Trưởng công an H.Bình Chánh có bao che người phạm tội ?

08/05/2016 05:57 GMT+7

Người bị thi hành án phá niêm phong, thay đổi hiện trạng tài sản bị kê biên, cơ quan thi hành án đề nghị khởi tố nhưng bị từ chối với lý do hết sức khó hiểu.

Quyết định “không khởi tố hình sự” trong vụ này lại cũng do chính ông Nguyễn Văn Quý (thời điểm đó còn là thượng tá) - người đang bị tạm đình chỉ công tác vì đã liên tiếp truy cứu trách nhiệm hình sự đến 2 người vô tội là ông chủ quán cà phê Xin Chào và ông chủ đất.
Tự ý phá vỡ niêm phong
Tháng 4.2014, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) H.Bình Chánh (TP.HCM) gửi công văn đến công an và Viện KSND H.Bình Chánh, nội dung thể hiện: Chi cục thụ lý thi hành bản án năm 2011 của TAND TP.HCM, ra quyết định thi hành án, buộc bà Nguyễn Thị Thu Hương trả cho bà Nguyễn Thị Hường số tiền hơn 5 tỉ đồng (làm tròn) và lãi chậm thi hành án. Sau đó, chi cục THADS H.Bình Chánh tiến hành các thủ tục theo đúng quy định pháp luật nhưng bà Hương không tự nguyện thi hành án nên qua xác minh tài sản của bà Hương, chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng kê biên tài sản của bà gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ D9/53 Huỳnh Văn Trí, xã Bình Chánh (H.Bình Chánh) gồm 6 căn nhà sơn nước. Ngày 31.3.2013, tài sản trên được định giá 10,831 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ngày 16.9.2013, Chi cục THADS H.Bình Chánh nhận được khiếu nại của bà Hường cho biết bà Hương đã sửa chữa, thay đổi hiện trạng tài sản đã kê biên. Qua kiểm tra cùng chính quyền địa phương thì 6 căn nhà trước đây đã được sửa chữa, dán gạch men, riêng căn nhà số 4 kết cấu cột sắt, vách gạch, mái tôn, nền xi măng bà Hương đã tháo dỡ.
Xác định hành vi tự ý thay đổi hiện trạng ban đầu tài sản đã được thi hành án kê biên của bà Hương là vi phạm pháp luật, Chi cục THADS H.Bình Chánh đề nghị khởi tố vụ án hình sự “vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản” đối với bà Hương.

Bán tháo tài sản thi hành án

Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng người phải thi hành án vẫn cố tình sang nhượng tài sản trái phép. Cơ quan thi hành án ra văn bản đề nghị chính quyền ngăn chặn việc mua bán để đảm bảo thi hành án nhưng không hiểu sao vẫn... “lọt lưới”.
“Thay đổi làm tăng giá trị tài sản”
Thế nhưng Công an H.Bình Chánh cho rằng bà Hương “tuy có hành vi thay đổi, sửa chữa tài sản đã bị kê biên” nhưng do khi tiến hành kê biên tài sản đều không có mặt bà Hương nên Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh ra quyết định không khởi tố vụ án do hành vi của bà Hương không cấu thành tội “vi phạm niêm phong, kê biên tài sản”. Quyết định do đại tá Quý ký.
Viện KSND H.Bình Chánh cũng nêu quan điểm: Mục đích sửa chữa nhằm không để tài sản bị xuống cấp và thực tế sau khi định giá lại, giá trị tài sản được tăng lên, từ 10,831 tỉ đồng lên 11,493 tỉ đồng; sau khi kê biên tài sản Chi cục THADS H.Bình Chánh không giao tài sản cho bà Hương quản lý nên không có căn cứ để xác định hành vi của bà Hương cấu thành tội “vi phạm niêm phong, kê biên tài sản”.
Tiếp xúc với Báo Thanh Niên, bà Hường cho rằng quan điểm của công an, Viện KSND H.Bình Chánh là mang tính chủ quan, bao che cho người phạm tội. “Sau quyết định kê biên, xử lý tài sản thì bà Hương có trực tiếp đến cơ quan thi hành án xin tạm hoãn kê biên 2 lần với cam kết sẽ trả nợ nhưng rồi cũng không thực hiện cam kết. Vì vậy, thi hành án đã tiến hành kê biên tài sản vào ngày 3.4.2013. Đồng thời, trước khi thực hiện việc kê biên, Chi cục THADS H.Bình Chánh đã có thông báo, tống đạt hợp lệ cho bà Hương nhưng bà Hương vẫn vắng mặt thì đây không phải lỗi của cơ quan thi hành án. Ngoài ra, ngay sau khi kê biên, vào lúc 10 giờ 30 ngày 3.4.2013, Chi cục THADS H.Bình Chánh đã lập biên bản bàn giao tài sản đã bị kê biên cho bà Hương quản lý, có sự chứng kiến của Viện KSND H.Bình Chánh. Biên bản này có em trai bà Hương chứng kiến việc kê biên và ký biên bản”, bà Hường bức xúc.
“Hành vi của bà Hương là cố tình không thi hành án cho tôi. Đến nay, qua 5 năm mệt mỏi, tôi vẫn chưa nhận được số tiền được thi hành án vì cơ quan thi hành án phải làm lại các thủ tục kê biên, thẩm định tài sản, đấu giá…”, bà Hường nói.
Không khởi tố là tạo tiền lệ xấu
Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết yếu tố cấu thành của tội “vi phạm niêm phong, kê biên tài sản” chỉ cần “người nào được giao giữ tài sản bị kê biên, bị niêm phong nhưng có hành vi phá hủy niêm phong” là đã cấu thành tội phạm. “Việc làm tăng giá trị tài sản chỉ là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội, không phải là yếu tố để không xử lý hình sự. Cho dù hành vi này có làm tăng giá trị đến gấp nhiều lần thì việc cố ý phá niêm phong, kê biên đã xâm phạm, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan tư pháp, cụ thể là thi hành án, buộc cơ quan thi hành án phải định giá lại tài sản, kéo dài thời hạn thi hành án một cách không cần thiết”, ông Đức nói.
Theo luật sư Đức, nếu không khởi tố vụ án sẽ tạo tiền lệ xấu sau này và pháp luật bị coi thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.