TP.HCM: Nạn lấn chiếm vỉa hè, tín dụng đen làm 'nóng' nghị trường

09/12/2020 06:15 GMT+7

Vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, tín dụng đen, phòng chống dịch Covid-19 , phục hồi kinh tế.. được nhiều đại biểu HĐND đặt ra trong phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Trong phiên chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hôm qua, ngoài công tác phòng chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, tín dụng đen cũng được các đại biểu HĐND đặt ra.

Vỉa hè bị lấn chiếm, có người đứng đầu nào bị xử lý hay chưa?

Sau một đại biểu (ĐB) mở đầu phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn với hàng loạt câu hỏi về 3 vấn đề. Thứ nhất, môi trường đầu tư của TP.HCM vẫn còn hạn chế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xuống hạng, TP.HCM chọn chủ đề năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, vậy TP có giải pháp đột phá gì để cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư trong năm tới? Thứ hai, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã được chất vấn nhiều lần nhưng đến nay không có chuyển biến; lãnh đạo TP.HCM từng hứa nếu để xảy ra lấn chiếm sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, vậy đến nay đã có người đứng đầu quận huyện, phường xã nào bị xử lý hay chưa? Thứ ba, nữ ĐB “sốt ruột” trước tình trạng nhiều dự án chống ngập, giao thông chậm tiến độ như đường Lương Định Của, cầu Thủ Thiêm 2 (Q.2), cầu Tăng Long, cầu Nam Lý (Q.9) và đề nghị UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để sớm đưa dự án vào sử dụng.
Trả lời chất vấn về môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dù vẫn tăng điểm nhưng lại tụt hạng so với các tỉnh thành khác, năm 2019 đứng thứ 14 trên 63 tỉnh thành. Nguyên nhân có phần những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của TP chưa đủ mạnh, chưa tạo được sự đột phá. Người đứng đầu chính quyền TP cam kết sẽ cải thiện trong năm tới. “Ngay trong tháng đầu năm 2021 sẽ xác định trách nhiệm người đứng đầu các sở ngành, địa phương mà cao nhất là Chủ tịch UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về cải thiện môi trường đầu tư”, ông Phong nói, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư. Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, đảm bảo yêu cầu về thời hạn xử lý hồ sơ dưới sự giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM.
Về trật tự lòng lề đường, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết năm 2016 đã ban hành Chỉ thị số 22 có nội dung quy trách nhiệm người đứng đầu quận huyện, phường xã thị trấn khi để lấn chiếm vỉa hè. Sau gần 4 năm thực hiện, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Định kỳ 6 tháng/lần, UBND TP.HCM tổ chức sơ kết nhưng chỉ “lưu ý, nhắc nhở các quận, huyện; phường, xã, thị trấn phải quan tâm đến công tác trật tự vỉa hè, lề đường”, đồng thời xây dựng các tuyến, vỉa hè kiểu mẫu để ký cam kết thi đua. Sau khi cam kết, những phường nào làm tốt thì khen, đơn vị nào làm không tốt thì góp ý, phê bình. “Phải xác định rằng đây là công việc cần có thời gian, có sự tham gia của nhiều đơn vị chứ chỉ một mình chính quyền thì sau khi dọn dẹp xong, sẽ xảy ra tái chiếm”, ông Phong nói.
Về tình trạng ngập nước, theo ông Phong, TP.HCM bị ngập do lũ đầu nguồn, biến đổi khí hậu phức tạp dẫn đến mưa có vũ lượng lớn, triều cường cao, sụt lún... Ngoài ra còn có nguyên nhân từ công tác quản lý, tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao... Ông Phong dẫn chứng khi đi kiểm tra các điểm ngập nước, nhiều nơi cống, kênh đầy rác, người dân chiếm dụng hệ thống cống thoát nước. Để giải quyết căn cơ, ông Phong cho hay, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình để từng bước giảm ngập.

Tín dụng đen vẫn tái diễn khiến người dân bất an

Đăng ký chất vấn tiếp theo, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, bày tỏ lo lắng trước thông tin nhiều vụ án ma túy số lượng lớn bị triệt phá trong thời gian qua, nhất là một số cơ sở sản xuất ma túy ngay trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng tội phạm như bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đòi nợ thuê vẫn diễn ra phức tạp khiến người dân lo lắng, bất an. ĐB đặt câu hỏi: Sắp tới TP.HCM có biện pháp gì để kéo giảm các loại tội phạm nêu trên.
Trả lời chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận năm 2020 lợi dụng dịch Covid-19, loại tội phạm về xâm hại tài sản, tín dụng đen, ma túy vẫn còn xảy ra nhiều nơi. Ông Phong dự báo năm 2021, tình hình trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự đoán nên TP.HCM sẽ tập trung một số giải pháp như tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung các giải pháp phòng ngừa, triệt phá đường dây vận chuyển ma túy, đấu tranh với tội phạm kinh tế, môi trường, tội phạm công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài.

Bầu bổ sung 2 phó chủ tịch UBND

Chiều 8.12, HĐND TP.HCM miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND TP.HCM với ông Trần Vĩnh Tuyến vì không tham gia cấp ủy và ông Lê Thanh Liêm do nhận nhiệm vụ Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.
Sau đó, UBND TP.HCM giới thiệu 2 nhân sự vào vị trí Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021, gồm ông Lê Hòa Bình (Giám đốc Sở Xây dựng) và bà Phan Thị Thắng (Phó chủ tịch HĐND TP.HCM) để các ĐB bỏ phiếu bầu. Kết quả, bà Phan Thị Thắng và ông Lê Hòa Bình được bầu làm Phó chủ tịch UBND TP.HCM với số phiếu lần lượt là 76/84 và 80/84 ĐB có mặt tại kỳ họp. Dự kiến bà Phan Thị Thắng sẽ phụ trách tài chính - thương mại - dịch vụ - du lịch, còn ông Lê Hòa Bình phụ trách đô thị.
Tại kỳ họp lần này, các ĐB cũng bỏ phiếu bầu bổ sung ủy viên UBND TP.HCM là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch.
Sau khi bầu bổ sung, nhân sự Thường trực UBND TP.HCM được kiện toàn gồm: Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và 5 phó chủ tịch: ông Lê Hòa Bình, ông Võ Văn Hoan, ông Dương Anh Đức, ông Ngô Minh Châu và bà Phan Thị Thắng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.