Tranh cãi ‘siêu đê’

07/04/2018 08:08 GMT+7

Sau 7 năm tính từ thời điểm được đề xuất, tuyến siêu đê biển dài 28 km nối từ Gò Công đến gần Vũng Tàu vẫn bị hoài nghi về hiệu quả.

Vào năm 2011 đề xuất xây dựng tuyến “siêu đê” dài 28 km nối từ Gò Công tới Vũng Tàu của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT đã vấp phải sự phản đối của giới chuyên môn.
Đến cuối năm ngoái, do tình hình sụt lún tại TP.HCM và các vùng phụ cận đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng, dự án “siêu đê" biển được Bộ KH-CN và lãnh đạo TP.HCM tái khởi động.
Tại Hội thảo khoa học “Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức ngày 6.4, hầu hết các nhà khoa học hoài nghi hiệu quả và cảnh báo những rủi ro của tuyến đê trên.
Đê biển chống lũ
Trong 4 phương án tuyến được nghiên cứu và tính toán, Bộ NN-PTNT đã chọn phương án được đánh giá là tối ưu với tuyến đê biển từ Gò Công đến gần Vũng Tàu (cách Vũng Tàu 5 km), nối tiếp với tuyến đê nhánh đi vào rừng Cần Giờ.


Khi hình thành đê biển sẽ tạo nên trục giao thông rút ngắn 130 km khoảng cách từ TP.HCM đi Vũng Tàu, cũng như từ miền Tây đi Vũng Tàu và ngược lại, hỗ trợ giao thông và du lịch. Đây còn là nơi dự trữ nguồn nước ngọt trong tương lai và tạo quỹ đất, hình thành chuỗi đô thị dự kiến để thực hiện hóa.

GS-TS Đào Xuân Học


Tuyến đê chính dài 28 km, rộng 30 m, chiều sâu nước trung bình 5,5 m và một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 2.000 m, cao trình đáy -10,0 m và tổ hợp âu thuyền cho tàu 30.000 tấn, sau đó kết nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng 22,4 m, dưới cầu các loại tàu bè đi lại bình thường vào khu vực vịnh Gành Rái. Tuyến đê phụ dài 13 km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào Cần Giờ chiều sâu bình quân khoảng 4 m.
Phương án này sẽ tạo được hồ chứa có diện tích mặt nước khoảng 43.000 ha, tổng dung tích 2,5 tỉ m3. Ngoài ra cần xây dựng một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200 m, ngưỡng cao trình - 12,0 m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu. Tổng vốn của dự án là 74.000 tỉ, trong đó đề xuất nhà nước góp 10 - 15% tổng vốn, số còn lại kêu gọi xã hội hóa.
Với lộ trình trên, tuyến đê biển ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai, vùng Đồng Tháp Mười thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Long An và một phần tỉnh Tiền Giang.
GS-TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, đánh giá tuyến đê sau khi được hoàn thành sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chống ngập lụt cho khu vực TP.HCM ứng với tần suất lũ thượng nguồn 200 năm xuất hiện 1 lần, kiểm soát mực nước triều, chống xâm ngập mặn.
Theo ông Học, nếu không xây dựng tuyến đê biển, khi mực nước biển dâng thêm lên khoảng 35 cm, khu vực TP.HCM bắt buộc phải xây dựng thêm một số hệ thống cống hoặc hệ thống trạm bơm, tuyến đê biển TP.HCM - Gò Công (trong chương trình đê biển của Chính phủ) để giảm ngập. Việc cắt giảm được các công trình xây dựng này sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 111.000 tỉ đồng cho thành phố, chưa kể giảm chi phí đầu tư nâng cốt nền, cốt đường khoảng 143.000 tỉ đồng. Đối với vùng Đồng Tháp Mười, giúp gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do ngập lũ, cải tạo đất phèn, giảm chi phí bơm tát…
Lo ngại tác động thô bạo vào tự nhiên
Ngay từ khi được đề xuất dự án đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên môn vì cho rằng tác động tiêu cực, phá hủy môi trường quá lớn, đặc biệt đối với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Tại hội thảo trên vào ngày 6.4, tình trạng cũng tương tự. TS Lê Xuân Tuấn, Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, cho rằng công trình đê biển sẽ làm mất diện tích đất ngập nước và rừng ngập mặn tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ do chiếm dụng đất để xây các tuyến đê bao sông và cống điều tiết. Phần rừng ngập mặn ở các khu vực thuộc vùng giữa sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu có thể bị chết hàng loạt vì chịu tác động mạnh nhất. Khi xây dựng đê biển, cống, cầu và các công trình phụ trợ sẽ tác động rất lớn đến vùng biển do chất thải từ quá trình xây dựng. Quá trình này sẽ phá hủy nền đáy, phá hủy môi trường sống của hệ sinh thái ven bờ trong khu vực xây dựng và cả vùng lân cận. Có rất nhiều khu vực phải chịu tác động tiêu cực ở mức lớn và rất lớn.
Vì vậy, ông Tuấn đề xuất không nên xây dựng tuyến đê biển liên tục từ Gò Công - Vũng Tàu do tác động rất mạnh đến các hệ sinh thái ngập mặn và biển ven bờ, thậm chí dẫn đến mất những diện tích rừng ngập mặn rất lớn, kể cả vùng lõi khu dự trữ sinh quyển. Nên chọn chiều rộng cống trong khoảng từ 3.000 - 4.000 m để vận tốc dòng chảy qua cống được ổn định trong khoảng từ 1,7 - 2 m/giây, tốt hơn cho cây ngập mặn. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ vận hành sao cho không gây ngập cục bộ trong thời gian quá 24 tiếng; không để độ mặn giảm đột ngột gây “sốc” cho các loài thủy sinh vật và giảm trong thời gian dài để đảm bảo môi trường sống cho các loài cây theo vùng.
Ông Tuấn nhấn mạnh cần tiếp tục có nghiên cứu, đánh giá một cách chi tiết về tác động của việc xây dựng tuyến đê đối với hệ sinh thái toàn vùng, bên cạnh phát triển kinh tế cần đảm bảo sự ổn định của các yếu tố môi trường trong khu vực cửa sông Đồng Nai - Sài Gòn.
Nguy cơ hồ nước thải khổng lồ
Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Tất Đắc bày tỏ thêm lo ngại về việc TP.HCM hiện đang ở khu vực thượng lưu, các dòng chảy, dòng thoát nước hiện nay của thành phố là ống chung nên nước thải chưa được xử lý, toàn bộ đổ xuống sông Sài Gòn. Nếu xây một tuyến đê bao quanh sẽ khiến rác thải ùn ứ lại, tạo thành một hồ chứa nước thải khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Thành phố mới làm mấy cống như ở khu vực Thị Nghè mà cá đã chết hàng loạt, giờ xây dựng cả tuyến 30 km như vậy, hậu quả từ ô nhiễm môi trường sẽ rất nặng nề”, ông Đắc quan ngại.


Quan trọng nhất vẫn là đầu tư chú trọng hệ thống thoát nước. Nếu không, chẳng khác nào làm nhà mà không làm nhà vệ sinh, xây đê ngăn nước bên ngoài mà trong không có chỗ thoát thì cũng không ích lợi gì.

TSKH Nguyễn Tác An


TSKH Nguyễn Tác An, chuyên gia về biển, cho rằng thay đổi, phát triển là cần thiết nhưng phải làm đúng thời điểm, đúng năng lực, phù hợp xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi các nước đang chủ trương lợi dụng thiên nhiên, nương vào thiên nhiên mà phát triển thì chúng ta lại chống chọi, can thiệp một cách thô bạo vào tự nhiên. Như vậy là đi ngược xu thế.
Theo ông An, về mặt khoa học, đây không phải là đê biển mà chính xác là đập biển. “Tác động về cả kinh tế lẫn môi trường và nhiều yếu tố khác giữa đê và đập là hoàn toàn khác nhau. Bỏ ra một số tiền lớn như thế để nghiên cứu làm một công trình mà ngay bản thân người làm không hiểu rõ mình đang làm gì thì cần xem lại tính khả thi của đề án”, ông An nêu quan điểm và cho rằng tuyến đê Gò Công - Vũng Tàu không phải là giải pháp triệt để chống ngập tại TP.HCM. Nguyên nhân gốc rễ khiến tình trạng ngập của thành phố ngày càng nặng nề là do sai lầm trong quy hoạch.
Theo ông An, trước đây, không hiểu đúng chức năng khu vực, TP.HCM cho lấp sông phá rạch - những khu vực mang chức năng dự trữ, xử lý nước thải - để phát triển đô thị tràn lan nên dù bây giờ ở ngoài có xây bức tường thành bê tông bao quanh thì bên trong vẫn ngập. Muốn hết ngập, chống lũ, phải phục hồi dần dần hệ đất ngập nước bằng cách đào lại, khôi phục các hệ thống sông ngòi đã lấp, ít nhất phải bằng hoặc nhiều hơn diện tích đã lấp trước đây. Cùng với đó, dừng ngay bê tông hóa phía nam thành phố, cho phát triển các công trình sinh thái.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.