Trạm cân di động: Nơi ‘đắp chiếu’, nơi cầm chừng

Sau khi cảnh sát giao thông không tham gia phối hợp, trạm cân xe di động ở nhiều địa phương hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi ngưng hoạt động.

Theo thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, từ ngày 20.9.2016, lực lượng CSGT không tham gia phối hợp tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Cùng lúc, lực lượng kiểm soát quân sự cũng rút quân nên các trạm cân di động (gọi tắt trạm cân) hoạt động mỗi nơi một kiểu.
Trạm cân tiền tỉ “đắp chiếu”
Theo Thanh tra giao thông (TTGT) Bình Dương, trạm cân di động tại Bình Dương được đầu tư gần 2 tỉ đồng, trang bị cân trọng tải, xe chuyên dụng (loại 24 chỗ) và đưa cán bộ đi tập huấn sử dụng. Thế nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, trạm cân phải ngưng hoạt động từ tháng 8.2016 đến nay.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh TTGT Bình Dương lý giải: "Trước đây trạm cân hoạt động có sự phối hợp của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Từ khi Bộ Công an có chỉ đạo rút CSGT, không tham gia kiểm soát tại các trạm cân dẫn đến thiếu hụt lực lượng nên trạm cân tạm nghỉ từ đó cho đến nay”.
Ông Vũ cho biết thêm, từ khi trạm cân tạm ngưng hoạt động thì lực lượng TTGT sử dụng cân tay để kiểm soát trọng tải. Ngoài ra, lực lượng này còn trưng dụng các trạm cân tư nhân để cân xe khi có dấu hiệu vi phạm trọng tải. Ông Vũ khẳng định: “Mặc dù không có trạm cân nhưng công tác kiểm soát trọng tải của chúng tôi vẫn được đảm bảo”, và cho biết Sở GTVT Bình Dương đang xây dựng quy chế hoạt động của trạm cân và lấy ý kiến của các ngành công an, quân đội nhằm cử lực lượng CSGT, kiểm soát quân sự tham gia hoạt động của trạm cân cùng lực lượng TTGT. Sau khi quy chế hoạt động được ban hành, trạm cân mới tiếp tục hoạt động.
Mỗi nơi mỗi kiểu
Tại Bình Phước, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sau khi lực lượng CSGT không tham gia trạm cân, Sở GTVT Bình Phước tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động mới cho Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, trong đó có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng công an.
Theo ông Trần Văn Hùng, Trạm trưởng Trạm cân Bình Phước: "Khi lực lượng CSGT rút không tham gia thì trạm cân chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 1 tháng sau đó UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động và trạm cân đi vào hoạt động ổn định cho đến nay. Hiện trạm cân này được đặt trên đường ĐT741 kiểm soát khá hiệu quả trọng tải từ Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên về Bình Dương, TP.HCM và chiều ngược lại”.
Xe quá tải trên QL1 của một đơn vị kinh doanh vận tải ở Quảng Bình từng bị Trạm cân Bình Thuận xử phạt nhiều lần Ảnh: Quế Hà
Còn tại Bình Thuận, trạm cân kiểm tra tải trọng được đặt tại 10 vị trí (UBND tỉnh phê duyệt) thuộc tuyến QL55, 28A, 28B và các đường ĐT liên huyện; trong khi trách nhiệm kiểm tra xe quá tải trên QL1 đi qua tỉnh thuộc quyền kiểm soát của lực lượng TTGT của Tổng cục Đường bộ VN.
Ông Mai Văn Bình, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, kiêm Trạm trưởng Trạm cân tải trọng di động Bình Thuận, cho hay: "Sau khi không còn lực lượng CSGT và quân sự tham gia, hoạt động của trạm cân có khó khăn". Cũng theo ông Bình, sau khi trạm cân di động rút khỏi vị trí đặt trên QL1, tình trạng xe chở quá tải vẫn còn khá phổ biến trên tuyến đường huyết mạch này.
Theo ông Dương Mạnh Hưng, Chánh TTGT tỉnh Đồng Nai, giữa tháng 6.2017, do địa bàn phức tạp, rộng lớn và cần thiết tham gia của lực lượng công an, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo tăng cường sự phối hợp liên ngành để kiểm soát xe quá tải. "Từ đó, tại các chốt, trạm cân của TTGT Đồng Nai lại có sự tham gia phối hợp của CSGT theo kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Sở GTVT và Công an tỉnh Đồng Nai", ông Hưng nói và cho biết, hiện các trạm cân cố định và lưu động ở Đồng Nai vẫn duy trì hoạt động 24/24. Riêng 4 chốt, trạm sử dụng cân xách tay thì hoạt động theo chu kỳ hoạt động của các mỏ đá (từ 5 - 22 giờ). Ngoài ra, lực lượng TTGT còn tới tận mỏ đá để kiểm tra, xử lý tận gốc vi phạm về xe quá khổ, quá tải.
Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên cả nước triển khai dự án truyền toàn bộ dữ liệu từ cân của các mỏ đá về Ban ATGT tỉnh, Sở GTVT và Công an tỉnh để kiểm soát tận gốc xe quá tải. “Hiện chúng tôi đã triển khai kết nối dữ liệu được hơn 10 mỏ đá (trong tổng số 22 mỏ đá ở Đồng Nai). Sau khi xong hết các mỏ đá thì tiếp tục nhân rộng ra nhà máy, khu công nghiệp, nơi có các trạm cân. Khi đó chỉ cần ngồi ở nhà là biết mỏ nào xuất xe bao nhiêu tấn, có vi phạm hay không để tiến hành xử phạt”, ông Hưng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.