Trong mùa dịch Covid-19: Băn khoăn chế độ bảo hiểm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
09/04/2020 09:47 GMT+7

Khi hoạt động kinh doanh bị đình trệ do đại dịch, cũng là lúc doanh nghiệp lẫn người lao động quan tâm đến câu chuyện chế độ BHXH sẽ được “giải quyết” như thế nào.

Điều chỉnh kế hoạch thanh tra

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngừng hoặc hoạt động “cầm hơi” kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện kể từ sau tết nguyên đán đến nay. Vì thế, người lao động (NLĐ) cũng lâm cảnh nghỉ chờ việc, hoặc mất việc. Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng, cho biết trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Đà Nẵng, tạm tính đến cuối tháng 3 có trên 1.100 DN và gần 70.000 NLĐ bị ảnh hưởng. Riêng số NLĐ trong tháng 3 giảm khoảng 16.000 người so với cuối năm 2019.
Nhiều DN ngừng hoạt động tỏ ra lo ngại vì việc thực hiện BHXH cho NLĐ, nhất là những trường hợp DN nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên năm 2020 của BHXH TP.Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Hùng Anh, để gỡ khó cho DN, đơn vị sẽ chủ động xem xét giãn hoặc điều chỉnh việc thanh, kiểm tra cho phù hợp. Với DN tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, nếu không có dấu hiệu vi phạm thì sẽ không thanh tra chuyên ngành hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN…, cơ quan BHXH TP.Đà Nẵng vẫn sẽ thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định để đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Liên quan đến quy định nếu DN ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải trả lương cho NLĐ nhưng không được thấp hơn mức lương người tối thiểu vùng, BHXH TP.Đà Nẵng cho hay theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH, nếu dịch bệnh kéo dài thì DN và NLĐ có thể tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định. Trường hợp nếu NLĐ không được trả lương theo mức đã nêu, cần liên hệ với Sở LĐ-TB-XH TP để được hướng dẫn cụ thể.

Giải quyết cho người bị cách ly

Mới đây, tại chương trình đối thoại BHXH đồng hành cùng DN và NLĐ phòng, chống dịch Covid-19 do BHXH TP.Đà Nẵng tổ chức, ông Phạm Văn Kha (một người dân ở TP.Đà Nẵng) cho biết có tiếp xúc gần với người vừa bị cách ly do nghi nhiễm Covid-19. “Tôi tự nghỉ việc, cách ly ở nhà, vậy trường hợp của tôi có được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không?”, ông Kha hỏi.
Theo BHXH TP.Đà Nẵng, tại Điều 25 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau, đối với người bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh truyền nhiễm thì không phải là trường hợp ốm đau. Với trường hợp cụ thể của ông Kha, hiện không có trong quy định của Luật BHXH và chưa có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, nên không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Còn với trường hợp ông Hoàng Ngọc Khải (ở Đà Nẵng, có người thân hiện đang được cách ly vì nhiễm Covid-19), nếu đang tham gia BHXH thì hoàn toàn được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, căn cứ quy định tại Điều 25 vừa nêu. Cụ thể, người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí trị bệnh, người không tham gia BHYT được ngân sách nhà nước chi trả. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT vẫn sẽ được cơ quan BHXH chi trả 100%.
Theo BHXH TP.Đà Nẵng, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách Nhà nước chi trả. Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế… cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu (trừ chi phí đã được ngân sách Nhà nước chi trả).

Chấn chỉnh cán bộ bán BHYT gây phiền hà

UBND P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) vừa nhắc nhở, chấn chỉnh thái độ ứng xử của bà Lê Thị Thanh Trang, cán bộ phường kiêm đại lý BHYT. Theo bà Hà Thị Thanh Thoại (ngụ xã Hòa Phước, H.Hòa Vang) phản ánh, năm 2019 bà có mua BHYT hộ gia đình tại UBND P.Hòa Xuân cho cá nhân và 2 người thân; đến chiều 28.2 bà Thoại tiếp tục đến UBND P.Hòa Xuân mua BHYT năm 2020. Khi kê khai thông tin, bà Thoại chỉ nhớ mã thẻ BHYT của mình mà không nhớ 2 người thân còn lại nên nhờ bà Trang hỗ trợ tra cứu. Tuy nhiên, bà Trang không hỗ trợ và còn bảo “ở Hòa Phước thì về Hòa Phước mà mua”…
Theo UBND P.Hòa Xuân, trường hợp này không có tên trong sổ tạm trú ở P.Hòa Xuân nhưng cơ quan BHXH đã hướng dẫn: người dân mua BHYT không cần xuất trình hộ khẩu, chỉ cần cam kết trong tờ khai và nếu linh động vẫn có thể tạo điều kiện giải quyết.
Nguyễn Tú

Khi đi làm lại có được đóng tiếp BHXH?

Với các công ty gặp khó trong giai đoạn dịch bệnh và khuyến khích nhân viên xin thôi việc để được nhận BHTN, câu hỏi đặt ra là khi đi làm lại nhân viên có được đóng BHXH tiếp hay phải đóng lại từ đầu?Theo đại diện BHXH TP.Đà Nẵng, nhân viên sẽ đóng tiếp vào sổ BHXH đang có. Quá trình tham gia, BHTN được tính cộng dồn theo thời gian chưa hưởng. Hiện nay, Đà Nẵng chưa có văn bản hướng dẫn hỗ trợ chế độ cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hoàng Sơn 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.