TP.HCM tháo gỡ vướng mắc sau 4 ngày giãn cách

13/07/2021 04:51 GMT+7

Chiều 12.7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, sở ngành của TP.HCM thông tin và đưa ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc sau 4 ngày thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn thành phố.

Phân luồng từ xa để tránh ùn ứ

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, những ngày giãn cách xã hội, số phương tiện đi lại giảm 70 - 80%, đường sá ít người qua lại.
Tính đến ngày 12.7, toàn TP.HCM có 322 chốt kiểm soát cấp TP và các quận, huyện, trong đó chỉ một vài điểm ở Q.Gò Vấp bị ùn ứ do ngày đầu tuần và Q.Gò Vấp là địa bàn kết nối với nhiều địa phương, nhu cầu người dân đi lại nhiều. Để tránh ùn ứ ở các chốt kiểm soát, Sở GTVT sẽ phối hợp với các quận, huyện để điều tiết, phân luồng từ xa, không để tập trung đông người; các địa phương linh động tăng giảm số lượng chốt cho phù hợp tình hình. Về vận chuyển hàng hóa, ông Lâm thông tin Sở đã cấp giấy nhận diện cho gần 17.000 phương tiện lưu thông vào “luồng xanh” khi qua chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.

Nỗi niềm những người thiếu “giấy thông hành” bên chốt kiểm soát Covid-19 Gò Vấp

Lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM cho biết trong hai ngày 11 và 12.7, lực lượng chức năng tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, bao gồm cả trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, tổng số tiền xử phạt lũy kế 4 ngày qua khoảng 3,3 tỉ đồng.
Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM bị ùn tắc sáng 12.7 Ảnh: Độc Lập

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM bị ùn tắc sáng 12.7

Ảnh: Độc Lập

 
Liên quan tình hình phân phối hàng hóa, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương thông tin, toàn TP.HCM chỉ còn 68/237 chợ truyền thống hoạt động. Trong kế hoạch đã có chuẩn bị nguồn cung đáp ứng yêu cầu, nhưng do tình hình dịch bệnh tại các địa phương vùng nguyên liệu phức tạp, các địa phương này cũng triển khai các biện pháp kiểm soát người và phương tiện khiến hàng hóa về tới TP.HCM chậm.
Về vấn đề tiêm vắc xin, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết trong quyết định phân bổ của Bộ Y tế ngày 12.7, TP.HCM được phân bổ gần 55.000 liều vắc xin Pfizer; sắp tới TP.HCM có thêm 1 triệu liều Moderna và khoảng 100.000 liều AstraZeneca (tổng cộng hơn 1,1 triệu liều. Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng trên nguyên tắc đảm bảo tiến độ, hiệu quả, an toàn, không tập trung đông người.
Đối tượng được ưu tiên tiêm lần này gồm lực lượng tuyến đầu chống dịch (số còn lại chưa được tiêm chủng), người mắc bệnh mãn tính và người trên 65 tuổi; người nghèo, các đối tượng chính sách; người lao động nước ngoài… “Trong 2 - 3 tuần có thể tiêm hết số vắc xin được phân bổ”, ông Nam nói.

Sáng 13.7: TP.HCM căng thẳng với 365 ca Covid-19 mới, 29 ca đang điều tra dịch tễ

Phối hợp với các tỉnh lân cận

Ngày 12.7, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị trực chốt kiểm soát không được phép kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với trường hợp đi lại trong phạm vi TP do nhu cầu thật sự cần thiết. Công an tổ chức tuần tra thường xuyên xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự, phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng.
Bên cạnh đó, các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn để phối hợp với 4 tỉnh giáp ranh (Long An, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai) có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại giữa các địa phương để có giải pháp hạn chế đi lại, khuyến khích tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất. Trong trường hợp không thể ăn, nghỉ tại nơi sản xuất thì tổ chức ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Ngày 12.7, Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho biết đã có công văn yêu cầu lực lượng CSGT trên toàn quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, C08 yêu cầu cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ không chủ quan trong phòng chống dịch, phải linh hoạt đảm bảo thông thương hàng hóa thiết yếu cho người dân và khu vực cách ly. Đặc biệt, C08 lưu ý CSGT các địa phương tránh cứng nhắc, dẫn đến đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất và lưu thông hàng hóa, gây bức xúc cho người dân, nhất là tại TP.HCM và các địa phương lân cận.
Phòng CSGT công an các địa phương cần đề xuất cơ chế, chính sách phòng, chống dịch phù hợp trong hoạt động vận tải, vận chuyển hành khách, công nhân, không “ngăn sông cấm chợ”, không để ách tắc trên các tuyến giao thông.
Thái Sơn

Bản tin Covid-19 ngày 12.7: Cả nước thêm 2.383 ca Covid-19, TP.HCM ghi nhận số bệnh nhân "kỷ lục"

Cùng ngày, UBND TP.HCM đề nghị UBND 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh chỉ đạo các địa phương của tỉnh có trụ sở công ty, nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thường xuyên đưa đón công nhân, chuyên gia qua lại TP.HCM phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm soát, hạn chế đi lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.