Tranh cãi nảy lửa đề xuất 'tăng thuế để hạn chế di cư'

24/11/2019 06:34 GMT+7

Đề xuất "tăng thuế để hạn chế dân di cư vào Hà Nội, TP.HCM" của Giáo sư Đặng Hùng Võ gây nhiều ý kiến trái chiều.

Như Thanh Niên thông tin, tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP” do UBND TP.HCM tổ chức hôm 22.11, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho hay hiện TP.HCM và Hà Nội đang muốn điều chỉnh dòng người di cư vào TP. Trong khi việc áp dụng quy định pháp luật hay quyết định hành chính đều không được, bởi tự do cư trú là quyền của mỗi người, thì chỉ có thể áp dụng rào cản kỹ thuật là áp mức thuế cao để những người sống ở TP.HCM và Hà Nội phải có thu nhập cao mới "trụ" được. “Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP.HCM tăng lên 40 - 50 triệu người mà không cách gì cản được”, ông Võ nói.

Người phản đối, người đồng tình

Nhiều tranh luận nổ ra xung quanh đề xuất này. Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Hoa (Hà Nội) ý kiến: "Ở đâu cũng vậy nếu chỉ tuyển giáo sư, tiến sĩ trụ lại hai TP lớn vậy lấy ai làm những công việc như lao động chân tay? Sao ông ấy không nghĩ nhà nước nên kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lẻ để cùng nhau phát triển mà ở đó phân biệt người có thu nhập thấp với thu nhập cao mới được ở TP lớn?".
"Phát biểu của ông thiếu tính nhân văn, nếu ở quê có thu nhập ổn định, đời sống đầy đủ thì người nghèo vào TP để sống vỉa hè, để ngày đêm hít khói bụi, ăn bụi làm gì. Phải giải quyết cái gốc, đừng có tư tưởng cấm và chặn theo thói quen của người quản lý", BĐ Lê Trung Hiếu (TP.HCM) ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Tèo (Vĩnh Phúc) lại ủng hộ đề xuất của ông Võ và cho rằng: "Chính sách giãn dân cũng như kinh tế thị trường, anh có thu nhập cao thì vào nội đô sinh sống và phải đóng thuế cao để tăng lợi tức cho xã hội. Anh có thu nhập thấp thì sinh sống ở vùng được ưu đãi thuế suất, đóng thuế thấp, xã hội trợ giúp...".
"Ở nước ngoài người ta đều làm như vậy. Và khi đó nhà nước lấy tiền thuế cao ở các đô thị lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội để phát triển các tỉnh vùng xa. Khi đó các tỉnh sẽ phát triển và vấn đề chuyển dịch dân cư sẽ giảm bớt", BĐ Nguyễn Công Điền (TP.HCM) ý kiến.

Cần giải pháp đồng bộ

Nhiều ý kiến BĐ cho rằng việc giải quyết tình trạng di dân cơ học vào các TP lớn không phải là chuyện một sớm một chiều làm được ngay; đồng thời cần nhiều giải pháp đồng bộ, chứ không chỉ dựa vào hàng rào kỹ thuật hay "cực đoan" ngăn cấm. BĐ Quang (TP.HCM) cho rằng: "Hãy tạo công ăn việc làm ở tỉnh lẻ ổn định, thăng tiến, cũng như môi trường sống, y tế thì người dân tự khắc sẽ ở quê tội gì phải sống ở TP đầy ô nhiễm, kẹt xe, chen chúc".
"Nhìn nhận một cách tỉnh táo thì cần hạn chế sự nhập cư không kiểm soát. Vì bất cứ nơi đâu mà tăng dân số quá nhanh cũng gây nên nhiều hệ lụy lên hệ thống hạ tầng cơ sở như giao thông, trường học, bệnh viện, môi trường và cả sự sống của người dân địa phương. Sự tập trung quá lớn dân cư có thể làm gia tăng khả năng kinh tế tại một khu vực nhưng là sự mất cân đối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự phụ thuộc vào một vài TP lớn cho cả đất nước. Cứ thử nghĩ lượng đóng góp của các TP lớn sụt giảm do một nguyên nhân nào đó thì các địa phương khác đã quen nhận ngân sách sẽ tồn tại như thế nào? Đây chính là nguyên nhân đầu tiên cần giải quyết. Nên xem xét trách nhiệm của những nơi “quen” nhận ngân sách, “tâm” và “tầm” của các cấp quản lý nơi này ra sao để địa phương không phát triển, không thể giữ chân người dân và khiến họ phải “tha phương cầu thực” và ảnh hưởng đến địa phương khác? Hàng rào kỹ thuật phải bắt đầu từ những nơi này mới có thể giải quyết rốt ráo chứ không thể dựng thuế thu nhập chưa rõ ràng như ông Võ đề xuất được", BĐ Phan Sơn (TP.HCM) phân tích.
Thay vì có suy nghĩ cấm đoán, chúng ta nên suy nghĩ mở để mọi người có thể góp công sức lao động, tăng nguồn thu cho TP...
Lê Minh (TP.HCM)
Đầu tư mạnh vào vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để cuộc sống người dân cả nước được cân bằng quyền lợi. Nếu nông thôn phát triển thì họ đâu có bỏ quê tới TP?
 (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.