TP.HCM lập quy trình cho từng loại hợp đồng PPP

04/07/2020 09:00 GMT+7

TP.HCM sẽ chủ động lập danh sách các dự án và tổ chức đấu thầu mời gọi nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư thay vì dựa vào đề xuất của nhà đầu tư rồi chỉ định thầu.

Ngày 3.7, HĐND TP.HCM tổ chức giám sát về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn TP.

Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

Tại buổi giám sát, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết TP.HCM đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết, đang triển khai với tổng mức đầu tư hơn 64.200 tỉ đồng; đang thực hiện thủ tục đầu tư 166 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 324.770 tỉ đồng và đang kêu gọi đầu tư 293 dự án trên tất cả các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục… với tổng mức đầu tư dự kiến 910.426 tỉ đồng.
Hình thức chỉ định thầu không xấu, không sai nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu lơ là thì nhà nước sẽ chịu thiệt thòi
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Tuấn dự báo trong thời gian tới, khi luật PPP có hiệu lực, TP có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án không có nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công hoặc khó khả thi về mặt tài chính như các dự án chống ngập, đê kè, di dời các hộ dân ven kênh rạch, trụ sở cơ quan nhà nước, công viên, nghĩa trang...
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch HĐND TP, cho biết từ đầu nhiệm kỳ, HĐND TP đã có nghị quyết về chuyển đổi các dự án từ đầu tư công sang hình thức PPP nhưng trong 5 năm qua chưa có dự án nào được chuyển đổi. TP.HCM cũng chưa ban hành quy trình đối với từng loại hợp đồng PPP, nhất là hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), chưa có quỹ đất công dành riêng cho các dự án BT. Trong các buổi làm việc với nhà đầu tư, ngoài vướng về pháp lý thì nhiều dự án còn vướng về giải phóng mặt bằng, công tác quyết toán kéo dài làm tăng nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.
“Các hợp đồng đã ký thể hiện ý chí của nhà nước và nhà đầu tư nên không thể để nhà đầu tư khó khăn trong giai đoạn hiện nay”, bà Thắng nhìn nhận và đề nghị UBND TP.HCM tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư; đồng thời lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh phân cấp về cho quận, huyện.

Bức tranh kinh tế TP.HCM 6 tháng đầu năm 2020 nhìn từ những con số

Chủ động đề xuất dự án

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định các dự án theo hình thức PPP thực hiện trong thời gian qua được tổ chức công khai, minh bạch, nhưng khi triển khai thực tế đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về pháp lý cần phải hoàn thiện.
Hầu hết dự án đầu tư theo hình thức PPP đều do nhà đầu tư đề xuất, nhà nước tổ chức đấu thầu, nhưng chỉ có một nhà đầu tư tham gia, nên phải chỉ định thầu. Trong khi đó, các dự án do TP đề xuất và kêu gọi đầu tư thì không có nhà đầu tư nào tham gia. “Hình thức chỉ định thầu không xấu, không sai nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro, nếu lơ là thì nhà nước sẽ chịu thiệt thòi”, ông Hoan cho hay.
Liên quan đến khâu thanh toán, quyết toán với dự án BT, ông Hoan cho biết nhà đầu tư thường chủ động chọn phần đất hoán đổi ở khu vực nội đô trong khi dự án đầu tư hạ tầng lại ở vùng ven. Điều này không đúng với nguyên tắc nhà đầu tư phải khai thác được quỹ đất dọc theo hạ tầng đang triển khai để đạt mục tiêu kép từ dự án.
Sau khi Quốc hội ban hành luật PPP, ông Hoan cho biết TP.HCM đã rà soát lại và chia thành 3 nhóm, bao gồm: nhóm dự án đang trong giai đoạn về đích thì thực hiện theo hợp đồng; nhóm dự án đã ký hợp đồng, đang xây dựng thì thanh toán bằng tiền, các khu đất phải được báo cáo Thủ tướng và tổ chức đấu giá; nhóm dự án đang trong giai đoạn đề xuất thì dừng lại.
Ngoài ra, ông Hoan thông tin TP.HCM đang chuẩn bị quy trình cụ thể cho từng loại hợp đồng để triển khai luật PPP tại TP.HCM; đồng thời kiến nghị T.Ư có quy trình phối hợp giữa các bộ ngành T.Ư hỗ trợ địa phương thực hiện. TP sẽ chủ động đề xuất dự án ở vị trí trọng điểm, mang tính định hướng phát triển lớn, những khu vực được quan tâm để tổ chức đấu thầu công khai, kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.