Trông phạt không bằng trông vào ý thức

Kim Lan
Kim Lan
21/02/2021 05:51 GMT+7

Quy định hàng quán 'không phục vụ quá 30 khách cùng lúc' đã được TP.HCM đưa ra khi tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19 . Bạn đọc Báo Thanh Niên nhận xét 'trông phạt không bằng trông vào ý thức'.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau khi yêu cầu hàng quán tại TP.HCM từ ngày 9.2 “không phục vụ quá 30 khách cùng lúc”, đích thân Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Minh Đức đã đến tận các quán ăn, nhà hàng trong tối 18.2 “vừa để kiểm tra, vừa xem quy định này có sát với thực tế hay chưa”.

Ý thức chống dịch

Trong tối 18.2, ông Dương Minh Đức nói với PV Thanh Niên: “Nếu ngồi bàn giấy rồi ra các quyết sách đôi khi gây ra phản ứng ngược…”. Có lẽ chuyến “vi hành nhẹ nhàng” đã mang về nhiều “băn khoăn” từ chính các doanh nghiệp, cửa hàng, cơ sở đang kinh doanh ăn uống, giải khát trên địa bàn TP.HCM.

Đề nghị UBND TP.HCM cho lập fanpage tiếp nhận phản ánh lỗi vi phạm phòng chống dịch Covid-19 để người dân phản ánh trực tiếp.

Quan Nguyen

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Tấn Nghĩa nêu: “Thiết nghĩ nên điều chỉnh quy định theo hướng đảm bảo khoảng cách, diện tích tối thiểu cho một khách và số người ngồi tối đa trên một bàn ăn sẽ hợp lý hơn, vì có quán 10 m2, lại có quán 100 m2 thì sao?”. Tán thành, BĐ Hồng Nhung Thập Thất góp ý đến chính quyền TP.HCM rằng: “Chúng ta phòng dịch bằng 5K, trong đó điều kiện khoảng cách rất quan trọng. Cần làm sao để giữ khoảng cách tối thiểu an toàn, chứ sao chúng ta quy định số người tối đa được phép bán?”.

Mong lãnh đạo TP.HCM thường xuyên đi kiểm tra sau 22 giờ để chứng kiến người dân mất ngủ vì họ hát karaoke, mở nhạc ầm ĩ.    

Lê Hoài Nam

Trong thực tế, nhiều phường “vẫn chưa xử phạt được trường hợp nào phục vụ quá 30 người cùng lúc”. Phát biểu trên Thanh Niên, ông Phan Văn Thuận, Chủ tịch UBND P.17 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết: “Dù thường xuyên đi kiểm tra, nhưng lực lượng chức năng P.17 chưa lập được biên bản vi phạm hành chính với hành vi không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vì cứ thấy lực lượng chức năng là họ giải tán, quán dẹp vội vào, đóng cửa”.
“Đúng là trông phạt không bằng trông vào ý thức”, BĐ Nguyên Vũ nhận xét, vì suy cho cùng, rất nhiều hàng quán tại TP.HCM vẫn đang tuân thủ tốt quy định, khi chính họ mới là người chủ động nhất trong việc “đón hay không đón 30 khách cùng lúc”.

Sợ nhậu vào là “coi dịch bằng vung”

Đa số BĐ đều cho rằng thời điểm sau tết rất nhạy cảm trong công tác chống dịch vì người dân từ các địa phương đổ về thành phố làm việc. BĐ Thuy ủng hộ “chủ trương của TP.HCM là hợp lý vì mấy ông nhậu vài chai vào là... coi dịch bằng vung” nên câu chuyện ý thức của người dân phải được nhắc nhở liên tục, mới mang lại hiệu quả “vừa chống dịch, vừa kinh doanh, sản xuất”.

Thành phố làm quyết liệt nhưng nếu phường, quận lơ là thì chẳng thể ngăn được dịch. Những nhà hàng, quán nhậu mở cửa đón nhiều khách thì tổ dân phố, công an khu vực, phường, quận... có biết không? Biết sao không xử lý mà phải tới cấp thành phố xử lý?    

Văn Minh

Nhưng cũng có không ít băn khoăn như ý kiến của BĐ Khoang Khac khi lưu ý: “Ai cũng mong muốn hết dịch để cuộc sống ổn định trở lại. Nhưng nếu chủ quan để dịch bùng phát thì thật ra lợi bất cập hại”. Cũng có BĐ đề nghị giải pháp “đơn giản hơn là cấm luôn quán nhậu”. BĐ Ho Loi cho rằng: “Ai cũng khó khăn trong đại dịch. Tôi thấy vô lý khi tập gym thì cấm mà quán nhậu thì không”.
Không đồng ý với giải pháp “cấm ráo trọi”, BĐ Nguyễn Lộc phân tích: “Dịch không thể 1 năm 2 năm mà hết, vấn đề là chúng ta phòng chống thế nào... Nơi nào an toàn thì ta kinh doanh một cách khoa học, chứ mở miệng ra cấm cấm rồi đủ sức gồng bao lâu?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.