Trịnh Xuân Thanh từng thoát tội tham ô tài sản

02/08/2017 06:26 GMT+7

Thời kỳ điều hành Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh từng bị cấp dưới khai trước tòa đã chỉ đạo bán rẻ hơn 12 triệu cổ phần với giá chênh lệch hàng chục tỉ đồng, bỏ túi riêng.

Sự việc này có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn tại dự án Thanh Hà Cienco 5 (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội). Vụ án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố từ tháng 4.2010 nhưng quá trình truy tố kéo dài đến tháng 6.2016 mới đưa ra xét xử sơ thẩm, tháng 3.2017 mới xử phúc thẩm.
Bị can Trịnh Xuân Thanh Ảnh: Hoàng Anh
Theo hồ sơ vụ án, Lê Hòa Bình (sinh năm 1954) là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần 1/5 (trụ sở tại TP.Hà Nội) và các thuộc cấp đã dùng bản hợp đồng bị hủy bỏ và bản đồ quy hoạch sử dụng đất ngoài luồng của dự án Thanh Hà Cienco 5 để bán hơn 80.000 m2 đất cho hơn 460 khách hàng, thu 789 tỉ đồng.
Trong số tiền lừa đảo nêu trên, ông Lê Hòa Bình đã sử dụng 264 tỉ đồng để mua cổ phần CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Giao dịch này có dấu hiệu bất chính dẫn đến việc một số lãnh đạo của CTCP điện lực dầu khí VN (PVP Land) bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bán rẻ cổ phần để chia nhau
Theo hồ sơ vụ án, CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương có 4 cổ đông sáng lập, trong đó PVP Land chiếm hơn 50% cổ phần. PVC có vốn góp gần 50% cổ phần tại PVP Land nên đã cử ông Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh làm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc PVP Land.
Từ năm 2010, do khó khăn về tài chính để triển khai một số dự án, trong đó có dự án Nam Đàn Plaza nên PVP Land có chủ trương thoái vốn. Thông qua người môi giới, Lê Hòa Bình đã tiếp xúc với các cổ đông sáng lập đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần của CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương.
Các bên đã thống nhất hợp đồng đặt cọc mua lại 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng/CP, tổng giá trị hơn 498 tỉ đồng, nếu quy đổi theo diện tích dự án Nam Đàn Plaza thì tương đương 52 triệu đồng/m2. Riêng việc mua lại cổ phần CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương từ PVP Land, giá thỏa thuận là 40 triệu đồng/m2, nhưng giá chuyển nhượng thể hiện trong hợp đồng chỉ là 13.700 đồng/CP, tương đương 34 triệu đồng/m2.
Sau khi bị khởi tố, bị can Đào Duy Phong khai đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch PVC Trịnh Xuân Thanh, theo đó giá bán trên thực tế là 40 triệu đồng/m2, còn trên hợp đồng là 35 triệu đồng/m2. Phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 rút ra để chia nhau.
Từ chỉ đạo của “sếp tổng”, Đào Duy Phong báo lại cho Nguyễn Ngọc Sinh biết để triển khai thực hiện. Sau đó, Nguyễn Ngọc Sinh đề nghị rút thêm 1 triệu đồng/m2 để lo các khoản chi phí khác. Ngày 2.4.2010, đại diện PVP Land, ông Nguyễn Ngọc Sinh đã ký hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần cho ông Lê Hòa Bình với giá 13.578 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza).
Tổng giá trị hợp đồng gần 192 tỉ đồng, giảm hơn 87 tỉ đồng trong thỏa thuận đặt cọc ban đầu. Lê Hòa Bình đã chuyển cho PVP Land 100 tỉ đồng, sau đó chuyển thêm 10 tỉ đồng cho Đào Duy Phong.
Tháng 9.2013, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt Lê Hòa Bình mức án chung thân, một số bị cáo đồng phạm của Lê Hòa Bình bị tuyên phạt 17 năm tù đến chung thân. Bị cáo Đào Duy Phong bị tuyên phạt 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Bỏ lọt tội phạm
Tháng 9.2014, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử do một số bị cáo trong vụ án kháng cáo. Kết quả, tòa phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại bởi “tòa sơ thẩm đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục và bổ sung được”.
HĐXX tòa phúc thẩm cho rằng, cấp sơ thẩm đã cơ bản xét xử đúng người, đúng tội với nhóm bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng nhóm bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn là chưa đúng và chưa đầy đủ.
Cụ thể, đối với việc chuyển nhượng cổ phần với giá rẻ, gây thiệt hại cho PVP Land hơn 87 tỉ đồng, các bị cáo trong vụ án khai nhận có trách nhiệm của ông Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng giám đốc PVP Land vì ông Sinh là người ký hợp đồng, cũng là người tự ý giảm giá chuyển nhượng cổ phần từ 35 triệu đồng/m2 xuống 34 triệu đồng/m2.
“Đây là lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và nhân chứng trong vụ án là chứng cứ đáng tin. Cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh là có căn cứ. Viện KSND tối cao không truy tố ông Sinh là bỏ lọt người phạm tội”, bản án phúc thẩm của TAND tối cao nêu rõ.
Được biết trong quá trình điều tra, truy tố lại, các cơ quan tố tụng cho rằng không tìm thấy dấu hiệu Nguyễn Ngọc Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá rẻ nhằm mục đích chia nhau nên tháng 6.2012, Viện KSND tối cao đã đình chỉ điều tra đối với bị can này. Việc Nguyễn Ngọc Sinh được đình chỉ điều tra dẫn đến lời khai trước đây liên quan đến Trịnh Xuân Thanh không còn giá trị.
Trong các ngày 21 - 23.6.2016, TAND TP.Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. HĐXX đã tuyên phạt Lê Hòa Bình án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Bị cáo Đào Duy Phong bị tuyên phạt 6 năm tù về lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, 3 bị cáo khác bị tuyên phạt các mức án từ 5 năm đến chung thân.

tin liên quan

Ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú
Sau gần 1 năm bỏ trốn ngày 31.7, ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí thuộc Tập đoàn dầu khí VN đã ra đầu thú tại Bộ Công an.
Tuy nhiên đến tháng 3.2017, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án này đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội tham ô tài sản liên quan đến hành vi của Trịnh Xuân Thanh cùng với 6 người khác, trong số này có cả Nguyễn Ngọc Sinh, là người đã từng được đình chỉ điều tra.
Để đưa ra quyết định khởi tố trên, HĐXX tòa cấp cao tại Hà Nội đã căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại tòa và hồ sơ vụ án: “Có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong - đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại CTCP dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông để hưởng khoản tiền chênh lệch”, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Những lắt léo trong vụ án này chắc chắn sẽ được làm sáng tỏ, khi ngày 31.7, Trịnh Xuân Thanh đã bất ngờ đến đầu thú tại Bộ Công an.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.