Trên 90% cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản phạm luật môi trường

15/08/2012 16:10 GMT+7

(TNO) Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của Quốc hội (QH) nhận định vi phạm pháp luật về môi trường trong khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản đang diễn ra đáng lo ngại.

>> Công ty Trung Quốc tận thu khoáng sản
>> Hết phép vẫn tận thu khoáng sản
>> Tổng kiểm tra việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng
>> Tăng trách nhiệm cá nhân trong khai thác khoáng sản
>> Cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan

Chiều nay 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã nghe Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường của QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu từ Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm (Báo cáo số 2577 ngày 2.7.2012) cho thấy trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo nhận định của cơ quan thẩm tra, vi phạm pháp luật về môi trường trong khai thác, kinh doanh, chế biến khoáng sản đang diễn ra đáng lo ngại.

“Môi trường lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản đang bị ô nhiễm, làm nhiều người bị bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Môi trường ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi mỏ mà còn đang tác động không nhỏ đến một bộ phận rất lớn người dân sinh sống trong khu vực”, cơ quan thẩm tra dẫn chứng.

Từ năm 2007 đến tháng 7.2012,  lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỉ đồng.

Vi phạm pháp luật về lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ lệ cao, song theo báo cáo, công tác thanh kiểm tra, giám sát tổn thất khoáng sản và BVMT còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn tới việc các doanh nghiệp khai khoáng nhỏ có xu hướng tận thu tài nguyên, giảm tối đa các khoản chi, nâng tối đa lợi nhuận, do đó chưa thực sự giúp cho ngành khai khoáng phát triển bền vững.

Nạn khai thác không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than… chưa được ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa triệt để.

Đặc biệt, công tác theo dõi thông tin tổn thất, làm nghèo khoáng sản trong quá trình khai thác; biến động chất lượng, trữ lượng khoáng sản khi khai thác; công tác lập bản đồ, mặt cắt hiện trạng khai thác mỏ theo quy định của pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa được thực hiện tốt.

Có 9 nguyên nhân tồn tại, yếu kém được cơ quan thẩm tra chỉ ra trong báo cáo giám sát, trong đó có nguyên nhân việc phân cấp mạnh về quản lý, khai thác khoáng sản chưa gắn chặt chẽ với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của cơ quan cấp phép và chế tài xử lý các vi phạm đã khiến cho tình trạng cấp phép tràn lan, thất thoát tài nguyên, thậm chí không theo quy hoạch, trái pháp luật.

“Ở một số địa phương còn có tình trạng cấp phép cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực theo quy định, khai thác chưa có hồ sơ thiết kế mỏ; có nhiều trường hợp cấp phép cho cả những nhà đầu tư trái nghề, không đủ năng lực chuyên môn và tài chính. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện biến chất đã lợi dụng chức quyền và khe hở pháp luật trong cấp phép”, báo cáo nêu.

Từ kết quả giám sát này, Ủy ban Khoa học Công nghệ - Môi trường kiến nghị Ủy ban TVQH ra nghị quyết về “Kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường” với một quyết tâm chính trị lớn cùng với những giải pháp mạnh mẽ để nhanh chóng chấn chỉnh những bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT, đưa hoạt động này đóng góp thiết thực phục vụ đất nước.

Cơ quan thẩm tra đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị đối với Chính phủ và các cơ quan liên quan, từ việc khẩn trương xây dựng dự án luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với chất lượng cao để trình QH. Sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản… đến việc quy định giá khoáng sản theo cơ chế thị trường.

Theo đó, buộc doanh nghiệp phải quản trị chặt chẽ chi phí, sản lượng và chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động khai khoáng; khắc phục các tiêu cực do chênh lệch giá gây ra, nhất là việc xuất khẩu lậu, hoặc lợi dụng giá rẻ để sử dụng công nghệ lạc hậu; từ đó buộc khâu tiêu dùng sản phẩm khoáng sản phải sử dụng tiết kiệm.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.