Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 toàn quốc

Liên Châu
Liên Châu
10/07/2021 06:07 GMT+7

Sáng nay (10.7), Bộ Y tế dự kiến tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 toàn quốc năm 2021 - 2022, được triển khai từ tháng 7.2021 - 4.2022 tại tất cả cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến.

Việt Nam phấn đấu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022, có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân phải được tiêm vắc xin Covid-19. Sử dụng vắc xin Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng chống dịch chủ động. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong năm 2021. Tới hết quý 1/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Sáng 10.7: Thêm 598 ca Covid-19, TP.HCM chiếm tới 520 ca

Hơn 18.000 điểm tiêm

Bộ Y tế cho biết 2 nhóm đối tượng ưu tiên (gồm các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, các nhóm theo khuyến cáo của nhà sản xuất và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế).
Chiến dịch sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm: tỉnh/thành đang có dịch (trong đó sẽ ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch); các tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh/thành có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh/thành có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Theo Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai ngay từ tháng 7 này với khoảng 8,7 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiếp nhận. Hơn 18.000 điểm tiêm trên cả nước bao gồm tiêm chủng lưu động sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, quỹ vắc xin Covid-19 và nguồn viện trợ. Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch trực 24/24 và thiết lập các tiểu ban về giám sát chất lượng, phản ứng sau tiêm... đảm bảo tối đa về an toàn tiêm chủng.

Sáng 10.7: TP.HCM thêm 520 ca Covid-19, ghi nhận 11.134 bệnh nhân

Cấp phép nhập 5 triệu
liều vắc xin Sinopharm

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (TP.HCM), đồng ý công ty này nhập khẩu vắc xin Covid-19 Vaccine (Vero Cell) Inactivated (tên khác là SARS-COV-2 Vaccine (Vero Cell) Inactivated) hay còn gọi là vắc xin Sinopharm, với số lượng 5 triệu liều của nhà sản xuất: Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc).
Duy Tính

Ưu tiên tiêm đủ liều cho tuyến đầu ở TP.HCM

Theo Bộ Y tế, tại TP.HCM, do tác nhân gây bệnh là chủng Delta của SARS-CoV-2 có đặc tính lây nhiễm mạnh, nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%.
Để nhanh chóng thực hiện được số lượng lớn các mẫu xét nghiệm tại TP.HCM, Bộ Y tế đã tăng cường nhân lực lấy mẫu và chuyên gia xét nghiệm. Theo đó, tại các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu) trong đó khu vực nguy cơ rất cao được tầm soát với tần suất 3 ngày/lần. Với các khu vực nguy cơ cao thực hiện ít nhất 1 tuần/lần; đối với các khu vực nguy cơ, sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.

Bản tin Covid-19 ngày 9.7: Cả nước thêm 1.625 ca, TP.HCM nâng biện pháp chống dịch lên mức cao nhất

Về tiêm vắc xin Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo, thành phố ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổ chức tiêm chủng tại nhiều điểm tiêm bao gồm các điểm tiêm cố định và lưu động; thực hiện tổ chức tiêm giãn cách theo khung giờ trên nguyên tắc hạn chế tối đa người dân ra ngoài và tập trung tại một địa điểm; yêu cầu người đi tiêm chủng thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.