Tranh luận việc phong tướng cho giám đốc công an tỉnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/06/2018 07:45 GMT+7

Các quy định tại dự thảo luật Công an nhân dân về vị trí có hàm cấp tướng trong lực lượng công an, đặc biệt là phong hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an các tỉnh, TP, là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1, thu hút khá nhiều ý kiến trong phiên Quốc hội thảo luận ngày 14.6.

Thời bình mà sao phong tướng nhiều thế ?
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay việc phong hàm cấp tướng đã và đang triển khai theo quy định nhưng dư luận xã hội vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí, có ý kiến đặt vấn đề, tại sao trong thời bình mà sao chúng ta phong nhiều tướng đến thế. “Có những lúc chúng ta phong hàm quá nhanh, nhiều người được phong hàm trong một năm, nhưng chất lượng của đội ngũ tướng lĩnh là vấn đề cần suy nghĩ. Cử tri đã và đang băn khoăn vì một số cán bộ tướng lĩnh vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua”, ông Tạo nêu.
Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an các tỉnh, TP loại 1 như nêu trong dự thảo luật có thể tạo ra độ vênh giữa lực lượng công an và quân đội, khi giám đốc công an là thiếu tướng còn chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh thì cấp hàm cao nhất chỉ là đại tá. “Nếu có sự cố, tình huống chiến tranh xảy ra thì chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh sẽ là nhân sự chỉ huy chung, lực lượng công an chỉ tham gia phối hợp. Như vậy, người có cấp hàm thấp hơn lại chỉ huy người có cấp hàm cao hơn”, ông Tạo băn khoăn.
Không đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng hiện nay giám đốc công an tỉnh và cục trưởng đều được quy hoạch và đề bạt trực tiếp lên làm thứ trưởng. Do đó, nếu cấp hàm của 2 vị trí này vênh nhau quá lớn sẽ khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về chế độ chính sách. Bên cạnh đó, theo ĐB là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thực tiễn công việc của công an các tỉnh, TP loại 1 hiện rất nặng nề, quân số hiện phổ biến từ 4.000 - 5.000 người và sắp tới 80% lực lượng công an sẽ chuyển về cấp tỉnh theo phương châm bộ tinh, tỉnh mạnh thì quân số sẽ còn tăng lên nhiều.
Về lo lắng sẽ có sự vênh giữa công an và quân đội, ĐB Cầu cho rằng theo mô hình mới, công an được tổ chức theo 4 cấp hành chính từ T.Ư, tỉnh, huyện, xã chứ không có các cấp trung gian quân chủng, binh chủng, quân khu như quân đội. “Đây là một đặc điểm khác biệt giữa công an và quân đội trong tổ chức lực lượng, cần phải lưu ý để thực hiện chế độ. Còn khi chiến tranh xảy ra, ai là người được giao nhiệm vụ chỉ huy thì người đó là cấp trên, mọi người phải chấp hành mệnh lệnh”, ĐB Cầu nêu.
Cần tính kỹ lộ trình đưa công an chính quy về xã
Một vấn đề khác nhận được nhiều tranh luận là quy định chính quy hóa lực lượng công an xã. Theo đó, Bộ Công an sẽ điều động 25.000 công an chính quy cấp trên về xã đảm trách nhiệm vụ của công an xã hiện nay.
Hầu hết các ĐB đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương chính quy hóa lực lượng công an xã nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp tại cơ sở hiện nay. ĐB Hoàng Thu Trang (Nghệ An) nêu, các quy định hiện hành đang giao cho công an xã rất nhiều thẩm quyền, thậm chí có cả quyền tạm giữ người và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, hiện tiêu chuẩn về trình độ học vấn để tuyển chọn công an xã khá thấp. Điều này đã dẫn tới nhiều bất cập, khiến thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng tới uy tín của nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lộ trình từng bước chính quy hóa lực lượng công an xã, tránh xáo trộn và làm ảnh hưởng tới lực lượng công an xã đang hoạt động hiện nay. ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) băn khoăn: “Trong báo cáo đánh giá tác động không tổng kết sẽ có bao nhiêu công an viên tại các xã, phường, thị trấn được thay thế bằng lực lượng chính quy. Một câu hỏi lớn đặt ra là lực lượng này sẽ giải quyết công ăn việc làm và ổn định về mặt tổ chức như thế nào?”. Bên cạnh đó, theo ông Hồng, vấn đề xử lý mối quan hệ giữa lực lượng chính quy được điều động về xã với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, mối quan hệ giữa trưởng công an xã với trưởng ban chỉ huy quân sự xã, rồi giải quyết chỗ ăn ở với lực lượng này cũng đều là những vấn đề cần phải giải quyết...
Chính thức hợp pháp hóa đặt cược thể thao
Cũng trong ngày 14.6, với 93,48% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thể dục thể thao. Theo đó, đặt cược thể thao chính thức được đưa vào luật. Cụ thể, luật bổ sung điều 68a về đặt cược thể thao, trong đó nêu rõ đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Luật cũng quy định các nguyên tắc của việc kinh doanh đặt cược thể thao, trong đó nêu rõ đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao. Ngoài ra, luật cũng quy định giao Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.