Trên quê hương những người hùng Đồng khởi

16/01/2020 09:00 GMT+7

Cuộc Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng đầu tiên của cách mạng miền Nam.

60 năm đã trôi qua nhưng ý chí tự cường trong nhân dân và những bài học kinh nghiệm từ phương thức “3 mũi giáp công: chính trị - binh vận - vũ trang” vẫn còn nguyên vẹn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm tháng không thể nào quên

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, vào lúc 8 giờ ngày 17.1.1960, tiếng súng diệt tên Đội Tý - Chỉ huy Tổng đoàn dân vệ ác ôn tại xã Định Thủy (H.Mỏ Cày, Bến Tre) nổ ra và nhanh như vũ bão, lực lượng ta giải phóng được các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (H.Mỏ Cày Nam), mở màn cho cuộc Đồng khởi lịch sử. Hàng chục ngàn người dân xuống đường, vũ trang giáo mác, nổi trống mõ, diệt ác ôn, chiếm đồn địch… trở thành phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Nam.
Sau những đòn phản kích riêng lẻ không hiệu quả, sáng 25.3.1960, địch mở chiến dịch phản kích quy mô lớn với tên gọi “Bình trị Kiến Hòa”, huy động gần 10.000 quân, có xe tăng, máy bay, tàu chiến phối hợp, bao vây 3 xã hạt nhân Đồng khởi. Ban lãnh đạo Phong trào Đồng khởi triển khai phương thức chỉ đạo ém quân, không chủ động tác chiến lớn, chỉ dùng lực lượng nhỏ và vũ khí thô sơ để ngăn không cho địch tiến vào các lõm căn cứ. Nhờ thế trận đã được chuẩn bị, triển khai từ trước, lại được nhân dân tại chỗ hết lòng che chở, đùm bọc, các đơn vị vũ trang chẳng những tránh được mũi nhọn càn quét của địch mà còn chủ động đánh chặn, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đặc biệt, tổ chức cuộc “tản cư ngược” ra TT.Mỏ Cày với quy mô hơn 5.000 phụ nữ, đấu tranh đòi địch chấm dứt càn quét. Chính quyền địch ở cơ sở lúng túng, hoảng sợ, liên tục gọi điện lên cấp trên đề nghị rút quân. Ngày 12.4.1960, đại tá Nguyễn Văn Y của chính quyền Ngô Đình Diệm từ Sài Gòn xuống ra lệnh rút quân khỏi ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Danh hiệu “Đội quân tóc dài” ra đời và nổi tiếng từ đây, báo hiệu mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam do phụ nữ làm nòng cốt.
Đại tá Phan Văn Thậm (87 tuổi), nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre - nhân chứng lịch sử trong phong trào Đồng khởi năm 1960, kể: “Năm 1958, tôi làm nhiệm vụ nội tuyến dân vệ Ðồng khởi đợt 1. Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1959, địch đàn áp khốc liệt, bắn giết, bỏ tù cán bộ và những người dân yêu nước, triệt phá nhiều cơ sở cách mạng. Ngày 17.1.1960, tôi được sự chỉ đạo của cấp trên tham gia phong trào Đồng khởi ngay công sở đóng tại ấp Thanh Thủy (xã Định Thủy), chúng tôi nhanh chóng chiếm đóng công sở, kêu gọi tiểu đội dân vệ đầu hàng, thu 12 khẩu súng. Đêm đó, hàng ngàn đồng bào trương băng cờ, đốt đuốc họp mít tinh mừng thắng lợi”.
Còn cán bộ lão thành cách mạng Lê Thị Phú (89 tuổi) kể rằng thời điểm nổ ra cuộc Đồng khởi, bà là một trong số những đảng viên ở H.Bình Đại lãnh đạo nhân dân vùng lên đánh đồn địch, tiêu diệt và bắt sống những tên ác ôn… Tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều ủng hộ. Ở những thời điểm khó khăn nhất, quân ta được nhân dân che chở, giúp đỡ đánh chiếm nội ô, tạo một đòn hiểm trúng huyệt cả Mỹ - Ngụy.
Sinh thời, đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, khẳng định: “Mô hình Đồng khởi năm 1960 là mô hình hoàn chỉnh của cuộc khởi nghĩa toàn dân nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam bộ nổi dậy chống Mỹ cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương Đồng khởi. Phong trào Đồng khởi Bến Tre đi vào lịch sử như ngọn cờ đầu, có vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam nói riêng và cả nước nói chung”.

Ảnh tư liệu về Phong trào Đồng khởi 1960

Ðồng khởi trong thời bình

Ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết Tỉnh ủy Bến Tre đã đúc rút được 4 bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Phong trào Đồng khởi năm 1960. Đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; trong thực hiện mọi nhiệm vụ phải đánh giá đúng tình hình thực tế, chọn thời cơ chín muồi, hành động trong thế chủ động; dựa vào, phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân, sáng tạo độc đáo và vận dụng nhuần nhuyễn phương châm, chiến lược đã định và chủ động tạo ra thời cơ mới; tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đông đảo chị em tham gia các mặt công tác.
Từ đó sau Giải phóng đến nay, các cao trào “Đồng khởi mới” liên tục được Tỉnh ủy Bến Tre phát động, thi đua trong công cuộc đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2015-2020 ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU phát động đẩy mạnh phong trào thi đua Đồng khởi mới với tinh thần “Ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua”. Tỉnh ủy cũng đề ra nhiều chương trình như Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp thoát nghèo, làm giàu; Đồng khởi khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp. Đồng khởi mới với phương châm “Đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội” để đưa Bến Tre vượt qua nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và phấn đấu đạt mức trung bình của cả nước trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, khẳng định trong thời gian tới sẽ quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và có hiệu quả phong trào thi đua “Ðồng khởi mới” gắn với các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động với tinh thần “ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua” để tạo xung lực chính trị mới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và toàn diện. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá cụ thể với tinh thần “Đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt” trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời đưa nội dung thi đua “Ðồng khởi mới” vào tiêu chí thi đua của tỉnh để xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Các cấp ủy trực thuộc, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và thủ trưởng các sở, ngành tỉnh đưa vào báo cáo chính trị trình đại hội nhiệm kỳ (2020-2025) để lãnh đạo tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Ðồng khởi mới”.
Kết quả ấn tượng từ phong trào “Đồng khởi mới”
Qua 5 năm thực hiện phong trào “Đồng khởi mới”, TP.Bến Tre được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh; 3 thị trấn: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày được công nhận đô thị loại IV; 49 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Diện mạo “tam nông” được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên; công tác cải cách hành chính tại địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được kết quả ban đầu quan trọng.
Tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 7,39%; thu nhập bình quân đầu người từ 27 triệu đồng năm 2015 tăng lên 38,9 triệu đồng năm 2019. Hộ nghèo giảm còn 5,3%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.