Tràn lan giao đất nông nghiệp làm bất động sản, có lợi ích nhóm?

08/06/2020 05:14 GMT+7

Loạt bài phản ánh “Cơn lốc” lấy đất nông nghiệp làm bất động sản ở Quảng Ngãi khiến nhiều nông dân mất kế sinh nhai đăng trên Thanh Niên thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép hàng loạt dự án bất động sản. Đến nay tỉnh có 109 dự án với tổng diện tích đất theo quy hoạch lên đến hơn 1.592 ha, gồm 45.200 lô đất nền, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 23.600 tỉ đồng.
Tỉnh dự tính thu ngân sách (chủ yếu tiền thuế đất) từ các dự án khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ mới thu được 166 tỉ đồng. Trong 109 dự án, có tới 89 dự án sử dụng đất nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy như nông dân mất kế sinh nhai trong khi đất giao làm dự án bỏ hoang, quy hoạch đô thị bị phá nát, thị trường bất động sản bát nháo...

“Phát triển kiểu gì mà cứ chỗ đất đai trù phú thì bê tông hóa?”

Trước thực trạng như nêu trên, bạn đọc (BĐ) Thu Tran thắc mắc: “Không biết phát triển kiểu gì mà đại đa số đất nông nghiệp trù phú, thuận lợi cho việc sản xuất hoa màu đều bị bê tông hóa”. Trả lời thắc mắc này, BĐ Van Gia Nguyen viết: “Làm dự án đô thị nên làm nơi đồng chua, nước mặn, không sản xuất được gì thì làm. Chỗ người dân đang ăn nên làm ra mà lấy, chỉ có “nhóm lợi ích” mới có thể làm được mà thôi…”.
“Ai cũng mong muốn có một việc làm ổn định và chỗ ở yên lành. Thế nhưng khi dự án bất động sản đến thì mất hết bình yên. Nhà tái định cư thì diện tích quá chật hẹp không khác gì ở trong cái ống; còn nhà cao tầng thì tiền đâu mà làm vì giá đền bù quá “bèo”. Người dân mất hết tư liệu sản xuất sinh ra thất nghiệp. Chúng tôi yêu cầu phải xem xét lại việc giao đất làm dự án tràn lan tại Quảng Ngãi”, BĐ Vũ Pha Lê khẩn khoản đề nghị.

Mong thanh tra chính phủ vào cuộc

BĐ cũng dẫn ra nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai kéo dài ở một số địa phương trên cả nước mà đến nay vẫn chưa đến hồi kết để cảnh báo. “Quy hoạch trên đất của dân sao không cho dân biết. Khi lấy đất dân không cho thì cưỡng chế dẫn đến tranh chấp kiện tụng lâu dài... Mong đừng xảy ra khiếu nại, khiếu kiện như ở Thủ Thiêm (TP.HCM); ngân sách bị thất thu, nhà nước phải đi khắc phục hậu quả”, BĐ Minh Nguyên viết.
“Đọc mà bất bình quá! Thương cho HTX và những “nạn nhân” tương tự... Sự việc nảy sinh bởi sự thiếu minh bạch và tắc trách của một số cán bộ địa phương. Mong Quốc hội và Chính phủ sớm có biện pháp và chính sách rõ ràng (ví dụ: công khai đề án quy hoạch, lấy ý kiến dân); nếu không thì lại có thêm biết bao nhiêu vụ Thủ Thiêm”, BĐ Thanh Truong Thi bày tỏ. Còn BĐ Minh Châu cho rằng Chính phủ cần cho thanh tra toàn diện các dự án bất động sản ở tỉnh Quảng Ngãi để làm rõ những khuất tất ở địa phương này. “Nếu có sai phạm, hãy xử lý nghiêm những cán bộ liên quan, không thể kỷ luật kiểu rút kinh nghiệm, cảnh cáo, khiển trách, mà phải truy cứu và chịu trách nhiệm trước pháp luật vì những gì mà họ gây ra”, BĐ này viết.
Lấy đất nông nghiệp làm dự án nhà ở có lẽ phải dừng ngay lại; nếu không sẽ mất hết đất nông nghiệp...
Nguyễn My Lan
Đừng để đến một ngày vấn đề an ninh lương thực của quốc gia sẽ báo động vì tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp để đô thị hóa. Các nhà quy hoạch có nghĩ rằng đang dần đẩy một số địa phương đến gần hơn nạn thiếu đất sản xuất lương thực?
Lam Trí
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.