TP.HCM: Trung tâm an sinh xã hội chuẩn hóa quy trình để 'không trùng lắp, không bỏ sót'

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/08/2021 15:46 GMT+7

TP.HCM kỳ vọng Trung tâm an sinh xã hội sẽ là nơi chuẩn hóa quy trình tiếp nhận và phân bổ hàng hóa như lương thực, thực phẩm... cho người dân gặp khó vì Covid-19 mà 'không trùng lắp, không bỏ sót'.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt là Trung tâm an sinh xã hội).
Trung tâm này đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM (địa chỉ tại số 55 Mạc Đĩnh Chi, P.Đa Kao, Q.1), do bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM là Giám đốc của Trung tâm. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM là Phó giám đốc Trung tâm.
Trung tâm có chức năng tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa như lương thực, thực phẩm... của các tổ chức, cá nhân, đồng thời, phối hợp UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát các khó khăn và nhu cầu cần được hỗ trợ của những hộ nghèo, cận nghèo; những người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19… Trên cơ sở rà soát các khó khăn và nhu cầu thực tế cần được hỗ trợ của các đối tượng nêu trên, trung tâm sẽ tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng thông qua các cấp chính quyền tại địa phương.

TP.HCM chi 900 tỉ đồng cho các gói an sinh xã hội trong dịch Covid-19

Trong hội nghị trực tuyến triển khai gói an sinh xã hội được tổ chức sáng 5.8, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, Trung tâm sẽ chuẩn hóa lại quy trình tiếp nhận và phân bổ hàng hóa để làm sao vừa đảm bảo việc các hộ dân khó khăn được chăm lo, tránh trường hợp một hộ dân nhận được hỗ trợ nhiều lần nhưng có hộ khác thì chăm lo sót.
"Mục đích cuối cùng của việc vận hành Trung tâm này là không bỏ sót việc chăm lo cho các hộ dân khó khăn. Sắp tới, sẽ có một ứng dụng do Công ty TNHH MTV phát triển phần mềm Quang Trung viết quy trình vận hành. Từ đó việc quản lý sẽ khoa học hơn, tránh trường hợp làm "đụng", tức có hàng gì thì cứ phân bổ hàng hóa về địa phương, bệnh viện, khu cách ly... Đồng thời, sẽ thí điểm thực hiện song song mô hình trung tâm an sinh xã hội này tại Q.5, Q.7, Q.12", bà Châu nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng cho biết, Trung tâm an sinh xã hội sẽ có phân công cụ thể, sớm ra quy chế hoạt động, vận hành, tổ chức. Trung tâm này sẽ số hóa và trữ lượng hàng hóa có được. Song song đó, các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng phải có thống kê trữ được bao nhiêu tấn gạo, có những biểu mẫu, đề xuất gửi về MTTQ thành phố để tiếp cận nguồn lực, phân bổ hàng hóa đúng nhu cầu.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc thành lập, vận hành Trung tâm an sinh xã hội phải giải quyết 4 yêu cầu:
Một, quản lý thống nhất nguồn vận động hỗ trợ vì hiện nay có nhiều nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, cá nhân trong ngoài nước; các mặt hàng hóa đa dạng.
Hai, đưa hàng hóa và các nhu yếu phẩm mà các nhà hảo tâm hỗ trợ đến với người dân sớm nhất có thể, không để hàng hóa bị động, hư hỏng.
Ba, "không trùng lắp, không bỏ sót" đối tượng cần quan tâm, khi một người nhận được nhiều phần quà nhưng có những hộ không được nhận hoặc nhận rất ít.
Bốn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều phối và phân bổ hàng hóa đạt hiệu quả cao nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.