Tràn lan cổng chào

21/01/2018 06:34 GMT+7

Hầu như các cổng chào hiện nay trên cả nước đều đua nhau về kích thước, quy mô, với chi phí đầu tư tiền tỉ.

Lời chào đáng giá bạc tỉ
Cổng chào Quảng Ninh (khánh thành năm 2017) hiện đang giữ kỷ lục chi phí với mức đầu tư 200 tỉ đồng. Cổng chào được thiết kế bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao 38 - 43 m, lấy ý tưởng từ những dãy núi đá ở nơi đây, được thiết kế với tiêu chí “uy nghi, vững chãi, ấn tượng...”.
Tương tự, nhiều cổng chào khác cũng được đầu tư tiền tỉ. Cổng chào Bình Dương (khánh thành năm 2010) có tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng từ vốn ngân sách, gồm biểu tượng cổng chào và hạ tầng sân vườn. Phần biểu tượng được thiết kế như 2 cánh diều no gió nói lên khát khao vươn lên của chính tỉnh này. Năm 2012, phần diều được tháo gỡ rồi thay bằng một quả địa cầu đặt trên trụ. Cổng chào ở Hải Phòng lại là một hệ thống đèn led trang trí nghệ thuật với tổng giá trị gần 24,5 tỉ đồng.
Cổng chào trên đường Trần Phú xuống Bến phà Cần Thơ cũ ẢNh: Đình Tuyển

Rồi cổng chào tỉnh Tây Ninh trên QL22 đặt tại xã An Tịnh, H.Trảng Bàng (Tây Ninh). Công trình do Trung tâm quản lý đầu tư xây dựng Tây Ninh làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí được trích từ ngân sách tỉnh, được xây dựng từ tháng 5.2016 và chính thức cắt băng khánh thành vào ngày 9.9.2016 nhân dịp kỷ niệm tỉnh Tây Ninh tròn 180 năm hình thành và phát triển.
Không chỉ cấp tỉnh thành, năm 2016, H.Hiệp Đức (Quảng Nam) khánh thành và đưa vào sử dụng cổng chào nằm trên tuyến QL14E (đoạn qua địa phận TT.Tân An, H.Hiệp Đức). Cổng chào này có 4 trụ bê tông, được làm ở hai nhánh của tuyến QL14E nên có đến 3 cổng gồm 1 cổng chính và
2 cổng phụ, rộng hàng chục mét. Tổng kinh phí đầu tư cổng chào hơn 1,1 tỉ đồng. Trong đó, phần di dời giải tỏa đường dây điện mất hơn 300 triệu đồng, riêng cổng chào 800 triệu đồng. Thời điểm cổng chào được xây dựng xong, nhiều người dân không khỏi xôn xao bàn tán trước sự “hoành tráng” của nó. Theo một cán bộ ở H.Hiệp Đức, cổng chào được xây để chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập huyện. Được biết, H.Hiệp Đức có diện tích 492 km2, dân số trên 40.000 người và 18% trong số này thuộc hộ nghèo; trong đó huyện có 9% dân số là đồng bằng dân tộc thiểu số, người dân trong huyện sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Sẽ không có gì để nói về cái cổng chào đang xuất hiện hầu khắp các “thôn văn hóa” hiện nay nếu như những người chủ trương xây cái cổng ấy không quá lãng phí. Đó là cổng chào ở thôn 2, xã Trà Thủy huyện vùng cao Trà Bồng (Quảng Ngãi). Theo thống kê của xã Trà Thủy, toàn thôn 2 có 107 hộ với 365 khẩu, trong đó có 57 hộ nghèo với 200 khẩu. Thực ra 50 hộ “không nghèo” kia chỉ mới là đã “xóa nghèo” nhưng đâu đã giàu có. Người dân trong thôn nghèo đến vậy, nhưng thay vì đầu tư con gà, con bò cho dân để giảm nghèo, thì H.Trà Bồng lại mang cả trăm triệu đồng xây cổng chào để “tặng” cho thôn. Bây giờ, ở đâu cũng thấy cổng chào để cho đạt tiêu chí của “thôn văn hóa”, nhưng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây cái cổng “hoành tráng” trong lúc người dân rất cần vốn để đầu tư sản xuất nhằm xóa nghèo thì việc xây cổng như thế, liệu có nên chăng?
Trả lời câu hỏi đó, đại diện cho chủ đầu tư, cũng là cán bộ ngành văn hóa H.Trà Bồng, nói rằng xây cổng chào to như vậy vì người dân thôn 2 có công lớn trong việc bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào người Cor ở địa phương. Xây cổng chào lớn ở đây như là một sự tri ân người dân vậy!
Thiếu an toàn và bị “bỏ rơi”
Bên cạnh chi phí tiền tỉ, các cổng chào cũng gây tranh luận về cả hình dáng, độ an toàn, tính cần thiết của nó. Hồi tháng 9.2017, 2 cổng chào phục vụ du lịch, trang trí ở trước cầu Nhật Lệ và ngã tư bưu điện TP.Đồng Hới (Quảng Bình) bị gió bão kéo sập. Cũng thời gian đó, bão số 10 còn làm đổ cổng chào trên QL1, đoạn giáp ranh giữa H.Kỳ Anh và TX.Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đây đều là những cổng chào làm bằng thép ống kiên cố nặng cả chục tấn. Vì thế, khi gãy đổ, chúng gây nguy hiểm cũng như cản trở giao thông. Trước đó, hồi năm 2010, cổng chào ở Trà Vinh cũng đổ sập khiến 1 người tử vong.
Cổng chào ở xã Trà Thủy, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) Ảnh: Lê Hồng
“Xây cổng chào của tỉnh, đầu tiên là tốn rất nhiều tiền. Tất cả các cổng chào đều đua nhau về kích thước, quy mô, trong khi kết cấu của nó lại lỏng lẻo. Cổng chào thường nằm trên đường giao thông, tốc độ di chuyển lớn, tác động thiên nhiên, gió bão lớn, lượng người đi lại dày đặc nên mức độ nguy hiểm lớn”, ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nói.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, đánh giá: “Cổng chào ở các tỉnh có thúc đẩy kinh tế, văn hóa các tỉnh không? Khách du lịch nào quan tâm đến cái cổng chào đấy? Không có đâu. Chỉ những cổng thành ở phố cổ, hoặc cổng làng cổ họ mới quan tâm. Còn cổng của tỉnh, huyện, thôn... xây lên thì ai quan tâm. Hỏi 100 khách du lịch thì khách đều bảo chả muốn đến ngắm”.
KTS Trần Hoàng Kiên, Công ty kiến trúc AREF Pháp, cho biết với một thành phố, cổng chào như một phụ kiện thời trang. Nó có tác dụng tạo một điều gì để nhớ đến địa điểm đấy. “Bảo mỗi tỉnh cần có cổng chào không thì chẳng cần thiết. Nó giống như ông đeo cà vạt còn tôi không đeo thôi, nó chỉ là phụ kiện. Chẳng có cái cổng chào nào là cần thiết cả”, ông Kiên nói.
Cổng chào tỉnh Tây Ninh Ảnh: Giang Phương
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết hồi năm 2010 Hà Nội đã cân nhắc rồi quyết định không xây 5 cổng chào nhân dịp 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng là nhiều làng xã cũng muốn tự xây cổng chào. Điều đó theo ông là không nên. “Tôi không ủng hộ việc xây cổng chào. Ngay cả cái cổng chào của làng văn hóa cũng không nên xây theo bệnh thành tích. Nói chung, Hà Nội không có chủ trương xây cổng chào mới”, ông Động nói.
Theo ông Kiên, trên thế giới, chủ yếu thủ đô và những thành phố quan trọng trong quá trình lịch sử của mình cũng có xây cổng chào. Còn lại, các địa phương cũng có cổng nhưng không to cao như ở ta mà dạng biển báo hoặc một không gian đánh dấu. “Thông thường, nó là một cái biển ghi chào mừng đến thành phố này, ăn chơi hơn thì có thể làm vườn hoa. Có thể để tên của thành phố thấp nhưng to ngay cạnh đường. Chứ làm hẳn một cái cổng thì không, vì nó không cần đến thế. Những cổng được xây để đánh dấu một sự kiện lịch sử hoặc dấu ấn quan trọng của thời đại đều được xây đã lâu rồi”, ông Kiên nói.
Cổng chào, chào ai ?
Cổng chào trên đường Trần Phú, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ ngay cửa ngõ phà Cần Thơ trước đây từng được mô tả là lớn nhất ĐBSCL với thiết kế chiều cao thông xe 7 m, chiều rộng 36 m, có 3 trụ cổng để phân luồng đường. Công trình này có tổng giá trị đầu tư hơn 1,3 tỉ đồng do UBND Q.Ninh Kiều làm chủ đầu tư khởi công xây dựng tháng 4.2005 và hoàn thành vào tháng 8 cùng năm. Dân chúng vừa bất ngờ vừa cảm thấy khó hiểu về quyết định xây nó bởi khi đó cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu đã xây dựng từ tháng 9.2004, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2008. Điều này đồng nghĩa rằng tuyến đường mà chiếc cổng chào dựng lên sẽ thành đường cụt và từ công trình hoành tráng này nhìn xuống bờ sông Hậu chỉ còn hơn 100 m chẳng biết để chào ai.
Cho đến giờ sau hơn 10 năm, TP.Cần Thơ chắc chắn vẫn phải chi ngân sách duy tu bảo dưỡng mỗi năm. “Bây giờ nó không còn là cổng chào nữa mà chỉ là nơi treo khẩu hiệu của thành phố. Nhưng thà đập bỏ thì thôi chứ giữ lại phải làm cho sáng sủa. Gần đây nhất là năm 2015, quận đã phải chi khoảng 200 triệu đồng để sửa chữa cổng chào này”, ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, cho biết. 
 Đình Tuyển

Cần bệnh viện, trường học hơn cổng chào
Theo KTS Nguyễn Hoàng Mạnh (ảnh), tư duy hình thức thể hiện rõ trong việc dù chúng ta đang cần tiền để xây bệnh viện và trường học, thì cổng chào lại được dồn dập xây gần đây.
Nhiều địa phương xây cổng chào hoành tráng, có cổng lên tới 200 tỉ đồng, huyện nghèo cũng xây cổng tiền tỉ. Đó có phải là những công trình kiến trúc có giá trị không, thưa ông?
Chỉ làm một cái cổng mà tốn kinh phí tiền tỉ thì thực sự đáng tiếc vì mình còn nhiều việc cấp bách hơn. Thay vì bỏ tiền ra làm quả địa cầu như thể hiện cổng chào ở Bình Dương và bị nát tơi tả thì tại sao không trồng một khu rừng nhỏ ngay tại cái cổng đó luôn. Như thế mát mắt, tốt hơn cho cảnh quan và sự xuất hiện của bê tông hay bất cứ gì tương tự sẽ đều bị sến. Nhưng cái sến đó bây giờ rất nhiều. Nó cho thấy việc được giao cho người không đúng chuyên môn.

Một trong những lý do địa phương đưa ra khi xin xây cổng chào là người dân muốn có. Cổng chào tỉnh có thật sự cần đến mức đó hay không?
Cổng chào không cần thiết mức đó. Thực sự ta cần xây trường học, bệnh xá hơn là một cái cổng rất nhiều. Đó là cái rất thực tiễn, cũng đang thiếu bây giờ. Cứ lên các bản làng thì sẽ thấy, phải chắt chiu từng đồng một để làm nhà, làm lớp học cho học sinh miền núi. Ai quan tâm cái cổng? Không ai quan tâm.

Theo ông, ở VN đã có cái cổng nào đạt tới mức là một biểu tượng văn hóa hay chưa?
Tôi thấy mới rộ ra phong trào cổng chào, chứ đâu phải có lâu rồi đâu. Còn về mặt phân chia địa danh, tôi thấy chỉ cần cái biển chào mừng đã đến là quá tốt rồi. Bảng nhỏ khiêm tốn thôi, thế là đủ.

Người ta sẽ nói có những cái cổng đánh dấu lịch sử. Chẳng hạn, cổng là công trình chào mừng thành lập tỉnh. Với những dấu đánh mốc lịch sử như vậy thì nên xây cổng không?
Chúng ta treo cờ hoa chào mừng là được rồi. Làm cổng tạm thời chứ không cần kiên cố.
Ông từng nói tư duy về cổng chào đã lỗi thời. Đã có thời kỳ nào thế giới chuộng cổng chào không, và sau đó họ đã bỏ tư duy đó ra sao?
Trước đây, có những lúc có chủ nghĩa anh hùng cá nhân, nhất là trong chiến tranh nên người ta hay xây dựng cụm quảng trường - tượng đài - cổng chào để ghi mốc những thời khắc lịch sử. Khải Hoàn Môn ở Paris (Pháp) đánh dấu Napoleon thắng trận, mỗi trận chiến thì đều ghi công. Bây giờ người ta lại xây dựng mọi thứ trên sức mạnh cộng đồng. Xu hướng là dành sự tôn vinh cho nhóm người, cho cộng đồng. Nên các nước phát triển làm các tượng nghệ thuật chứ không đặt nặng chuyện tôn vinh ở khu công cộng.

Tốn kém, đôi khi không an toàn, không nhiều giá trị sáng tạo, ông có nghĩ những cổng chào như thế không?
Từ góc độ chuyên môn, tôi thấy việc xây cổng chào nhiều là biểu hiện của tư duy hình thức.
Trinh Nguyễn (thực hiện)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.