TP.HCM kiến nghị nâng Ban Quản lý ATTP lên thành Sở

05/09/2019 05:27 GMT+7

Sau 3 năm thí điểm hoạt động Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, UBND TP đề xuất cho Ban nâng lên thành Sở ATTP TP.

Kiến nghị các khó khăn, vướng mắc

Việc thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP theo quyết định của Thủ tướng năm 2016. Theo UBND TP, mặc dù Ban đã đạt nhiều kết quả trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn TP song còn gặp một số khó khăn.
Cụ thể: khó khăn về mô hình tổ chức và công tác thanh tra chuyên ngành. Trong thời gian thí điểm, Ban được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp Sở, nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành liên quan cho mô hình thí điểm này, nên còn nhiều lúng túng trong thực tế.
Nhằm tạo điều kiện cho Ban có đầy đủ cơ sở pháp lý, UBND TP đề xuất cho Ban chính thức trở thành Sở ATTP TP.HCM, chịu sự quản lý chuyên môn của 3 bộ: Y tế, Công thương, NN-PTNT. Sở ATTP có thanh tra sở giúp Giám đốc Sở thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành...
Khó khăn nữa là về cơ chế, chính sách trong quản lý nông sản. Theo UBND TP, sản xuất nông nghiệp tại TP chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân TP, phần còn lại từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Do vậy việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về TP tiêu thụ.
TP đề xuất có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành. Theo đó, nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc (thống nhất việc giám sát, cấp giấy chứng nhận ATTP kèm theo lô hàng). Do đặc thù của chợ đầu mối, hoạt động phân phối sản phẩm chỉ diễn ra ngay trong đêm. Theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng, mất từ 2 - 4 ngày.
Hiện nay chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng; nếu kết quả dương tính khi phân tích định lượng thì lô hàng đã được phân phối không còn tại chợ. Vì vậy, việc xử lý vi phạm về ATTP đối với các nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có hóa chất, chất cấm tại chợ đầu mối chỉ xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền), còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) là không thể. Do đó, UBND TP đề xuất có quy định về biện pháp xử lý ngăn chặn vi phạm (đình chỉ kinh doanh, tạm giữ lô hàng...) trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tăng thẩm quyền phải tăng trách nhiệm

Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng nâng cấp từ Ban lên Sở phải tính "gom" các bộ phận, lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP của Sở Y tế, Công thương, NN-PTNT về cho Ban Quản lý ATTP quản lý. “Nên quy về một mối, chứ hiện nay việc phân cấp nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo. Hiện một số lĩnh vực thực phẩm do Ban Quản lý ATTP chủ xị nhưng công tác phối hợp không hề dễ dàng vì Sở với Ban cũng tương đương nhau không dễ điều người đi, còn nếu về một đầu mối thì việc cử người rất thuận lợi”, ông Bình nói và cho rằng “quy về một mối” còn dễ dàng trong cấp phép, theo dõi, kiểm tra ATTP của hàng hóa.
Theo ông Trần Quang Thắng, đại biểu HĐND TP, thì “Việc quy về một mối nghĩa là tăng thẩm quyền, tăng nguồn nhân lực nhưng cũng tăng trách nhiệm cho anh. Khi xảy ra vấn đề hay sự cố gì liên quan đến quản lý ATTP anh không thể đổ lỗi cho ai được. Tôi nghĩ việc canh cổng, quản lý nguồn thực phẩm cho hơn 10 triệu người dân ở TP hết sức quan trọng và cần được làm bài bản chứ không làm kiểu hình thức”.
Hiện Ban được UBND TP giao 524 biên chế, trong đó có 237 công chức, 259 viên chức và 28 hợp đồng lao động. Tính đến ngày 30.6.2019, Ban có 177 công chức, 197 viên chức và 6 hợp đồng không xác định thời hạn. Như vậy còn chưa tuyển dụng được nhiều công chức, viên chức so với biên chế được giao.
TP kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển 259 viên chức (sự nghiệp) của Ban được giao năm 2019 sang thành 259 công chức (hành chính) cho phù hợp với chức năng của Ban là cơ quan quản lý hành chính nhà nước (số biên chế hành chính này được tính tăng trong tổng số biên chế hành chính mà Bộ Nội vụ giao cho TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.