Triều cường gây ngập ở TP.HCM và ĐBSCL

20/10/2018 07:00 GMT+7

Nhiều nơi trũng thấp ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long và vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị ngập sâu gần xấp xỉ đợt triều cường vừa qua.

[VIDEO] Cuộc sống khốn khổ ngày vỡ đê của người dân Cần Thơ
* Đề phòng sâu bệnh trên cây tiêu, điều
Trong tuần từ 20.10, thời tiết xấu dồn xuống các tỉnh miền Nam do chịu ảnh hưởng rãnh áp thấp đi ngang qua Nam bộ hoạt động mạnh nối với một vùng áp thấp từ ngoài khơi vùng biển phía nam, di chuyển vào gây mưa trên hầu hết khu vực Nam bộ từ trưa đến chiều tối, có lúc mưa đêm. Vùng ven biển Cà Mau - Kiên Giang, miền Đông và TP.HCM có nơi mưa to, đề phòng giông sét, lốc xoáy, gió giật mạnh.
Qua tuần sau, rãnh thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm xuống phía nam. Do nhiều mây và mưa nên nhiệt độ Nam bộ cao nhất 29 - 320C, ban đêm trời se se lạnh với nhiệt độ thấp nhất 23 - 250C, độ ẩm cao từ 90 - 100%, nắng yếu, do vậy sương mù có lúc xuất hiện khá nhiều và kéo dài đến trưa chiều.
Đáng lưu ý là trên rãnh thấp có các nhiễu động khác khả năng phát triển và mạnh trong những ngày gần cuối tháng 10, gây thời tiết xấu trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có lốc xoáy, gió giật mạnh, biển động.
Miền Bắc mưa ở các tỉnh duyên hải phía đông sẽ giảm dần từ chủ nhật đến thứ hai, sau đó sẽ có một đợt không khí lạnh cường độ trung bình tràn về, đẩy rãnh áp thấp xuống miền Bắc nên thứ ba (23.10) và thứ tư mưa tăng trở lại, có giông, đề phòng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gần cuối tuần, thời tiết đẹp, mây tan và nắng nhẹ.
Cuối tuần, bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đề phòng mưa to có thể xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Miền Trung mưa sẽ nhiều hơn trong tuần sau khi không khí lạnh tràn về và các nhiễu động gió đông từ biển vào, mưa chiều và đêm, trời nhiều mây, se lạnh đêm về sáng và sương mù khá nhiều. Đợt mưa này ít khả năng sinh lũ do lượng mưa không lớn, ở vùng núi miền Trung và nam Trung bộ có nơi mưa vừa, mưa to.
Đối với Nam bộ, mực nước triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn sẽ lên nhanh trong tuần tới, đỉnh triều lớn nhất khả năng xuất hiện vào những ngày thứ sáu, thứ bảy (26, 27.10) từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ, vượt mức báo động 3 từ 5 - 10 cm hoặc hơn. Do vậy, nhiều nơi trũng thấp ở TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long và vùng ven biển ĐBSCL sẽ bị ngập sâu gần xấp xỉ đợt triều cường vừa qua.
Thời tiết khá bất lợi ở miền Trung và Nam bộ do thiếu nắng thừa ẩm và có gió chướng. Trong tuần tới, đáng lưu ý là sâu bệnh trên các vùng trồng tiêu, điều làm nguyên liệu xuất khẩu. Bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu có xu hướng lan rộng, cần phòng bệnh định kỳ, kết hợp phun phủ trụ và trừ rệp sáp gốc và rễ. Theo dõi và phòng trị bệnh bọ xít muỗi và thán thư trên cây điều, chuẩn bị cho đợt ra hoa sắp tới trong tháng 11 - 12. Miền Trung đang vào cao điểm mùa mưa lũ, cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu, rầy lưng trắng có thể gây hại trên lúa vụ 3, lúa mùa đang trong giai đoạn ngậm sữa, chín; sương mù nhiều trong điều kiện mưa ẩm tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa mùa ở Ninh Thuận, Bình Thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.