TP.HCM phân loại nhóm nguy cơ để dập dịch

29/06/2021 05:43 GMT+7

TP.HCM chia 22 địa phương thành 3 nhóm nguy cơ và giao quyền chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 tùy theo diễn biến cụ thể.

Ngày 28.6, tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế nhận định dịch bệnh diễn biến phức tạp, ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng qua trường hợp có triệu chứng đến khám ở cơ sở khám, chữa bệnh.

Bản tin Covid-19 ngày 28.6: TP.HCM "nước sôi lửa bỏng" với 218 ca bệnh

Xét nghiệm diện rộng tìm F0

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận sau hơn 1 tuần thực hiện Chị thỉ 10 (ngày 19.6), số ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng nên cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
Để sớm khống chế dịch và thực hiện mục tiêu kép, ông Nên đề nghị đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện ca nhiễm sớm. Khi TP.HCM nhận được kit test nhanh được Chính phủ hỗ trợ, lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện. Ông Nên cũng đề nghị rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ; truy vết, xét nghiệm tìm F0 bằng việc xét nghiệm diện rộng.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung cao nhất cho phòng chống dịch; giảm tối đa các cuộc hội họp không cần thiết, thay thế bằng các biện pháp ứng dụng công nghệ.

Vắc xin Covid-19 Moderna vừa được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng công nghệ gì?

Có 6 địa bàn thuộc nhóm nguy cơ rất cao

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết số ca nhiễm hằng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Do đó, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM.
Ông Phong yêu cầu phân nhóm mức độ diễn biến dịch bệnh đối với các địa phương để có các giải pháp phù hợp; trong đó: nơi có nguy cơ rất cao, gồm các quận: 8, Bình Tân, Tân Phú, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh và một phần của TP.Thủ Đức (Q.Thủ Đức cũ); nơi có nguy cơ cao là quận: 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, H.Củ Chi và một phần của TP.Thủ Đức (Q.2 và Q.9 cũ); các quận có nguy cơ như quận: 7, 10, 11, Phú Nhuận và H.Cần Giờ. Người đứng đầu chính quyền địa phương toàn quyền quyết định một số vấn đề, trong đó có việc ra lệnh phong tỏa trên địa bàn.

6 khu vực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất ở TP.HCM

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ lập các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận huyện, TP.Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban chỉ đạo khu vực đó. Đồng thời, Sở chú ý những nơi có nguy cơ cao như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga... và một số quận, huyện đang có tình hình dịch bệnh phức tạp.
Sở TT-TT tăng cường camera giám sát tại các khu cách ly, kiểm tra theo 3 lớp (bên ngoài, bên trong khu cách ly, giám sát mỗi gia đình).
Chiều 28.6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã thành công. Dù chậm hơn 1 ngày so với dự kiến, nhưng nếu so với các đợt tiêm chủng trước đây thì tốc độ nhanh gấp 10 lần.
Đối với năng lực xét nghiệm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) Phan Thanh Tâm cho hay TP.HCM là địa phương có số lượng đơn vị được cấp phép làm xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 nhiều nhất cả nước, hiện năng lực khoảng 20.000 mẫu/ngày. Để đáp ứng cho công tác lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, ngành y tế TP.HCM được sự hỗ trợ của một tập đoàn thêm một cơ sở xét nghiệm đặt ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) với năng lực 30.000 mẫu/ngày. Như vậy, nếu lấy mẫu gộp 10 thì cộng cả năng lực hiện hữu và sự hỗ trợ thêm thì sẽ đủ năng lực xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.