Trắng tay sau cơn bão dữ

Những ngôi nhà chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn, cây cối đổ ngổn ngang, trơ trụi... là khung cảnh ở H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sau ngày bão số 10 quét qua.

Nhiều hộ dân sau bao năm tích cóp, giờ gia sản bay hết theo gió bão.
"Không biết lấy chi lợp lại nhà"
Buổi sáng sau ngày bão số 10 quét qua, dọc con đường nối từ QL1A xuống cảng Vũng Áng, những vườn cây bạch đàn gãy gục, xác xơ, những cột điện gãy đổ ngổn ngang. Một khu nhà bằng khung sắt, lợp tôn của doanh nghiệp ở khu công nghiệp bị bão san phẳng, biến thành đống sắt vụn khổng lồ. Bên kia đường, một căn nhà cấp 4 khá kiên cố chỉ còn trơ mấy bức tường, bên trong ngổn ngang đống đổ nát.
Những căn nhà bị đổ sập ở TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Ảnh: K.Hoan
Chúng tôi xuôi về phía cảng, đến xóm Tây Yên (xã Kỳ Lợi, TX.Kỳ Anh). Ven đường lớn và dưới chân núi, cây cối đổ nghiêng ngả. Ông Nguyễn Tiến Quang, cư dân xóm Tây Yên, nói lâu lắm rồi ông mới thấy cơn bão mạnh như thế. Ông kể, sáng sớm, gió nổi lên, càng về trưa gió càng dữ tợn. Rồi những viên ngói trên mái nhà bị giật tung, ném ra xa. Vợ chồng ông hoảng hốt kéo sang nhà hàng xóm có nhà đổ trần bằng bê tông lánh nạn. “Của đi nhưng may người còn bình yên”, ông Quang tự an ủi. Hàng xóm của ông Quang là ông Nguyễn Xuân Khang ngồi thở dài khi tài sản là máy móc làm gạch và hệ thống mái che bằng tôn của xưởng gạch bị bão “dọn sạch”.
Dọc QL1A, trước cổng Nhà máy thép Formosa, những mái tôn bị vò nhàu nát, những cây xà gồ bị bẻ cong nằm ngổn ngang. Đứng thẫn thờ trên đống đổ nát của ngôi nhà mà trước đó là nơi ở và tiệm cắt tóc của vợ, anh Dương Ngọc Ánh (P.Kỳ Liên, TX.Kỳ Anh), nói gia sản của vợ chồng anh đã... đi theo bão. Anh kể, buổi sáng bão vào, anh đưa vợ con sơ tán về nhà bố mẹ, một mình anh ở lại. Đến khoảng 10 giờ, thấy gió bão rít dữ dội, anh cũng bỏ nhà đi lánh nạn. Khi gió ngớt, anh về thì căn nhà đã thành một đống ngổn ngang. Nền nhà, nước ngập đến bắp chân, toàn bộ đồ dùng, sách vở của con đều bị nhúng nước.
Nằm dưới chân đèo Ngang, xã Kỳ Nam, được ví von là xã Đèo Ngang (nói lái là đang nghèo), là tâm bão số 10 quét qua. Trong căn nhà mái tôn đã bị xé nát, bà Mai Thị Dựng (xóm Quý Huệ) lo lắng khi chưa biết lấy tiền đâu để sửa lại mái nhà. Con dâu bà Dựng là chị Bùi Thị Vì và 3 đứa con ở gần đó cũng trong tình cảnh tương tự. Chồng mất vì tai nạn giao thông, ruộng không có phải đi làm thuê kiếm sống, giờ bão giật mất mái tôn và làm hư hại nhiều đồ đạc, đẩy mẹ con chị vào cảnh thêm khốn khó.
"Ông trời cướp mất miếng cơm"
Rời Kỳ Anh, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), chứng kiến cảnh người dân trồng bưởi đặc sản Phúc Trạch của Hà Tĩnh đứng ngồi không yên vì thiệt hại do bão gây ra. Đang cố thu gom những quả bưởi rụng nằm lẫn trong bùn dưới gốc cây, chị Nguyễn Thị Lài (xã Hương Trạch) buồn bã cho biết, bão đã quật tơi tả 3 vườn bưởi của gia đình. Mỗi quả bưởi trước bão bán được 30.000 - 70.000 đồng, nhưng bây giờ chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng. Rẻ nhưng vẫn phải bán để cứu lại ít vốn.
Đến chiều 16.9, xã Hương Thủy (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn bị nước lũ chia cắt. Người dân dùng thuyền để vớt những quả bưởi rụng nổi lềnh bềnh trên nước. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xóm 7) có gần 70 gốc bưởi Phúc Trạch đang đến kỳ thu hoạch bị rụng hơn 700 quả. “Mấy hôm trước bão chưa vô, thương lái đến hỏi mua giá 50.000 đồng một quả, nhưng tui chưa bán, để dành dịp Tết Trung thu được giá hơn. Ai dè bão vô, ông trời cướp mất miếng cơm ngay trên tay chúng tôi. Khổ quá chừng”, bà Thanh đau xót nói.
Những gia đình trồng cây gió trầm ở huyện miền núi Hương Khê cũng đang khóc khi hàng chục héc ta gió trầm bị bão quật trơ gốc. Nhiều gia đình chỉ còn cách chặt loại cây có giá trị tiền triệu này làm củi đun. “200 cây gió trầm trồng trong vườn của gia đình tui bật gốc. Tính ra gia đình tui thiệt hại gần 1 tỉ đồng”, bà Trần Thị Hiên (ngụ xã Phúc Trạch) ứa nước mắt.
“Xóa sạch hết rồi”
Đến các xã miền tây H.Bố Trạch (Quảng Bình) sau bão, mới thấu được nỗi đau của những người nông dân chăm sóc vườn cây gần 10 năm trời nay bỗng chốc trắng tay. Qua tổ dân phố Quyết Tiến (TT.Nông trường Việt Trung), thấy ông Bùi Trọng Nghĩa đang lúi húi cắt cây gãy đổ trước nhà.
Chị Thảo thẫn thờ trước mất mát quá lớn ẢNH: TRƯƠNG QUANG NAM

“Còn gì nữa đâu chú, gãy sạch rồi, xóa sạch rồi!”, ông chua xót. Chị Trương Thị Thảo (tổ dân phố Dũng Cảm) có 2 ha cao su trồng từ năm 2004, cạo lấy mủ được 3 năm nay, giờ thì hết hy vọng. Vườn cao su 3 ha của vợ chồng anh chị Nguyễn Ngọc Thành và Trần Thị Ánh Ngọc sắp khai thác thì bão số 10 ập xuống, trắng tay. Chị Ngọc khóc: “Khi bão đến, ba hắn lo giữ con bò khỏi mất. Hai mẹ con chui xuống gầm giường trốn. Giờ không biết lấy gì ăn đây!”.
Trương Quang Nam

11 người chết, 1 mất tích,28 người bị thương
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, tính đến 16 giờ ngày 16.9, tại các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 10, đã có 8 người chết (Thừa Thiên-Huế 2 người, Quảng Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thanh Hóa 1 người, Hà Tĩnh 1 người) và 28 người bị thương (Quảng Bình 11 người, Quảng Trị 9 người, Hà Tĩnh 6 người, Nghệ An 1 người, Thừa Thiên-Huế 1 người).
Có 35 nhà sập hoàn toàn, trên 121.621 nhà bị tốc mái; 40 tàu, thuyền bị chìm, hỏng; 23.767 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Mưa bão làm hư hỏng 289 công trình công cộng; đổ gãy 22.742 cây xanh.
Trong ngày 16.9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ­xảy ra lũ lớn tại ngầm Đồng Tranh (xã Chiên Sơn, H.Sơn Động, Bắc Giang) cuốn trôi 2 người, trong đó 1 chết và 1 mất tích. Tại Phú Thọ, lũ lớn tại xã Vân Lĩnh (H.Thanh Ba) và xã Phù Ninh (H.Phù Ninh) cuốn trôi và làm chết 2 người. Tại Yên Bái, mưa lớn làm sạt lở đất ảnh hưởng 19 nhà dân. Tại Hà Nội, mưa lớn gây ngập úng một số khu vực nội và ngoại thành.
Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.