Tranh luận về... quyền im lặng

28/05/2015 06:03 GMT+7

Các điều 41, 42 và 43 của dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cho phép người bị tạm giam, bị can, bị cáo... có quyền im lặng , không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội. Tại phiên thảo luận hôm qua, đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề này.

Các điều 41, 42 và 43 của dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cho phép người bị tạm giam, bị can, bị cáo... có quyền im lặng, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội. Tại phiên thảo luận hôm qua, đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuyên phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Trịnh Xuyên phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN
Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa, nêu ý kiến: “Các bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ, quyền được trình bày những ý kiến, hành vi của mình, chứng minh mình không phạm tội và có trách nhiệm giải thích chứ nếu im lặng là không có lý”.
“Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao... Có những vụ đánh người gây thương tích như thế mà im lặng không trình bày thì không được”, đại biểu (ĐB) Xuyên nói.
Không thực hiện là “hạ thấp quyền của người dân với quốc tế”
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Đỗ Văn Đương cho rằng: “Bộ luật này đưa ra nhiều điều luật mới tưởng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm. Thứ nhất, mấy việc oan sai rất ít mà sửa luật làm khó cho cơ quan tố tụng. Luật quy định quyền im lặng của người phạm tội, theo tôi, không đúng”.
“Trong luật của nước Mỹ, quyền im lặng là khi chưa có người bào chữa thì anh có quyền im lặng nhưng họ có chế định mặc cả thú tội. Nếu bảo công khai sẽ bất lợi cho chính người phạm tội vì không có luật sư bào chữa cho họ. Chứ không phải sửa trong dự thảo luật của ta là không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội ngầm hiểu là không khai báo gì cả. Rất nguy hiểm”, ông Đương lập luận.
Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao
Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa
Trái ngược quan điểm trên, luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) nói: “Chúng ta đang muốn chuyển đổi lối tư duy làm việc từ bản cung sang chứng cứ. Các vụ án gây bức xúc gần đây như vụ Hồ Duy Hải, Lê Bá Mai cho thấy có những sai phạm trong công tác điều tra, trong đó có việc không coi trọng chứng cứ mà tập trung nhiều vào lời khai”.
“Chuyện trọng chứng hơn cung mấy chục năm nhưng khi làm lại có xu hướng đi vào cung hơn là chứng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông, quyền không khai báo đã nằm trong Công ước quốc tế và các nước trong khu vực đã làm. “Mình không thực hiện quyền này là hạ thấp chuẩn mực của tố tụng hình sự, hạ thấp quyền của người dân với quốc tế”, ông nói thêm.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, giải thích thêm: “Thực chất của quyền im lặng nghĩa là người bị buộc tội, bị can, bị cáo có quyền tự do khai báo. Họ thấy cái gì cần khai báo thì khai báo, những gì bất lợi cho mình thì có quyền không khai báo”.
Dẫn lại vụ án, có ông giáo sư đại học bị cơ quan điều tra dọa: nếu anh không nhận tội thì chúng tôi sẽ bắt giam cả anh và bố anh khiến vị giáo sư phải nhận tội nhưng sau đó chứng minh được là ông bị oan (vụ án 2.000 ngày), ông Độ khẳng định: “Công dân có quyền im lặng, còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan buộc tội, là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước muốn buộc tội thì nhà nước phải chứng minh”.
Không ghi âm, ghi hình làm sao kiểm soát được
Điều 74, dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định phải ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, xét hỏi. ĐB Lưu Văn Thành (Hải Phòng) đồng ý: “Quy định này là một bước tiến để chống bức cung, nhục hình. Hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng. Nên bắt buộc ghi âm, ghi hình trong toàn bộ các vụ án”.
Nhưng Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu nói: “Không nên quy định bắt buộc như vậy bởi nó không cần thiết với tất cả các trường hợp”. “Nhiều vụ đối tượng bị bắt quả tang, nhận tội rồi thì không cần thiết. Hơn nữa, trong thực tế, ta cũng không đủ điều kiện. Huyện nào cũng đòi trang bị camera, ghi âm thì không đủ”, ông Hiếu nói.
Tương tự, ĐB Đỗ Văn Đương nêu quan điểm: “Dự thảo nói ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp là lý tưởng hóa. Ghi âm ghi hình để làm gì, ai là người ghi âm, ghi hình? Nếu chính điều tra viên thì họ không dại gì họ ghi lúc họ bức cung. Cùng với đó phải lập biên bản mới có giá trị pháp lý. Quy định như thế rất nguy hiểm, rất sai, tốn kém ngân sách, rườm rà không cần thiết... Đây là vấn đề giám sát, không thể vì vài vụ bức cung nhục hình mà phải ghi âm ghi hình”, ĐB Đương nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Minh Thông phản bác: “Qua giám sát của Ủy ban Tư pháp, cho thấy có tình trạng bức cung, nhục hình nên nếu không ghi âm, ghi hình làm sao kiểm soát được. Ta cứ ghi đàng hoàng, không ngại gì cả. Tôi nghĩ là làm được mà chính người thẩm vấn cũng yên tâm”. “Chỉ xem khả năng đầu tư của chúng ta thôi. Chưa làm được thì ta quy định mức độ. Tôi cho rằng sắp tới, tăng cường giám sát việc xử lý các trường hợp oan sai thì càng thấy sự cần thiết phải ghi âm ghi hình”, ông Thông bày tỏ quan điểm.
Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ đồng ý: “Đất nước ta khó khăn nhưng không phải vì thế không đảm bảo quyền con người được”. Theo ông Bộ, nên bổ sung thêm cho cả luật sư tham gia phiên tòa cũng được ghi âm, ghi hình chứ không chỉ giao cho cơ quan công an.
ĐB Trần Văn Độ bổ sung thêm: “Đầu tư cho ghi âm ghi hình không có gì khó. Một cơ sở giam giữ bố trí một phòng có ghi âm ghi hình để lấy lời khai sẽ bảo đảm sự khách quan, chống bức cung nhục hình”.
Không nên giao quyền điều tra cho cơ quan thuế, kiểm ngư...
ĐB Lê Nam, Phó trưởng đoàn QH tỉnh Thanh Hóa tỏ ra đồng tình quan điểm của ban soạn thảo về việc mở thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, lực lượng kiểm ngư. “Trên thế giới, các nước họ đều có lực lượng chuyên trách đấu tranh. Ở VN, tình trạng trốn lậu thuế ngày càng nghiêm trọng. Nếu không tăng cường biện pháp, trốn thuế lớn, ngân sách rất gay go”, ông nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Văn Hiếu không đồng tình: “Tôi nghĩ, không cần thiết vì có việc gì, các cơ quan này có thể trao đổi, báo ngay với cơ quan điều tra. Cái chính là điều tra cũng phải có nghề, phải học, nếu không rất dễ làm sai”. “Xu hướng là phải chuyên sâu chứ không phải giao thêm. Không nên giao vì thực tế các cơ quan này không làm được”, ĐB Xuyên bổ sung. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cũng thêm: “Không thể ngành nào cũng bảo là tôi được điều tra vì điều này không phù hợp nhu cầu thực tiễn. Các cơ quan này không có đặc thù gì mà phải giao thêm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.