Tranh luận về đề xuất giám đốc công an tỉnh mang hàm cấp tướng

08/06/2018 04:53 GMT+7

Dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ Quốc hội chiều 7.6 khi đưa ra nhiều đề xuất mới so với luật hiện hành.

Phong tướng cho giám đốc công an 63 tỉnh cũng không vượt trần
Một đề xuất mới nhận được nhiều quan tâm nhất của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đề nghị cấp hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1. ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) không đồng tình với đề xuất này vì cho rằng, việc phong hàm tướng cho giám đốc công an cấp tỉnh chỉ nên thực hiện ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, còn các tỉnh khác thì chỉ nên dừng ở cấp đại tá, như vậy mới có sự tương ứng với cấp hàm trong lực lượng quân đội. Nếu không có sự đồng bộ thì quân đội sẽ băn khoăn.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng cần nghiên cứu thêm. Bởi lẽ, việc phân loại đơn vị hành chính loại 1 chỉ căn cứ vào quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính trực thuộc chứ không căn cứ trên tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Nhiều tỉnh, thành không phải loại 1 nhưng tình hình an ninh lại phức tạp hơn. Từ đó, bà Xuân đề xuất quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng với toàn bộ giám đốc công an các tỉnh, thành trên cả nước.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, có nhiều cử tri phản ánh cần phải cân nhắc số lượng tướng, nhất là vị trí phong tướng vì người dân quan niệm là tướng thì phải cầm quân. “Giờ một số vị trí làm công tác tham mưu, công tác khám chữa bệnh, công tác khoa học, nghệ thuật, kinh tế thì quy định cấp tướng có phù hợp không?”, bà Lê Thị Nga nêu.
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trước đây, các ĐBQH cứ nói sao mà nhiều tướng thế, tuy nhiên, Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong Công an nhân dân (CAND) là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá. Ông Lâm cho rằng, sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 cục, nên nếu bố trí tất cả các cục trưởng và giám đốc công an 63 tỉnh, thành quân hàm cấp tướng thì tổng số cũng mới trên 120, cộng thêm 7 lãnh đạo bộ có hàm cấp tướng thì cũng chưa tới 200”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi trong điều hành thực tế vì cục trưởng và giám đốc công an tỉnh tương đương nhau về hành chính. Bộ Công an quy hoạch số này là thứ trưởng. Vì thế, nếu giám đốc công an tỉnh chỉ là đại tá thì khi được đề bạt làm thứ trưởng sẽ không thể có thượng tướng.
Cần làm rõ tiêu chí của Cục đặc biệt
Một trong những điểm mới của dự thảo luật CAND sửa đổi là bổ sung quy định về Cục đặc biệt bên cạnh việc không tổ chức cấp tổng cục như trước đây theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Theo đó, dự thảo đề xuất Cục trưởng Cục đặc biệt sẽ trần quân hàm là trung tướng và Chính phủ sẽ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và quy định Cục đặc biệt thuộc Bộ Công an.
Bày tỏ băn khoăn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đặt vấn đề: Cục đặc biệt này trên tổng cục, dưới Bộ Công an hay ngang Bộ. Chức năng, vị trí, vai trò của cục thế nào, trong luật chưa thấy bóng dáng. “Tôi không phải không ủng hộ có Cục đặc biệt, nhưng ít nhất cho tôi thông tin nó là cái gì, vị trí của nó đến đâu. Tại sao trước đây Chính phủ chỉ quy định đến Bộ Công an, giờ phải quy định Cục đặc biệt?”, ông Hồng nêu và đề nghị, ban soạn thảo cần làm rõ để tránh hiểu nhầm cục này có phải là biến tướng của tổng cục, khi mà vừa xóa được 6 tổng cục thì lại mọc lên mấy Cục đặc biệt.
ĐB Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) thì cho rằng, cần cân nhắc quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục đặc biệt vì theo luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng chỉ bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức, giáng chức từ thứ trưởng trở lên. Bên cạnh đó, theo luật CAND hiện hành, Tổng cục trưởng của Bộ Công an mới do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, nay cấp tổng cục bỏ hết, bổ sung thêm Cục đặc biệt mà lại quy định Thủ tướng bổ nhiệm thì không hợp lý. Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khi thảo luận tại tổ cũng cho rằng, việc này cần tính toán, cân đối cho phù hợp.
Điều động 25.000 công an chính quy về công an xã
Một điểm mới khác của luật CAND sửa đổi lần này là thực hiện chủ trương chính quy hóa lực lượng công an xã. Theo đó, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã tại 8.516 xã chưa được bố trí công an chính quy. Trong phần thảo luận tại tổ chiều 7.6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích, với mô hình này, tổng số lực lượng ở Bộ chỉ khoảng 15% biên chế, còn 85 - 90% quân số là ở địa phương, đảm bảo mục tiêu “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.