TP.HCM: Tiêm vắc xin cho các tổ Covid-19 cộng đồng ở Q.Bình Thạnh

20/06/2021 12:14 GMT+7

Các thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng tại TP.HCM thường xuyên đến các điểm có nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều người nên sau khi tiêm vắc xin sẽ an tâm hơn để tiếp tục tham gia chống dịch Covid -19.

Sáng 20.6, khoảng 200 người là các thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng như, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị, hội viên hội phụ nữ phường, thành viên ban công tác mặt trận khu phố… ở một số phường của Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã tập trung về sân vận động Gia Định (P.12) để được tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Dân Bình Thạnh bất ngờ vì tiêm vắc xin Covid-19 thấy "nhẹ nhàng hơn tưởng tượng"

Phía dưới 4 mái che di động trước trụ sở, mọi người ngồi ghế giãn cách theo sắp xếp của đơn vị tổ chức. Sau đó, từng người xếp hàng vào khám sàng lọc, tư vấn, đo huyết áp rồi lên lầu 2 là khu vực tiêm chủng.

Nhiều thành viên tổ Covid-19 cộng đồng có mặt từ sớm để được tiêm vắc xin

Ảnh: Sỹ Đông

 

Thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng gồm hội phụ nữ, ban công tác mặt trận khu phố, tổ dân phố...

Ảnh: Sỹ Đông

 

Một số cán bộ trật tự đô thị tham gia tổ Covid-19 cộng đồng được tiêm chủng trong đợt này

Ảnh: Sỹ Đông

 

Trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế tư vấn, khám sàng lọc

Ảnh: Sỹ Đông

Có 4 bàn tiêm trong 2 phòng sát nhau, mỗi bàn tiêm có 2 nhân viên y tế thực hiện tiêm và hỗ trợ người dân. Cầm phiếu xác nhận đã tiêm chủng mũi 1, ông Nguyễn Thành Nam (65 tuổi, ngụ P.5, Q.Bình Thạnh) hồ hởi nói với PV Thanh Niên: “Như vậy là yên tâm hơn rồi”.
Ông Nam cho biết công việc của mình lo “hậu cần” mỗi khi có ca nhiễm, tham gia lực lượng phong tỏa hoặc tuyên truyền các quy định mới về phòng dịch chứ không trực tiếp vào khu vực phong tỏa, khu cách ly. Dù vậy, với tính chất đặc thù của công việc phải tiếp xúc nhiều người, vận động, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật đến người dân.
“Từ ý thức đến hành động là một quá trình. Mình phải tuyên truyền thường xuyên để người dân biết và thực hiện, như vậy cũng là một cách giúp đỡ thành phố vượt qua đại dịch”, ông Nam nói.

Hàng ngàn công nhân Khu chế xuất Tân Thuận tiêm vắc xin Covid-19

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nở, tham gia Hội Phụ nữ P.19, Q.Bình Thạnh thường xuyên nấu ăn cho các lực lượng trực chốt kiểm soát dịch Covid-19

Ảnh: Sỹ Đông

 

Vắc xin được tiêm là AstraZeneca do Nhật Bản hỗ trợ

Ảnh: Sỹ Đông

 

Sau khi tiêm chủng, mỗi người nhận giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1

Ảnh: Sỹ Đông

 

Khu vực theo dõi sau tiêm ở khu vực lầu 2, người được tiêm chờ khoảng 30 phút rồi vào phòng để nhân viên y tế tư vấn...

Ảnh: Sỹ Đông

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Nở, công tác ở Hội Phụ nữ P.19, Q.Bình Thạnh đến từ sáng sớm, là một trong những người được tiêm đầu tiên ở điểm tiêm chủng này. Nói về công việc của mình, bà Nở cho biết thường đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn rồi chuyển đến các khu cách ly cho lực lượng trực chốt, hỗ trợ phường khi có tình huống phát sinh. Ra ngoài đường nhiều, thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao nên bà Nở cảm thấy yên tâm hơn sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Ngoài sân vận động Gia Định (P.12), Q.Bình Thạnh còn tổ chức 3 điểm tiêm chủng khác để tiêm vắc xin cho các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng

Ảnh: Sỹ Đông

Đại diện UBND Q.Bình Thạnh cho biết việc tiêm chủng cho các tổ Covid-19 cộng đồng là cần thiết bởi đây là lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, thuộc các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/2021 của Chính phủ. Dự kiến, Q.Bình Thạnh tổ chức tiêm chủng tại 4 điểm, ngoài sân vận động Gia Định, 3 điểm còn lại là: Trường THPT Hoàng Hoa Thám (P.7), Trường THCS Phú Mỹ (P.19) và Trường tiểu học Đống Đa (P.25).

Các tổ Covid-19 cộng đồng đã hỗ trợ chính quyền địa phương để kiểm soát và khống chế dịch bệnh

Ảnh: Sỹ Đông

Bản tin Covid-19 ngày 20.6: Chỉ thị 10 cùng chiến dịch vắc xin thần tốc

Theo phân bổ của Chính phủ, TP.HCM có 836.000 liều vắc xin Covid-19 được phân bổ trong đợt này, trong đó có 786.000 liều dùng tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 và 50.000 liều tiêm cho lực lượng bộ đội, công an trên địa bàn TP.HCM.
Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, lực lượng tuyến đầu chống dịch được ưu tiên và tiêm miễn phí, bao gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội, công an.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.