TP.HCM ngăn dịch lan trong khu công nghiệp

11/06/2021 04:58 GMT+7

Bên cạnh ngăn chặn, xử lý kịp thời mầm mống dịch bệnh Covid-19 xâm nhập khu công nghiệp , TP.HCM cũng tính đến phương án vừa cách ly vừa sản xuất.

Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), TP.HCM có 17 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) với khoảng 1.330 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, khoảng 276.000 người lao động và hơn 2.200 người lao động nước ngoài đang làm việc; còn Khu Công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức) hiện có khoảng 45.000 người lao động.

Sáng 11.6: TP.HCM thêm 10 ca Covid-19, tổng cộng có 882 bệnh nhân

Nguy cơ tiềm ẩn

Tính đến ngày 4.6, có 728/1.330 (đạt 55%) DN tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 221 DN rất ít nguy cơ lây nhiễm, 437 DN nguy cơ lây nhiễm thấp và 70 DN có nguy cơ lây nhiễm trung bình. HEPZA cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc các DN gửi kết quả tự đánh giá, khắc phục các chỉ số có nguy cơ cao. Dù phần lớn DN tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở mức độ thấp nhưng dịch bệnh vẫn len lỏi vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thêm 211 ca lây nhiễm trong nước

Bộ Y tế cho biết ngày 10.6, VN ghi nhận thêm 219 ca mắc mới. Trong đó, 8 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Long An 4 ca, Tây Ninh 2 ca, Kiên Giang 1 ca và An Giang 1 ca. 211 ca mắc do lây nhiễm trong nước ghi nhận tại Bắc Giang 98 ca; TP.HCM 61 ca; Bắc Ninh 38 ca; Hà Tĩnh 5 ca; Hà Nội 4 ca; Tiền Giang 2 ca; Lạng Sơn, Hải Dương và Long An mỗi địa phương có 1 ca. Trong đó, 188 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa; 23 ca ghi nhận trong cộng đồng, đang được điều tra dịch tễ.
Ngày 9.6, TP.HCM ghi nhận một số ca nhiễm Covid-19 trong KCX Tân Thuận (Q.7), Công ty TNHH may xuất khẩu Việt Mỹ (xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn) và Công ty TNHH PouYuen VN (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân). Trưa 10.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại Công ty PouYuen VN.

Bản tin Covid-19 ngày 10.6: Hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm công nhân Công ty PouYuen

Ông Tsai Wen Tsung, Tổng giám đốc Tập đoàn Pouchen khu vực VN (đơn vị quản lý Công ty PouYuen VN - là DN có số lượng lao động lớn nhất TP.HCM với khoảng 56.000 người - PV), cho biết từ đợt dịch tháng 3.2020 đến nay, công ty đã triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của ngành y tế. Tại cổng ra vào các phân khu nhà đều được gắn máy đo thân nhiệt tự động, công nhân (CN) được phát khẩu trang mỗi ngày, đeo kính chắn tia nước, nhà ăn có vách ngăn… Xe đưa rước CN không chở quá 20 người, trước đây chỉ có hơn 300 xe, nay tăng lên 672 xe, CN khai báo y tế, đo nhiệt độ và rửa tay mỗi khi lên xe. Nhà ăn tại các phân xưởng cũng gắn camera quan sát phục vụ công tác trích xuất truy vết khi cần thiết. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, đánh giá Công ty PouYuen là điểm có nguy cơ dịch bệnh cao và hiện ý thức của một bộ phận CN còn hạn chế khi tụ tập ở khu vực máy rút tiền và nhà ăn.
Ngoài ra, mối nguy tại DN này còn đến từ hoạt động các khu chợ tự phát bên ngoài công ty. Theo đó, vào mỗi buổi chiều, hàng nghìn người chen chúc mua bán, không đeo khẩu trang. Thực trạng các chợ tự phát bên ngoài các KCN, KCX ở TP.HCM được đưa ra nhiều năm qua, chính quyền địa phương cam kết dẹp tận gốc nhưng chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”. Điều này dẫn đến nghịch lý, bên trong nhà xưởng thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang nhưng khi ra chợ vô tư tháo ra, người người chen lấn thì những rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn.
TP.HCM ngăn dịch lan trong khu công nghiệp

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị Công ty TNHH PouYuen VN điều chỉnh các biện pháp phòng dịch

ẢNH: ĐỘC LẬP

Thí điểm vừa cách ly vừa sản xuất

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cho rằng việc kiểm tra, giám sát các quy định phòng dịch của Công ty PouYuen chưa thực sự đầy đủ. “Lúc đi kiểm tra, vẫn có 7 - 8 CN đứng quanh máy lấy nước uống, đứng túm tụm lại và không nhường nhau. Cả việc rửa tay cũng vậy. Công ty cần hướng dẫn CN có thói quen xếp hàng, giãn cách”, ông Đức đề nghị.
Ông Đức bày tỏ lo ngại nguy cơ dịch bệnh từ hoạt động của hơn 670 xe đưa rước CN mỗi ngày tại công ty này, với số lượng xe lớn thì nếu chia ra 5 - 7 đợt thì CN vẫn tập trung đông. Do đó, công ty cần xây dựng phương án tổ chức CN lúc tan ca ra về và lên xuống xe trật tự. Đối với hoạt động bên ngoài khuôn viên công ty, ông Đức yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý các hoạt động tập trung đông người, buôn bán chợ tự phát bởi nếu bên trong xử lý tốt rồi mà bên ngoài không tốt thì công sức sẽ “đổ sông đổ biển”.
Hiện công ty đã có kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch bệnh nhưng cần tăng cường tổ chức diễn tập. Ông Đức giao Sở Y tế kiểm tra các kịch bản, tham vấn, bổ sung để công ty có sự chuẩn bị tốt hơn. Ông khẳng định TP.HCM luôn quan tâm và đánh giá cao công tác phòng dịch Covid-19 của Công ty PouYuen VN; đồng thời mong muốn công ty thực hiện nghiêm để tránh việc TP.HCM phải áp dụng “biện pháp mạnh” ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, hoạt động hằng ngày.

TP.HCM triển khai 2.000 giường điều trị, chuẩn bị tình huống Covid-19 diễn biến xấu

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, TP.HCM cũng đã tính đến phương án vừa cách ly vừa sản xuất như một số tỉnh ở phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao HEPZA chọn một số DN có đủ điều kiện để bố trí CN ăn, ở lại và làm việc ngay tại nhà máy, xí nghiệp để vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất bình thường.
Cũng tại cuộc họp, ông Đức yêu cầu công ty tiếp tục truy vết những người tiếp xúc gần với nữ CN mắc Covid-19, có thể sử dụng camera quan sát để phục vụ công tác này. Công ty cung cấp danh sách CN, nhân viên gồm cả địa chỉ cư trú và số điện thoại để chính quyền địa phương quản lý, phục vụ công tác chống dịch. Đối với các trường hợp F2 được cách ly tại nhà, ông Đức yêu cầu phải kiểm soát cách ly tại nhà nghiêm túc, bởi vì nếu có F1 chuyển thành F0 thì lập tức các F2 này sẽ trở thành F1, thời gian qua TP.HCM đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Hiện các F2 đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc nhưng cần tổ chức hậu kiểm, nhắc nhở.
Liên quan đến ca nhiễm là nữ CN làm việc tại KCX Tân Thuận, HCDC cho biết nữ CN cư trú tại khu Mả Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Khu vực này đã được phong tỏa từ ngày 31.5 và nữ CN cũng đã nghỉ làm từ ngày này. Sau khi nhận thông tin ca nhiễm, Trung tâm y tế Q.7 điều tra, truy vết khoanh vùng 145 trường hợp tiếp xúc gần là CN làm cùng phân xưởng để lấy mẫu xét nghiệm. Trung tâm y tế Q.7 nhận định ca bệnh này đã được cách ly tại khu phong tỏa từ trước, kết quả xét nghiệm 145 trường hợp tiếp xúc gần đều âm tính nên không có khả năng lây nhiễm cho người khác trong công ty. Còn nữ CN mắc Covid-19 tại Công ty PouYuen VN, HCDC cho biết hiện chưa ghi nhận trường hợp lây nhiễm trực tiếp tại công ty. Do công ty đã thực hiện các tiêu chuẩn an toàn trong phòng chống dịch, bệnh nhân chỉ tiếp xúc trong khu vực làm việc của mình nên các khu vực khác vẫn hoạt động bình thường.

Chùm ca Covid-19 ở Hà Nội diễn biến nguy hiểm, F3 đã thành F0

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.