TP.HCM: Vì sao HCDC chậm công bố thông tin chuyên gia Hàn Quốc nhiễm Covid-19 ?

28/10/2020 19:08 GMT+7

Lãnh đạo HCDC cho rằng thông tin chuyên gia người Hàn Quốc nhiễm Covid-19 khá nhạy cảm nên chưa thể công bố ngay, dù cho HCDC đã nhận được thông tin từ ngày 24.10 nhưng đến ngày 27.10 mới công bố.

Chiều 28.10, bác sĩ Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về ca nhiễm Covid-19 là chuyên gia người Hàn Quốc.

Cụ thể, tối ngày 24.10, HCDC nhận được thông tin ông J.K. 48 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, là chuyên gia của 1 doanh nghiệp Nhật Bản về lĩnh vực hợp tác đầu tư có văn phòng đại diện tại Hà Nội, khi test nhanh bằng kháng nguyên tại sân bay Narita (Nhật Bản) cho kết quả dương tính với Covid-19.

Hơn 300 F1, F2 của chuyên gia Hàn Quốc đều âm tính với Covid-19

Sau khi tiếp nhận thông tin ca dương tính, HCDC tiến hành truy vết, trực tiếp trao đổi với bệnh nhân. Lực lượng y tế đã tiếp cận, lấy mẫu xét nghiệm 47 trong số 48 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và 296 người trong số 297 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần. Đến chiều 28.10, toàn bộ kết quả xét nghiệm hiện nay đều cho kết quả âm tính virus SARS-CoV-2.

Về việc nhận thông tin chuyên gia người Hàn Quốc dương tính từ ngày 24.10 nhưng không thông tin rộng rãi mà chỉ công bố vào chiều ngày 27.10, ông Tâm giải thích: "Thông tin này rất nhạy cảm, nếu quá trình điều tra không chính xác, không thu thập đủ chứng cứ mà công bố thì chúng tôi không thể thu hồi những thông tin này. Thông tin về dịch bệnh đòi hòi tính chính xác rất cao nên không thể công bố sớm được".
Về khả năng ca bệnh lây nhiễm từ nguồn nào, bác sĩ Tâm nhận định có khả năng lây nhiễm từ sân bay, trên máy bay và tại sân bay ở Nhật Bản. “Khả năng lây nhiễm ở máy bay rất ít vì tất cả tiếp viên hàng không và du khách đều từ Việt Nam đi ra mà chúng ta đã không có dịch trong thời gian dài. Còn khả năng lây nhiễm tại sân bay ở Nhật Bản, chúng tôi chưa thể khẳng định”, ông Tâm cho hay.

Chiều 28.10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca Covid-19 từ Angola

Vì sao không xét nghiệm khi rời sân bay?

Trước đây, TP.HCM đã ghi nhận một trường hợp mắc Covid-19 mang quốc tịch Sri Lanka sau khi rời Việt Nam nhưng không được xét nghiệm trước khi lên máy bay. Ông Tâm cho biết hiện Việt Nam chưa có chính sách bắt buộc hành khách xét nghiệm trước khi xuất cảnh, ngành y tế chỉ thực hiện xét nghiệm với những hành khách đến các nước có yêu cầu chứ không xét nghiệm toàn bộ.

“Người xuất cảnh có thể rời Việt Nam qua nhiều con đường như đường bộ, đường hàng không. Chỉ khi nào có chính sách chung yêu cầu tất cả hành khách lên máy bay xuất cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính thì HCDC mới làm việc này. Vấn đề này đã được đặt ra, trong thời gian tới HCDC sẽ tham mưu về vấn đề này cho phù hợp”, ông Tâm nói.
Đánh giá mức độ rủi ro của ca bệnh, bác sĩ Tâm cho biết dù các trường hợp tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần đã cho kết quả âm tính nhưng không thể chủ quan mà vẫn phải chờ kết quả khẳng định từ phía Nhật Bản là âm tính mới tiên lượng tốt. HCDC sẽ tiếp tục công tác khoanh vùng, truy vết tìm các ca tiếp xúc.
Dù vị chuyên gia này đi nhiều nơi nhưng theo bác sĩ Tâm, lực lượng y tế sẽ tập trung truy vết các địa điểm mà chuyên gia từng đến trong khoảng 14 ngày trước khi xuất cảnh, nhất là những khu vực thường xuyên đến và nơi lưu trú.
Toàn bộ nhân viên một khách sạn ở Q.1 nơi chuyên gia Hàn Quốc này lưu trú trước khi xuất cảnh đã được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm”, ông Tâm cho hay và nhận định các trường hợp tiếp xúc từ ngày 10.10 trở về trước nguy cơ thấp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.