ở P.Tân Phong, Q.7 chỉ là đứng tên giùm. CHV xác minh thì tại P.Tân Phong không có tài sản này. Khi được mời dẫn đường đi tìm Chí cũng tìm cách trốn tránh, tôi phải giải thích nếu khai gian dối thì CHV có thẩm quyền lập biên bản để xử phạt. Giằng co đấu trí căng thẳng Chí mới chịu dẫn đến căn nhà ở P.Tân Hưng. Hiện tài sản này CHV đã làm đầy đủ các thủ tục để kê biên, xử lý thi hành án”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.