Trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em

Thu Hằng
Thu Hằng
11/09/2018 16:28 GMT+7

Tình hình mua bán người tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Qua điều tra, rà soát của cơ quan chức năng, có trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em, trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số.

Đây thông tin Bộ LĐ-TB-XH đưa ra tại hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”, do Bộ này phối hợp với Tổ chức Di cư thế giới tổ chức sáng nay, 11.9.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, tình hình mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, tình trạng mua bán người có chiều hướng gia tăng. “Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt như lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường phổ thông, đại học; thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, đi làm thuê thu nhập cao, xuất khẩu lao động với chi phí thấp, rồi lừa bán các nạn nhân làm vợ, đẻ thuê, ép buộc làm mại dâm, cưỡng bức lao động…”, bà Hà cho biết.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến hết năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Qua điều tra, rà soát cho thấy, trên 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em; trên 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm; 37,2% không biết chữ và khoảng 6,8% nạn nhân là người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Trên 98% nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, trong đó chủ yếu sang Trung Quốc (trên 90%).
Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục (gần 80%).
100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận đã được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; 50% (khoảng trên 3.500 nạn nhân) được ngành LĐ-TB-XH thực hiện các chế độ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định. Tuy nhiên, theo bà Hà, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong thực tế, đã nảy sinh những bất cập về cơ chế, chính sách, dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận, đề xuất một số giải pháp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, đề nghị cần có quy định cụ thể từng dạng đối tượng được hỗ trợ và dịch vụ hỗ trợ cho từng đối tượng; miễn phí trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán; chuẩn hóa các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại các trung tâm xã hội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.