TP.HCM vững vàng chống dịch Covid-19: Vất vả những ngày đầu ở bệnh viện dã chiến

31/07/2021 05:57 GMT+7

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 (TP.HCM) được trưng dụng từ một chung cư. Do mới đưa vào hoạt động nên có những khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ làm việc tại đây rất vất vả...

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8 (gọi tắt là BVDC số 8) hoạt động hơn 2 tuần qua, nơi đây thu dung điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân (BN) Covid-19 tại TP.HCM.

Ngày đầu khó khăn

Nhận lệnh đi khảo sát trưng dụng chung cư làm BVDC số 8, các y bác sĩ (BS) của BV Bình Dân và BV Thống Nhất lên đường gấp rút triển khai BVDC tại khu chung cư tái định cư Bình Khánh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức).
Ngày 23.7 chúng tôi đi ghi nhận thực tế tại BV này. BS Phạm Hữu Đoàn, Phó giám đốc BVDC số 8, chia sẻ: “Kiến thiết lại BV trên cơ sở một chung cư tái định cư đã 5 năm không sử dụng có rất nhiều công việc phải chuẩn bị, từ nguồn điện, nguồn nước, vật dụng cần thiết… Rất nhiều thứ cần bổ sung để biến nơi đây thành một BVDC điều trị Covid-19, vừa làm khu vực cách ly y tế đối với BN Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khu điều trị... Những ngày đầu, nguồn nhân lực chưa điều phối kịp, để có thể nhanh chóng hoàn thiện đón BN, ngoài việc thăm khám điều trị, chuyện gì chúng tôi cũng phải làm hết, kể cả tạp vụ. Mọi nhân viên y tế tại đây phải chia nhau ra làm nhưng không xuể”.
Mỗi 7 giờ tại BVDC số 8 là lúc chuyển giao giữa ca trực đêm và ngày. Nhóm điều trị của BS Nguyễn Phước Quí Tài nhận ca trực sáng. Ca trực sáng thăm khám toàn bộ BN, mỗi BS phụ trách 4 tầng, mỗi tầng khoảng 70 BN.

Sáng 31.7: TP.HCM thêm 2.503 ca Covid-19 sau 12 giờ

Ở đây các BS điều trị được phân công thăm khám cố định các tầng để nắm được tình trạng của BN, dễ chia sẻ, động viên BN khi cần. BS Tài đảm nhận khám các BN từ tầng 14 - 18.
Thang máy ở một tòa nhà 23 tầng nhưng lúc này chỉ ưu tiên sử dụng cho vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và BN. Ê kíp thăm khám BN chủ yếu đi thang bộ. Với đồ bảo hộ và khẩu trang bịt kín, đi thang bộ cũng bất tiện.
Những ngày đầu BVDC số 8 vừa đi vào hoạt động, còn thiếu nhân lực, BS Tài cùng nhiều đồng nghiệp sau khi thăm khám BN thì hỗ trợ phân phát nhu yếu phẩm đến từng phòng. “Có hôm phát cơm xong cũng khuya, nhường phần cơm của mình cho các BN chưa có, tụi mình chỉ còn mì tôm, ăn vội để tiếp tục chăm lo cho BN khác, công việc kéo dài có khi đến 3 - 4 giờ khi BV tiếp nhận BN Covid-19 mới”.
Vất vả những ngày đầu ở bệnh viện dã chiến1

Bác sĩ BVDC số 8 chuẩn bị vào thăm khám cho bệnh nhân

ẢNH: KHÁNH TRẦN

Giúp bệnh nhân an tâm điều trị

“Chào cả nhà, BS tới khám bệnh. Mọi người phàn nàn gì không, hôm nay thấy trong người thế nào?”, BS Tài hỏi các BN. Theo BS Tài, chào hỏi BN giúp họ cảm thấy thoải mái và được quan tâm, chia sẻ với nhau những nỗi lo, bất tiện trong những ngày thực hiện cách ly điều trị tại đây. Vừa lắng nghe, vừa hỏi han những BN có triệu chứng, vừa ghi chép tỉ mỉ lại thông tin của BN, từ đó BS Tài đưa ra giải pháp chữa trị phù hợp. Cứ như vậy cho đến khi hết BN từng tầng, những ghi chép cụ thể về tình trạng BN được gửi đến các điều dưỡng để kịp thời phát thuốc cho BN.

Nhiều bệnh nhân vừa nhập viện tỏ ra rất hoang mang, lo lắng. Quan trọng nhất là giúp bệnh nhân ổn định về tâm lý trước để yên tâm điều trị”

Bác sĩ Nguyễn Hữu Mạnh (Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM)

Cách đây 1 tuần, BS Nguyễn Hữu Mạnh cùng nhiều đồng nghiệp tại BV Bình Dân được tăng cường cho BVDC số 8. Theo BS Mạnh: “Điều trị cho các BN tại đây khó nhất là về tâm lý. Nhiều BN vừa nhập viện tỏ ra rất hoang mang, lo lắng. Quan trọng nhất là giúp BN ổn định về tâm lý trước để yên tâm điều trị”.
Cụ thể, như BN là bà cụ lớn tuổi, cách ly cùng gia đình nhưng bà vì quá lo lắng bỏ cả cơm. Mỗi khi thăm khám, BS Mạnh động viên để bà cụ đỡ lo lắng. Sau vài ngày, bà cụ đã ăn uống bình thường trở lại. Có hôm đang ở phòng trực tại tầng 5, một BN ở tầng 10 đột nhiên trở nặng cần sự hỗ trợ. BS Mạnh cùng các điều dưỡng leo thang bộ cho kịp thời. “Nghe BN khó thở, leo thang bộ lên gấp. Lên tới nơi mình còn khó thở hơn BN!”, BS Mạnh nói vui.
Theo BS Phạm Hữu Đoàn, nhiều BN ở đây được phát hiện dương tính qua test nhanh trên đường, sau đó được đưa thẳng vào BV nên họ không kịp chuẩn bị các vật dụng cần thiết. “Khi BN phàn nàn, các y BS ở đây cũng hiểu được phần nào những khó khăn mà BN đang trải qua, nên cố gắng đáp ứng hết khả năng những đồ dùng cần thiết cho BN. Tuy nhiên chỉ với hơn 400 nhân viên y tế tại BV chăm lo cho gần 4.000 BN, những thiếu sót là khó tránh khỏi”, BS Phạm Hữu Đoàn nói.
Một số BN không hợp tác, nhiều BN mới nhập viện có triệu chứng nhẹ đòi về nhà; nhiều BN tìm cách ra khỏi khu điều trị.
Sau hơn 2 tuần hoạt động, những nhóm BN đầu tiên tại BVDC số 8 đã được xuất viện. BS Đoàn hào hứng khi khoe đoạn clip quay lại những BN đầu tiên được ra viện và cho biết: “Vừa lấy mẫu xét nghiệm một số BN, sáng nay (23.7 - PV) BV trả kết quả, âm tính hết”.
Tính đến ngày 27.7, tại BVDC số 8 đã có hơn 1.600 BN xuất viện, những người này được BV sắp xếp xe đưa đón về tận nhà và tiếp tục tự theo dõi.

Xa gia đình cả tháng, lên chùa nấu vạn phần cơm cho bệnh viện dã chiến Covid-19 1

Công việc liên tục

Với khoảng 100 người là lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) được điều động từ H.Cần Giờ và H.Nhà Bè (TP.HCM) đến BVDC số 8 để hỗ trợ một số công việc. Xe chở BN ra vào BV liên tục, công việc vận chuyển đồ đạc, thức ăn, nước uống cho BN được các anh DQTV xoay liên tục.
Chuẩn bị cưới vợ nhưng đành gác lại vì dịch Covid-19, anh Đinh Minh Hải là DQTV (ngụ H.Cần Giờ) nhận lệnh tham gia chống dịch tại BVDC số 8, cho biết: “Khi mới vào đây, mỗi phòng chưa có gì hết, mình quét dọn rồi đem giường xếp lên, trung bình mỗi phòng từ 6 - 8 giường. Xe chở BN Covid-19 nhập viện liên tục, mỗi khi BN mới vào, mình lại đem nước, thức ăn để họ có dùng, đến nửa đêm mới xong”.
7 giờ là lúc các anh DQTV bận rộn nhất. Tại nơi tiếp nhận hàng từ ngoài vào, người nhà BN, shipper ra vào liên tục để gửi hàng. Lực lượng DQTV tiếp nhận hàng hóa tiếp tế cho BN, số lượng nhiều nên công việc vận chuyển diễn ra liên tục nhằm tránh ùn ứ, để các BN sớm nhận được đồ họ cần. Có những chuyến hàng nặng, 2 người phải rất gắng sức mới đẩy lên con dốc để tới nơi tập kết ở khu điều hành.
Đến 9 giờ, khi cơm được giao đến, tập kết tại khu nhà điều hành, sau khi nhân viên phụ trách điểm lại số lượng, cơm được các anh DQTV chuyển lên từng tầng cho BN.
Anh Nguyễn Hữu Nhân, phụ trách nhân sự BVDC số 8, cho biết công việc tuy vất vả và nguy cơ nhưng mọi người luôn cố gắng hoàn thành, đôi khi mệt đến bỏ cơm. “Ca trực sáng bắt đầu từ 6 giờ, mọi người ăn tạm mì tôm rồi lo đưa hàng tiếp tế cho BN, nhiều khi xong việc dù đói nhưng anh em ăn không nổi vì mệt”.

TP.HCM tăng lên 1.000 bàn tiêm vắc xin Covid-19, mỗi bàn tiêm ít nhất 300 người/ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.