Tranh cãi quanh đề xuất có chứng chỉ “tiền hôn nhân” mới được kết hôn

15/01/2020 05:40 GMT+7

Xung quanh đề xuất bổ sung quy định phải có chứng chỉ tiền hôn nhân vào điều kiện đăng ký kết hôn trong luật Hôn nhân gia đình đang gây ra nhiều tranh cãi.

Như Thanh Niên thông tin (https://thanhnien.vn/thoi-su/de-xuat-co-chung-chi-tien-hon-nhan-moi-duoc-dang-ky-ket-hon-1171535.html), tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và trong cơ sở giáo dục nói riêng thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của gia đình; trẻ em bị xâm hại hoặc phạm tội đều xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”. Tuy nhiên, trong các giải pháp được các chuyên gia, bộ, ngành nêu ra chưa thấy cụ thể để tăng cường vai trò của gia đình trong giải quyết vấn đề này. Từ đó, ông Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội. “Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”, ông Thủy nói và đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải "trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…".

Rất cần thiết

Có đi học trước khi kết hôn, mới thấy được ý nghĩa to lớn của việc hôn nhân mà cố gắng lo lắng cho gia đình, con cái.

Hiền (TP.HCM)

Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ đề xuất của tiến sĩ Thủy vì “việc này rất cần thiết, có ích cho các cặp vợ chồng trước khi bước vào cuộc sống chung”. "Đề xuất hay! Rất hợp lý và văn minh! Mình ủng hộ hết mình", BĐ Trúc Tùng (TP.HCM) viết. "Rất cần thiết! Bên Thiên chúa giáo đã làm việc này từ lâu rồi, họ gọi là khóa học giáo lý hôn nhân. Khóa học này dạy về cách làm chồng, cách làm vợ, cách làm cha mẹ, kiến thức thai sản cơ bản, kiến thức về dân số... Nếu cả nước triển khai khóa học tương tự như thế này thì bạo hành gia đình sẽ giảm hẳn, dân số tăng vô tội vạ sẽ giảm hẳn, kiến thức thai sản của vợ chồng cũng tăng", BĐ Long (TP.HCM) ý kiến.

Một ý tưởng hay, lãng mạn, nhưng không có tính thực tiễn.

Quý Thủy (TP.HCM)

"Việc cần có chứng chỉ tiền hôn nhân là rất tốt, đề xuất này rất hay. Tuy nhiên, phải tính để chỉnh sửa giáo trình sao cho ngắn gọn, phù hợp", BĐ Artemis (Hà Nội) viết. Trong khi đó, BĐ Kim Châu (TP.HCM) ý kiến: "Ai quan niệm là không có thời gian rảnh rỗi để đi học thì có lẽ nên suy nghĩ lại. Thời gian đi học này là thời gian đầu tư cho gia đình tương lai của mình. Người ta muốn làm gì thì cũng phải đầu tư, vậy tại sao lại không chịu đầu tư cho gia đình tương lai của mình? Ai không đầu tư cho gia đình tương lai của mình, người đó sẽ có một gia đình què quặt".

Sợ "đẻ" thêm giấy phép con

Một đề xuất rất hay nên được áp dụng. Vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu nên xem xét nhân rộng đến các cấp chính quyền.

Minh Thuận (Đắk Nông)

Bên cạnh nhiều người ủng hộ thì cũng có không ít ý kiến phản đối. BĐ Đạt Huỳnh (TP.HCM) cho rằng: "Đề xuất xa rời thực tế. Thêm cái chứng chỉ này thì giống như "đẻ" thêm một cái giấy phép con. Nếu họ không học nhưng vẫn kết hôn thì có cấm được không và dựa vào đâu để cấm?".
"Nếu vậy người không biết chữ sẽ không bao giờ kết hôn được, hoặc là những người có bầu rồi không có chứng chỉ cũng không được đăng ký kết hôn để chạy bầu hay sao?", BĐ Đức Minh (Bình Dương) đặt vấn đề.
"Nhìn về mục đích của ý tưởng thì thấy đây là cách nghĩ có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên việc ban hành chứng chỉ có thể gây ra phản ứng vì người ta nghĩ tới cái giấy phép con nhiêu khê, chi bằng đưa nội dung này vào giảng dạy ở cấp phổ thông trung học. Kiểu dạy kỹ năng về xây dựng hạnh phúc gia đình, kỹ năng nuôi dạy em bé... cho các cháu học sinh", BĐ Nhân Ái (Quảng Bình) góp ý.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.